Thứ Sáu, 26/04/2024 15:06:20 GMT+7

Tin đăng lúc 06-09-2019

Lượt xem: 6780

Phát triển làng nghề tại Hà Nội cần nhiều giải pháp

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với các làng nghề truyền thống như: Gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm); lụa tơ tằm Vạn Phúc (Hà Đông); mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ); sơn mài Hạ Thái (Thường Tín)… từ đó đã tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Phát triển làng nghề tại Hà Nội cần nhiều giải pháp
Một xưởng sản xuất gốm sứ tại làng nghề truyền thống Bát Tràng

Hà Nội hiện có 308 làng nghề và làng nghề truyền thống thuộc 23 quận, huyện và thị xã được công nhận. Trong đó có 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng làm nghề nón, mũ lá; 83 làng nghề mây tre, giang đan; 23 làng chế biến lâm sản; 29 làng làm nghề thêu ren; 25 làng nghề dệt may; 09 làng nghề da giầy, khâu bóng; 13 làng nghề cơ kim khí; 16 làng nghề chạm điêu khắc; 05 làng nghề đan tơ lưới; 54 làng nghề chế biến nông sản thực phẩm; 06 làng nghề cây sinh vật cảnh và 14 làng thuộc ngành nghề khác (gốm sứ, làm đàn, dát quỳ vàng bạc…).

 

Để làng nghề truyền thống có thể tồn tại và phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay thì việc đổi mới phương thức sản xuất chính là yêu cầu bắt buộc. Đó là việc đổi mới công nghệ thiết bị tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng năng suất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc đổi mới công nghệ cũng sẽ giúp các sản phẩm làng nghề trở lên tinh xảo hơn, hiện đại hơn, thu hút được nhiều khách hàng.

 

Theo thống kê tính đến năm 2019, tổng doanh thu của 308 làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 22.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù, làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu của huyện Hoài Đức đạt lần lượt 1.301 tỷ đồng, 1.061 tỷ đồng, 1.600 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá (Thạch Thất) doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng…

 

Có thể thấy, các làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay có vị trí quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế nông thôn. Đây cũng chính là tiền đề tạo bước chuyển đổi cơ cấu lao động theo xu hướng công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát huy vai trò của làng nghề vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm như: Khó khăn về vốn; thị trường bấp bênh, trải qua nhiều khâu trung gian; công nghệ lạc hậu, không cải tiến; khó khăn về vùng nguyên liệu, mặt bằng và cơ sở hạ tầng…

 

Chính vì thế, trong thời gian tới, để phát triển các làng nghề truyền thống, Hà Nội cần thực hiện một số giải pháp như: Lập quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu; xem xét hình thành các chợ đầu mối cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu, nhằm tạo sự ổn định nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó cũng xây dựng và thực hiện chương trình xuất khẩu hàng thủ công trên cơ sở xác định nhu cầu của thị trường và khả năng sản xuất của các làng nghề. Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các hội chợ triển lãm về hàng thủ công ở nước ngoài để tìm hiểu thị trường và nắm bắt nhu cầu của khách hàng…

 

Trường An


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang