Thứ Sáu, 10/05/2024 12:50:02 GMT+7

Tin đăng lúc 14-12-2016

Lượt xem: 3060

Phát triển dệt may tại miền Trung

Trong quy hoạch ngành dệt may giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế dự tính sẽ đầu tư trên 6.600 tỷ đồng để xây dựng nơi đây trở thành một trong những trung tâm dệt may của miền Trung. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển tối đa thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu, lấy xuất khẩu làm mục tiêu cho sự phát triển của ngành; đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; phát triển ngành gắn với bảo vệ môi trường sinh thái...
Phát triển dệt may tại miền Trung

Miền đất hứa cho dệt may phát triển

 

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhằm đưa lĩnh vực dệt may phát triển theo hướng bền vững và đảm bảo đủ nguyên phụ liệu sản xuất cho các doanh nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Ban điều phối Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung triển khai Đề án "Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại Thừa Thiên Huế", với diện tích khoảng 400 ha, tại khu công nghiệp Phong Điền. Nhiều doanh nghiệp ngành may tại Thừa Thiên Huế khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy trong thời gian tới. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, trước mắt các doanh nghiệp phải chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm) hay OMB (sản xuất nhãn hiệu gốc). Muốn hình thành trung tâm dệt may, trước hết, cần kêu gọi các tập đoàn lớn từ Mỹ, Hàn Quốc, Canada để sản xuất nguyên phụ liệu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tác. Bên cạnh đó, để sản xuất nguyên phụ liệu theo quy trình khép kín, tỉnh đang nghiên cứu đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại, đảm bảo môi trường và góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. 

 

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 6 khu công nghiệp với 50 doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, tổng cộng có tới 300 dây chuyền may và 500.000 cọc sợi. Trong đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có 10 doanh nghiệp (có 3 đơn vị Tập đoàn nắm cổ phần chi phối đó là: Công ty CP Sợi Phú Bài, Công ty CP Dệt May Huế và Nhà máy Sợi Phú Hưng) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp của Vinatex đạt 126 triệu USD (dự kiến cả năm đạt 170 triệu USD); tổng thu đạt 3.219 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước đạt 54 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 7.400 lao động trong tỉnh, với thu nhập bình quân khoảng 5,3 triệu đồng/người/tháng. Riêng các doanh nghiệp do Vinatex chi phối đạt doanh thu 2.547 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, với thu nhập đạt trên 6,3 triệu đồng/người/tháng...

 

Vinatex tiếp tục mở rộng quy hoạch phát triển tại miền Trung

 

Vừa qua, tại Công ty CP Sợi Phú Bài, ông Lê Tiến Trường, UV BCH Đảng ủy Khối DNTƯ,  TV HĐQT-TGĐ Vinatex và lãnh đạo các công ty thành viên thuộc Tập đoàn đang hoạt động trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thuộc Vinatex đang hoạt động tại địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế với Đoàn công tác của Tỉnh ủy Tỉnh Thừa Thiên Huế do ông  Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung Ương Đảng - Bí Thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế làm Trưởng đoàn.

 

 

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Trường khẳng định, tỉnh Thừa Thiên Huế là địa điểm đầu tư đầy mơ ước của tất cả các cổ đông trên cả nước. Các doanh nghiệp dệt may của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đóng trên địa bàn Huế trong những năm qua đều có sự phát triển mạnh về quy mô và năng lực sản xuất. Trong kế hoạch phát triển và đầu tư trong thời gian tới, Vinatex xác định Thừa Thiên Huế là địa điểm để mở rộng quy hoạch phát triển ngành đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất Sợi - Dệt - Nhuộm. Hiện tại, Vinatex có gần 1 triệu cọc sợi thì có 1/3 số cọc được đặt tại Huế, trong đó cụm đặt trong KCN Phú Bài là lớn nhất với trên 200.000 cọc sợi. Bên cạnh việc phát triển về sợi thì Vinatex còn phát triển thêm ngành May tại Dệt May Huế, Vinatex Hương Trà và đang nghiên cứu đầu tư ngành Dệt, Nhuộm để hình thành chuỗi liên kết khép kín Sợi - Dệt - Nhuộm - May nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết. Trong thời gian tới, Vinatex đề nghị Tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm, tạo điều kiện cho Tập đoàn tiếp tục được đầu tư, phát triển ngành Sợi trong KCN Phú Bài và ngành dệt nhuộm ở gần Phú Bài để được thuận lợi trong việc quản lý, thu xếp đơn hàng và nguyên vật liệu. Đồng thời, Tỉnh cần nghiên cứu về việc hỗ trợ lãi suất, thuế đất, giá thuê đất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Tập đoàn phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

 

Thay mặt đoàn công tác, ông Lê Trường Lưu cho biết, trong những năm qua, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đã giải quyết việc làm cho các lao động tại địa phương, góp phần vào việc an sinh xã hội của Tỉnh. Đặc biệt Vinatex có vai trò rất lớn trong việc xây dựng Tỉnh Thừa Thiên Huế thành Trung tâm Thời trang của khu vực miền Trung, do đó Tỉnh sẽ nghiên cứu và xem xét các cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Ông cũng yêu cầu các khu công nghiệp cần xử lý nhanh hạ tầng, giải phóng mặt bằng và nghiên cứu giá thuê đất cho phù hợp.

 

Về phía các doanh nghiệp cần chú trọng đến mô hình hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, cũng như tiếp tục đầu tư nhanh hơn, quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực và xây dựng nhà ở cho công nhân, giúp đời sống công nhân ổn định, yên tâm làm việc để Tỉnh ngày càng phát triển nhanh và bền vững. 

 

Nguồn Vinatex


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang