Thứ Bẩy, 27/04/2024 02:40:15 GMT+7

Tin đăng lúc 18-08-2016

Lượt xem: 5025

Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ: Cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do

Ngày 18/8/2016, tại TP.Hồ Chí Minh, Reed Tradex và Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) đã tổ chức hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thông qua cơ hội và lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ: Cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do
Tại triển lãm quốc tế cho ngành công nghiệp điện tử NEPCON Vietnam 2016

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình triển lãm quốc tế cho ngành công nghiệp điện tử NEPCON Vietnam 2016, nhằm cung cấp thông tin, chính sách liên quan đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) để hỗ trợ tăng dòng vốn đầu tư và tối đa hóa các cơ hội, góp phần phát triển nền công nghiệp mở rộng thị trường.

 

Việt Nam có tiềm năng sẽ trở thành một trung tâm mới cho ngành CNHT tại ASEAN, đặc biệt là ngành công nghiệp điện & điện tử. Vì vậy, sự hiểu biết về những cơ hội và quyền lợi mang lại từ hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ nâng cao lợi ích kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khi Việt Nam đang tham gia nhiều hơn vào các FTA xuyên quốc gia như  TPP, RCEP, ASEAN +6, v.v.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Tuy nhiên, với năng lực và công nghệ sản xuất hiện nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm CNHT. Do đó, các diễn giả và đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện tử cho rằng các FTA thế hệ mới mang lại nhiều thách thức hơn là cơ hội.

 

Bà Trương Thị Chí Bình – Giám đốc Trung tâm Phát triển DN CNHT (SIDEC), Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ: “Sự tham gia của những FTA mới sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam thâm nhập vào những thị trường mới, rộng lớn hơn. Ví dụ như RCEP với dự tính sẽ có hiệu lực vào năm 2017, 65% danh mục sản phẩm với 8.000 – 9.000 loại sản phẩm được miễn giảm thuế. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu được nhiều hơn những linh kiện và bộ phận thay thế. Tiếp theo đó là sự gia tăng nguồn vốn FDI tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất, đồng nghĩa với nhiều cơ hội sẽ mở ra cho các công ty Việt Nam thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng mặt khác, các nhà sản xuất Việt Nam cũng cần chuẩn bị tâm thế để đối đầu với sự cạnh tranh cao hơn từ những thị trường tương đồng. Các tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng xuất xứ, biện pháp phòng vệ thương mại sẽ trở nên gắt gao hơn khi rào cản thuế quan không còn. Chi phí nhân công cũng cần được xem xét khi mà lợi ích của người lao động sẽ được tập trung quản lý trong khuôn khổ của hiệp định TPP.”

 

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng - Bộ Công Thương  phát biểu tại Hội thảo

 

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng - Bộ Công Thương cho biết: Những đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT có thể nhận được những chính sách ưu đãi từ Nhà nước, chẳng hạn như: Thông tư 21/2016/TT-BTC, doanh thu từ sản phẩm CNHT ưu tiên được kê khai theo tháng, theo năm, khai tạm tính theo quý; những công ty này sẽ được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm. Ngoài ra, những công ty này còn được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn được hỗ trợ vay tối đa 70% vốn điều lệ tại các tổ chức tín dụng…

 

Ông Isara Burintramart, Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex nhấn mạnh “Tham gia các FTA, Việt Nam có cơ hội để tái cơ cấu xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Với tác động nhiều hơn của các FTA, xuất khẩu của Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng, tuy nhiên, cũng sẽ có những thử thách mà Việt Nam phải đối mặt như việc chống phá giá và chống trợ cấp…"./.

 

Quỳnh Anh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang