Thứ Năm, 02/05/2024 05:59:16 GMT+7

Tin đăng lúc 12-08-2017

Lượt xem: 3081

Phân loại DNNN để “nâng chất” cổ phần hóa

Vẫn có những lựa chọn tối ưu nếu việc phân loại DN Nhà nước thực thi cổ phần hóa chú trọng nhiều hơn đến chuyện nâng cấp về chất sau cổ phần.
Phân loại DNNN để “nâng chất” cổ phần hóa
Nếu chưa lộ trình bán tiếp vốn từ 2018, SCIC vẫn sẽ tiếp tục vắt sữa nhiều nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm từ “con bò sữa” đứng đầu ngành sữa Việt

Không chỉ Sabeco hay Habeco trong nhóm 12 DN lớn mà Chính phủ chỉ đạo thoái vốn, nhiều DN mang về lợi ích cho SCIC tốt cũng đang được các nhà đầu tư đỏ mắt trông đợi khi Nhà nước thoái vốn, ví dụ Dược Hậu Giang hay FPT và FPT Telecom… Vấn đề đặt ra là, từ những “món ngon đáng tiền” như hôm nay, nên chăng cần có thận trọng nhất định trong phân loại và thoái vốn cổ phần, đặc biệt xét về xác định mục tiêu bán vốn ngay từ khởi đầu?

 

Từ Vinamilk và chuyện sữa ngon được vắt trường kỳ

 

Trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nước, 2017 được đánh giá là 1 năm nhiều khả quan do thuận lợi của thị trường chứng khoán lẫn thông tin, danh sách DN cổ phần hóa, bán, thoái vốn ngày càng minh bạch hơn.

 

Vinamilk nằm trong nhóm DN mà Chính phủ quyết định thoái hết vốn đến 2020, cũng là DN lớn được các nhà đầu tư tổ chức vô cùng trông đợi có thể mua cổ phần từ những đợt thoái vốn lớn, cũng nằm danh sách yêu cầu thoái vốn từ năm trước.

 

Tuy nhiên, sau đợt bán vốn thành công… 2/3 với 5,4% cổ phần Vinamilk bán được, Tổng Cty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới công bố lộ trình bán tiếp 3,33% vốn nhà nước còn dư trong tổng kế hoạch chào bán 9%. Tính toán từ SCIC là sẽ có khoảng 7.000 tỷ đồng dự thu về cho Nhà nước từ đợt bán vốn được đánh giá là “nhỏ giọt” tiếp theo. Tất nhiên, SCIC sau bán vốn nếu thành công hết 9% trong năm nay, thì tỷ lệ cổ phần còn tiếp tục nắm, vẫn sẽ giữ trong tầm tay quyền phủ quyết các quyết định lớn ở Vinamilk. Và nếu chưa lộ trình bán tiếp vốn từ 2018, SCIC vẫn sẽ tiếp tục vắt sữa nhiều nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm từ “con bò sữa” đứng đầu ngành sữa Việt.

 

Trong nhiều năm qua, Vinamilk là 1 trong những DN tiên phong cổ phần hóa và thành công với vị thế DN niêm yết top đầu trên sàn chứng khoán. Ngay cả 1 số DN như Sabeco, Habeco… cũng đang phải “nhìn” Vinamilk về kinh nghiệm lên sàn niêm yết, bán vốn Nhà nước khi họ là những CTy Nhà nước đi sau trên phạm vi tiếp cận thị trường tài chính và các nhà đầu tư tài chính quốc tế.

 

Đến lộ trình bán vốn vẫn cần… thận trọng

 

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng với những DN có tiềm vọng phát triển thành những DN lớn, dù không nằm trong danh mục Nhà nước cần nắm giữ thì Nhà nước vẫn nên cân nhắc về tỷ lệ và phương thức thu hút vốn/đối tác khi cổ phần.

 

Theo đó, vị chuyên gia cho biết, nếu có sự rà soát, phân loại, đánh giá tiềm năng, triển vọng của các DNNN một cách nghiêm túc, không phải chào bán ồ ạt mà với những DN tốt, có thể chỉ bán vốn thu hút đối tác đầu tư tài chính dài hạn (chừng 5 năm), là về tương lai, Nhà nước sẽ có thêm nhiều Vinamilk và Dược Hậu Giang mới. “Nhà nước sẽ thu hồi vốn nhiều lần, lợi ích gấp hơn nhiêu lần và quan trọng, mục tiêu có những DN độc lập, vững vàng là DN mà NN có thể sở hữu hoặc không sở hữu cổ phần đều có thể dẫn dắt các ngành, sẽ được hoàn tất”, ông Hiển khẳng định.

 

Hiện trong danh mục Nhà nước tiếp tục thoái vốn và cổ phần hóa vừa được công bố năm nay, theo lộ trình sắp xếp và cổ phần hóa 2016-2020, nếu xét về nhóm Nhà nước sẽ nắm giữ dưới 50%, có rất nhiều DN đang ăn nên làm ra hoặc có triển vọng “nở nồi” trong lĩnh vực kinh doanh của mình nếu có các điều kiện thu hút vốn từ đối tác và thay đổi năng lực quản trị. Điển hình là 1 loạt TCCty ở TP HCM như Thương mại Sài Gòn (Satra), Bến Thành, Vàng bạc đá quý Sài Gòn hoặc 1 loạt Cty cấp thoát nước ở các tỉnh. Nói riêng về ngành cấp thoát nước, ngành trước nay được “mặc định” là Nhà nước - đồng nghĩa “bao cấp”, rằng trong những năm qua, đã có những DN đi lên từ cổ phần, trở thành DN tư nhân, DN đại chúng hoặc niêm yết, và lọt vào tầm ngắm của những DN lớn về đầu tư năng lượng - tài nguyên như REE. Có nghĩa, cơ hội cho nhiều DN đang được “cào bằng” trong nhóm Nhà nước nắm giữ dưới 50% sau cổ phần hóa có thể bật dậy, trở thành những mũi nhọn nếu có kế hoạch cổ phần hóa đúng, là rất lớn.

 

“Phân loại chi tiết hơn nữa trên từng đề án cổ phần hóa với thẩm định, đánh giá cụ thể năng lực của từng DN trong nhóm sắp xếp cổ phần hóa và thoái vốn là 1 tiền đề để có những đợt “vắt sữa” dài hạn hoặc những cú bán vốn “dứt điểm” quyết liệt trong ngắn hạn. Nói như vậy không hàm ý cổ súy Nhà nước tiếp tục “làm” kinh tế ở những lĩnh vực mà tư nhân có thể cạnh tranh và làm tốt. “Vấn đề ở đây chỉ là nên cụ thể hóa kế hoạch cổ phần hóa có lộ trình, trọng điểm và không cào bằng, không “bán tất” vì bất kỳ một cột mốc thời gian hay thành tích nào, sao cho vẫn đảm bảo có hiệu quả thu về tốt nhất cho Nhà nước lẫn lợi ích dài hạn cho nền kinh tế”, ông Hiển nhấn mạnh.

 

Nguồn Enternews.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang