Thứ Sáu, 26/04/2024 21:53:52 GMT+7

Tin đăng lúc 19-07-2022

Lượt xem: 1734

Phát triển CNHT: Kỳ vọng từ sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm với nhiều ưu đãi tập trung cho sáu ngành chính gồm: Dệt may, da giày, điện tử, ô tô, cơ khí - máy công cụ và công nghiệp công nghệ cao. Đồng hành với chủ trương này, thời gian qua, các tỉnh thành trên cả nước đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) CNHT phát triển ổn định, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát triển CNHT: Kỳ vọng từ sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương
Bắc Ninh đặt mục tiêu có khoảng 800 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vào năm 2025

Hà Nội trở thành hình mẫu trong phát triển CNHT

 

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Thủ đô Hà Nội có rất nhiều lợi thế phát triển trong lĩnh vực CNHT. Đặc biệt, Tp Hà Nội đã phê duyệt Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2020 – 2025 với mục tiêu là tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực của các ngành sản xuất CNHT trên địa bàn.     Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 920 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Trong đó, có khoảng 300 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu; Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) của CNHT chiếm khoảng 16% GTSXCN ngành CN chế biến chế tạo Hà Nội; Chỉ số phát triển CN lĩnh vực CNHT hằng năm tăng trên 11%.

 

Để hoàn thành mục tiêu này, UBND Tp Hà Nội đã và đang tiếp tục triển khai các chương trình phát triển sản phẩm CN chủ lực và CNHT một cách hiệu quả; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, tổ chức giao thương, hội thảo bên lề các hội chợ trong nước, cũng như nước ngoài (bên cạnh hội chợ CNHT của Thành phố được tổ chức thường niên); Xây dựng cổng thông tin điện tử (Website) về CNHT để cập nhật thông tin chuyên ngành, thông tin về cơ chế, chính sách nhằm tạo sân chơi kết nối các DN CNHT hoạt động trên địa bàn Hà Nội; Tăng cường hỗ trợ các DN CNHT cải tiến quy trình quản trị sản xuất, chuyển đổi số, đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các DN trong lĩnh vực CNHT và CN chế biến, chế tạo…

 

Hưng Yên hướng tới ngành CNHT từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

         

Là địa phương nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, tỉnh Hưng Yên định hướng đến năm 2025, CNHT sẽ trở thành ngành CN quan trọng của địa phương, có đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh liện, phụ tùng cho một số ngành CN trong nước; Đến năm 2030, ngành CNHT sẽ từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.

 

Cụ thể, đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo: Đến năm 2025, tỉnh định hướng sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, đồ gá, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt sản lượng từ 500 - 600 nghìn sản phẩm các loại; Thép chế tạo đạt khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm các loại. Đến năm 2030, sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1 - 1,2 triệu sản phẩm và thép chế tạo đạt 250 - 300 tấn sản phẩm các loại.

 

 

Ngành CNHT từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

 

Đối với lĩnh vực CNHT dệt may: Đến năm 2025, sản xuất xơ, sợi các loại đạt 30 - 40 nghìn tấn; Vải dệt các loại đạt 65 - 70 triệu m2. Đến năm 2030, sản xuất xơ, sợi đạt 55 - 60 nghìn tấn; Vải dệt các loại đạt 100 - 115 triệu m2… Riêng trong lĩnh vực CNHT sản xuất và lắp ráp xe ô tô: Đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ sản xuất động cơ và chi tiết động cơ ô tô đạt 1 triệu - 1,2 triệu sản phẩm các loại; Khung, thân, vỏ, cửa xe đạt 7.500 - 8.500 sản phẩm…

 

Bắc Ninh đặt mục tiêu có khoảng 800 DN CNHT vào năm 2025

 

Tỉnh Bắc Ninh đưa ra định hướng phát triển CNHT dài hạn đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố có nền CN hiện đại, công nghệ cao; Đến năm 2045 là thành phố CN công nghệ cao, thông minh. Để hoàn thành các mục tiêu dài hạn đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã và đang tập trung thúc đẩy phát triển các ngành CNHT thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh DN CNHT, đặc biệt là các DN trong nước. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết với các địa phương lân cận có lợi thế phát triển CN như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho các DN FDI trên địa bàn.

 

Trước mắt, mục tiêu đến năm 2025, Bắc Ninh sẽ có khoảng 800 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, 70% DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất; Chỉ số phát triển CN trong lĩnh vực CNHT hàng năm tăng từ 8 – 9%; Liên kết, xây dựng mạng lưới các chuyên gia tư vấn, cải tiến DN trong và ngoài nước; Mỗi năm tổ chức tư vấn, cải tiến cho từ 05-10 DN đạt tiêu chuẩn tham gia cung ứng cho Samsung, cũng như các DN FDI khác.

 

Vĩnh Phúc xây dựng ngành CNHT trở thành mắt xích quan trọng và hướng tới xuất khẩu

 

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có hơn 240 DN đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT hoặc có liên quan đến CNHT. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành chủ yếu như: CN cơ khí; ô tô, xe máy; Dệt may, Điện tử, tin học; Vật liệu xây dựng… Địa phương này đang hướng đến mục tiêu đưa CNHT trở thành một mắt xích quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm CNHT có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, DN lớn trong nước và quốc tế, cũng như tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Công ty TNHH BHFlex Vina (KCN Khai Quang, Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) là DN sản xuất linh kiện điện tử cho Công ty TNHH Samsung Electronics

 

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu có 10 DN trong nước sản xuất sản phẩm CNHT có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc và tham gia được vào thị trường xuất khẩu. Riêng trong lĩnh vực phụ tùng, toàn tỉnh sẽ có khoảng 50 DN có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện – điện tử hoàn chỉnh và cung ứng một phần cho các DN, tập đoàn lớn hoặc xuất khẩu.

 

7.700 tỷ đồng hỗ trợ các DN CNHT tại tỉnh Khánh Hòa

 

UBND tỉnh Khánh Hòa xác định mục tiêu đến năm 2025, ngành CNHT trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn gồm: Cơ khí, dệt may – da giày, điện tử, thiết bị điện và CN công nghệ cao.

 

Để xây dựng thành công ngành CNHT theo hướng phát triển hiện đại, UBND tỉnh sẽ dành 7.700 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các DN CNHT tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư dài hạn với lãi suất thấp nhằm trang bị máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại để phục vụ sản xuất sản phẩm. Trong đó, ngân sách địa phương sẽ dành ra 5.820 tỷ đồng; Nguồn kinh phí đề xuất hỗ trợ từ Chương trình phát triển CNHT của Trung ương là 1.950 tỷ đồng. Thông qua nguồn kinh phí của địa phương, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện lồng ghép với các nguồn vốn từ chương trình khác như xúc tiến đầu tư, quỹ phát triển KH-CN, khuyến công, xúc tiến thương mại… để hỗ trợ cho các DN CNHT. Mặt khác, tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ thực hiện kết nối, hỗ trợ DN trên địa bàn trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; Xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT…

 

Nhuận Chí


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang