Thứ Ba, 30/04/2024 12:01:46 GMT+7

Tin đăng lúc 03-04-2019

Lượt xem: 1368

Phía sau con số doanh nghiệp “khai sinh” và “khai tử”

Kỷ lục về số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và sự gia tăng khá mạnh lượng DN rời bỏ thị trường tiếp tục tạo nên bức tranh DN Việt nhiều màu sắc trong quý I/2019. Nhìn nhận thấu đáo để có giải pháp thích hợp được các chuyên gia khuyến nghị vào lúc này.
Phía sau con số doanh nghiệp “khai sinh” và “khai tử”
Ngày 4/3, làm việc với lãnh đạo một số Bộ, ngành, các nhà tư vấn quốc tế về đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (gọi tắt là NIC), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương thành lập trung tâm này. Ảnh: Internet

“Sinh” nhiều, “tử” không ít có đáng lo?

 

Con số thống kê tình hình thành lập, ngừng hoạt động và giải thể của các DN trong những tháng đầu năm 2019 ngắn gọn: 43.500 DN hồi sinh và lập mới (28.451 DN thành lập mới và 15.050 DN quay trở lại hoạt động); riêng tháng 3/2019, cả nước có 12.472 DN thành lập mới; 4.877 DN quay trở lại hoạt động.


Tuy nhiên, ngay sau con số tăng trưởng trên, ngành Thống kê cũng đưa ra những con số đáng quan tâm, lần lượt là: 14.761 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 4.116, tăng 23,9% so với cùng kỳ.

 

Dường như xu thế giằng co ở mức khá cân bằng số DN thành lập mới, DN quay trở lại hoạt động với số DN ngừng hoạt động, giải thể vẫn diễn ra trong khi mục tiêu phát triển số lượng DN trong cả nước được Chính phủ đề ra rất rõ trong Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ là đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả (hiện cả nước có khoảng 600 nghìn DN).

 

Từng đưa ra lý giải về tình trạng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhiều nhưng số DN rút lui khỏi thị trường cũng khá cao từ năm 2018, ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - dẫn ra nhiều nguyên nhân, từ việc các DN chưa được trang bị kỹ càng trước khi gia nhập thị trường, những hạn chế cố hữu của DN nhỏ và vừa chưa được giải quyết căn bản… đến năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo còn thấp; môi trường kinh doanh mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn những rào cản,…

 

Nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, hiện tượng phá sản theo kinh tế thị trường không phải là xấu bởi khi một DN không còn khả năng thanh toán nữa thì họ có quyền hoặc là đến xin tòa cho phá sản, hoặc là tòa tuyên bố phá sản để khi họ phá sản rồi thì có thể làm lại, xây dựng lại DN.

 

Trùng hợp, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - nhận định, các DN Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ nên khi khó khăn, chủ DN đóng cửa để chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác khá dễ dàng. Vì vậy, DN phá sản, giải thể, xét ở một góc độ tích cực, là để thanh lọc DN.

 

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, việc có khá nhiều DN tạm dừng hoạt động, giải thể còn đến từ những khó khăn bởi kinh tế vĩ mô chưa ổn định, đặc biệt là sự phụ thuộc vào biến động của thị trường bên ngoài, trong khi chúng ta đang hội nhập nên sự ảnh hưởng của thị trường nước ngoài không thể không tác động tới các DN Việt Nam.

 

 

Lãnh đạo các Bộ, ngành cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

 

Thẳng thắng trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, diễn ra ngày 2/4, ngay sau đánh giá số DN thành lập mới, DN quay trở lại hoạt động trong những tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, sự tin tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Việt Nam, song Thủ tướng cũng nhìn nhận, DN còn gặp nhiều khó khăn đến từ những hạn chế trong việc thực hiện liêm chính, minh bạch các thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục liên quan đến đất đai, thuế, hải quan…

 

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành quyết liệt vì doanh nghiệp

 

Thừa nhận rằng trong mọi nền kinh tế luôn có một tỷ lệ nhất định DN gia nhập và rút lui khỏi thị trường, việc DN ngừng hoạt động, giải thể hay phá sản cũng giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, nhưng, khi một nền kinh tế có quá nhiều DN phá sản cũng sẽ mang đến nhiều hệ lụy.

 

Các chuyên gia đã từng đưa ra phân tích, rằng việc DN đóng cửa, phá sản không đơn thuần là không có đầu ra mà còn liên quan đến nhiều vấn đề, như: chất lượng hoạt động nội bộ của hệ thống DN; tính thiếu tin cậy trong các quan hệ đối tác; thiếu tin cậy đối với thị trường… đến các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng của quản trị, công nghệ…

 

Bên cạnh đó, trong khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh ổn định nhằm thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài thì việc nhiều DN phải giải thể, tạm dừng hoạt động chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh trong nước. Đó là chưa kể đến các vấn đề xã hội, như: việc làm, thu nhập cho người lao động; môi trường sinh thái bị ảnh hưởng cũng là vấn đề đáng lưu ý khi nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động… Do đó, những biện pháp hỗ trợ để DN hoạt động tốt hơn và có thể quay lại thị trường, giúp kinh tế trong nước hồi phục và phát triển là cần thiết.

 

 

Chính phủ cam kết tiếp tục hỗ trợ DN song bản thân DN cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội, thay đổi để phát triển


Đây cũng chính là quan điểm nhất quán của Chính phủ với thông điệp “đồng hành cùng doanh nghiệp” mà thiết thực nhất không chỉ là những cuộc đối thoại giữa Chính phủ, các Bộ, ngành với cộng đồng DN mà là những điều chỉnh chính sách ngay sau đó.

 

Những Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, rồi những luật, nghị định, thông tư liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh được sửa đổi; hàng nghìn điều kiện kinh doanh bất hợp lý được bãi bỏ; Chính phủ điện tử, Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng dịch vụ công Quốc gia… được đưa vào hoạt động với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho DN gia nhập thị trường.

 

Cũng trong nỗ lực ấy, các Bộ, ngành trong đó đi đầu là Bộ Công Thương đã và tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bãi bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh; điều kiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu;…

 

Đặc biệt, tại Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS6, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) diễn ra hồi đầu năm 2018, trước các đối tác quốc tế, sau hàng loạt giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nhằm làm cho Việt Nam trở thành một trong những môi trường cạnh tranh và thuận lợi nhất trong các nước ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh việc cải cách chính sách thuế và thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN) có thể giảm từ 20-22% xuống còn 15-17%.

 

Hiện thực hoá cam kết này, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế TNDN hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và vừa với đề xuất giảm thuế TNDN về 15-17%. Bộ này tiếp tục trình Chính phủ quy định và áp dụng phương pháp tính thuế đối với DN siêu nhỏ được kê khai nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ trong trường hợp DN không xác định được thu nhập nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp.

 

Tuy nhiên, chỉ những cam kết, nỗ lực và hành động của Chính phủ sẽ là không đủ dù “Chính tinh thần doanh nhân và khí thế của các bạn là liều thuốc tinh thần động viên Chính phủ phải hành động mạnh mẽ và nhanh hơn nữa" và Chính phủ “Đưa các vấn đề của DN lên trang đầu sổ tay điều hành của lãnh đạo” - lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 - nếu bản thân DN không “chung tay - đồng hành”.

 

Nguồn Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang