Chủ Nhật, 05/05/2024 12:26:18 GMT+7

Tin đăng lúc 26-06-2021

Lượt xem: 732

Phổ biến, lan tỏa rộng rãi về phát triển bền vững doanh nghiệp

Nhận thức và hành động về phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Cần phổ biến, lan tỏa mạnh mẽ hơn phát triển bền vững nói chung, phát triển bền vững đối với doanh nghiệp nói riêng.
Phổ biến, lan tỏa rộng rãi về phát triển bền vững doanh nghiệp
Phát triển bền vững cần lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiêp và xã hội. Ảnh minh họa

Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mới khởi động triển khai Chương trình thường niên Đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2021 (Chương trình CSI 2021, công bố kết quả cuối năm). Đây là một hoạt động có ý nghĩa thúc đẩy phát triển bền vững nói chung, phát triển doanh nghiệp bền vững nói riêng, được Chính phủ chỉ đạo và khuyến khích, cộng đồng doanh nghiệp đã hưởng ứng tham gia ngày càng đông.

 

Tham gia Chương trình CSI là rất thiết thực, không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao được uy tín, vị thế, nâng cao năng lực và trình độ quản trị, cải thiện khả năng cạnh tranh, mà còn thực hiện tốt hơn trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, hài hòa lợi ích giữa kinh doanh với phát triển xã hội, bảo vê môi trường, hướng tới những giá trị nhân văn.

 

Thực tiễn hoạt động doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm vừa qua, cho thấy, doanh nghiệp nào áp dụng mô hình quản trị bền vững (áp dụng bộ chỉ số CSI về phát triển bền vững dựa trên các tiêu chí tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội liên quan đến 3 trụ cột: kinh tế, xã hội, môi trường), sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn trước tác động của khủng hoảng, có cơ hội phát triển tốt hơn so với các doanh nghiệp khác.


Đại diện VBCSD, cho biết, các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp bền vững của Chương trình CSI 2021, vẫn dựa trên nền tảng cơ bản của bộ chỉ số CSI, nhưng có điều chỉnh, phân cấp các chỉ số thành 3 cấp độ dành cho các quy mô doanh nghiệp khác nhau, gồm các nhóm chỉ số M, C và A. Trong đó, nhóm M sẽ có 53 nội dung áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp và là các chỉ số tối thiểu dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhóm C (chỉ số cơ bản) có 28 nội dung dành cho doanh nghiệp vừa và lớn. Nhóm A (chỉ số nâng cao) gồm 38 nội dung thể hiện việc xây dựng hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh, bảo đảm các lợi ích kinh doanh bền vững cho đối tác và các bên liên quan khác của doanh nghiệp.

 

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VBCSD - cho biết, phát triển bền vững không chỉ đối với doanh nghiệp lớn, mà có thể thực hiện ở tất cả các cấp độ doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Với bộ chỉ số CSI, các doanh nghiệp có thể hình dung ra được lộ trình thực hiện phát triển bền vững theo quy mô từ nhỏ đến lớn, xây dựng được chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với năng lực hiện tại và định hướng tương lai, tiết kiệm được nhiều thời gian và nguồn lực trong quản trị doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững.

 

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể tham gia CSI 2021, nếu đáp ứng được nhóm chỉ số M, trường hợp đáp ứng thêm được các chỉ số nhóm C và A thì điểm số đánh giá sẽ cao hơn. Tương tự, đối với các doanh nghiệp qui mô vừa và lớn, trước tiên cần bảo đảm đáp ứng các chỉ số nhóm M và C, nếu đáp ứng được thêm các chỉ số thuộc nhóm A kết quả đánh giá cũng sẽ cao hơn.

 

Chương trình CSI 2021, ngoài các giải chính như mọi năm, sẽ có 2 giải thưởng phụ dành cho doanh nghiệp thực hành tốt “bình đẳng giới tại nơi làm việc” và “quyền trẻ em trong kinh doanh”. Điều này nhằm tôn vinh doanh nghiệp thể hiện tầm nhìn “không để ai bị bỏ lại phía sau”, xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững thông qua thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế về công tác bình đẳng giới, xây dựng môi trường làm việc tại doanh nghiệp bình đẳng, đa dạng và bền vững.

 

Đánh giá về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh - cho rằng, đã có những bước tiến bộ về nhận thức, về hành động cũng như các kết quả đạt được. Tuy nhiên, phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều thách thức, sức lan tỏa còn rất hạn chế. Phó Thủ tướng dẫn chứng, Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng mới chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp (chỉ chiếm hơn 2%) là thành viên của cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam. Trong tổng số 800.000 doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, mới chỉ có khoảng 100.000 doanh nghiệp (gần 15%) tiếp cận được các thông tin về phát triển bền vững. Phó Thủ tướng yêu cầu, các cấp, ngành, doanh nghiệp, cần phải nỗ lực hơn nữa để phát triển bền vững nói chung, phát triển doanh nghiệp bền vững nói riêng phổ biến, lan tỏa rộng rãi trong toàn cộng đồng doanh nghiệp cũng như xã hội.

 

Đại diện VBCSD, cho biết, để thúc đẩy phát triển bền vững, ngoài Chương trình CSI, VBCSD đã và đang tập trung nhiều nguồn lực để thúc đẩy doanh nghiệp triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tới đây, VCCI/VBCSD sẽ nghiên cứu mở rộng thêm giải thưởng phụ về kinh tế tuần hoàn trong khuôn khổ Chương trình CSI hàng năm.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang