Thứ Sáu, 26/04/2024 20:38:58 GMT+7

Tin đăng lúc 21-11-2018

Lượt xem: 2709

PVN: 'Hoàn thiện thể chế giúp tập đoàn kinh tế nhà nước phát triển'

Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn khẳng định, hoàn thiện thể chế sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước.
PVN: 'Hoàn thiện thể chế giúp tập đoàn kinh tế nhà nước phát triển'
Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Quan điểm này được ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đưa ra trong Hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề: "Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế".

 

Theo ông, sự ra đời và phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đưa Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.


Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ít nhiều bộc lộ một số vấn đề cần phải giải quyết. Biểu hiện chủ yếu là phát triển nóng, tập trung mở rộng quy mô, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực mà thiếu chú trọng vào lĩnh vực cốt lõi; phát triển vượt quá năng lực tài chính, quản trị...

 

Khi đó, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ như tài nguyên, đất đai, vốn, công nghệ...; gặp khó khăn trong quản lý khi tham gia vào các lĩnh vực rủi ro (tài chính, ngân hàng, bất động sản...). Phạm vi hoạt động của đa số các tập đoàn kinh tế nhà nước chủ yếu là thị trường trong nước, hội nhập khu vực và quốc tế còn hạn chế.

 

"Sự liên kết giữa các thành viên trong tập đoàn chưa cao, chưa thể hiện được bản chất của tập đoàn kinh tế, chưa thể hiện rõ được vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển cho các lĩnh vực, các ngành khác", ông Sơn cho biết thêm.

 

Tổng giám đốc PVN cho rằng ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế là rất sâu, rộng. Khi các tập đoàn kinh tế hoạt động hiệu quả sẽ có tác động tích cực đến không chỉ lĩnh vực kinh tế mà cả chính sách. Thực tế, hoàn thiện thể chế là một trong những vấn đề then chốt cần thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế nhà nước.

 

 

Toàn cảnh Hội thảo


Hội thảo "Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế" có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao, đại diện các doanh nghiệp lớn. Tại sự kiện, các khách mời đã thảo luận về thể chế và vai trò của thể chế đối với sự phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước; kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xây dựng thế chế cho phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước; thực trạng, giải pháp và kiến nghị để hoàn thiện thể chế.

 

PGS.TS Vũ Văn Hà - Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, doanh nghiệp nhà nước vẫn đang tồn tại, phát triển và có vai trò nhất định ở hầu hết các quốc gia, từ các nước phát triển cho tới các nền kinh tế mới nổi và các nước có thu nhập thấp.

 

Dù tư nhân hóa ngày càng mạnh mẽ, doanh nghiệp nhà nước vẫn là thành phần chính trong các ngành, lĩnh vực then chốt như tài chính, hạ tầng, chế tạo, năng lượng, khai khoáng. Việc hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước giúp Nhà nước tập trung, kiểm soát các nguồn lực, khai thác ưu thế về thương hiệu, hoạt động đầu tư, thương mại, hệ thống dịch vụ đầu vào, đầu ra, nâng cao khả năng cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận...

 

"Các tập đoàn kinh tế nhà nước đảm nhận nhiệm vụ là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, là lực lượng, công cụ quan trọng để mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giữ vai trò tiên phong đối với quá trình đổi mới khoa học và công nghệ quốc gia...", TS Vũ Văn Hà cho biết.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình vận hành vẫn còn xảy ra tình trạng các tập đoàn kinh tế hoạt động kém hiệu quả, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản Nhà nước, hoạt động đầu tư bên ngoài lĩnh vực chính còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.

 

Để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ ban hành nhiều chính sách cơ cấu, đổi mới, đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn; tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Dự kiến đến năm 2030 sẽ phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

 

Mới đây, Chính phủ cũng thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty CP, công ty TNHH hai thành viên trở lên. Trước mắt, Ủy ban này quản lý vốn và tài sản của 7 tập đoàn kinh tế và 12 tổng công ty nhà nước, gồm hơn một triệu tỷ đồng vốn điều lệ và hơn 2,3 triệu tỷ đồng tài sản, chiếm khoảng hai phần ba tổng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

 

Nguồn VNE


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang