Thứ Sáu, 03/05/2024 06:24:27 GMT+7

Tin đăng lúc 22-07-2022

Lượt xem: 783

Quảng Nam: Thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn

Tập trung hỗ trợ cả về phát triển sản xuất, máy móc kỹ thuật và thị trường tiêu thụ, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam (TTKC) đang nỗ lực đưa sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của tỉnh vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Quảng Nam: Thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn
Nghiệm thu máy móc tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xanh Nông Sơn (thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung, Nông Sơn)

Những năm qua, thông qua các chương trình khuyến công, nguồn “vốn mồi” và sự hỗ trợ kịp thời của TTKC Quảng Nam, nhiều vấn đề hóc búa đã tìm ra được giải pháp mới như: bảo tồn, phát triển nghề truyền thống; tháo gỡ khó khăn, kết nối cung - cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề, OCOP, sản phẩm CNNT tiêu biểu; phát huy vai trò làng nghề trong việc mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đại bộ phận lao động ở nông thôn...

 

Ví như câu chuyện của thương hiệu bánh chưng Bà Ba Hội. Được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2020, cấp quốc gia năm 2021, đây chính là điểm sáng trong chương trình khuyến công, hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tại Quảng Nam. Kể từ đó, bánh chưng Bà Ba Hội ngày càng được khách hàng tín nhiệm, thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng. Bà Huỳnh Thị Thu Thủy – Đại diện Hộ kinh doanh bánh chưng truyền thống Bà Ba Hội (phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ) - cho biết: “Có được sự hỗ trợ của các chương trình khuyến công, chúng tôi tin rằng mình có thể quảng bá và nâng tầm sản phẩm của quê hương, ẩm thực xứ Quảng, Việt Nam ra bên ngoài thế giới”.

 

Các chương trình khuyến công của Quảng Nam luôn sát cánh đồng hành cùng sự phát triển của các cơ sở, DN CNNT. Năm 2021, TTKC Quảng Nam đã tổ chức bình chọn sản phẩm cấp tỉnh, đưa các sản phẩm nổi trội tham gia bình chọn cấp quốc gia; tham mưu báo cáo đánh giá kết quả công tác bình chọn sản phẩm giai đoạn 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2026.

 

Dù diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh nhưng số lượng sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn tăng nhiều so với đợt bình chọn năm 2020. Đa số các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tham gia triển khai công tác bình chọn theo kế hoạch. Đáng nói, các cơ sở CNNT cơ bản đã thấy hiệu quả của hoạt động bình chọn nên nỗ lực hoàn thiện sản xuất, sản phẩm đáp ứng các nội dung yêu cầu theo quy định để tham gia bình chọn.

 

Ngoài ra, TTKC Quảng Nam cũng liên tục tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi, đưa chính sách khuyến công về cơ sở, giúp các cơ sở CNNT được trợ sức, ứng dụng dây chuyền máy móc hiện đại vào sản xuất. Từ 70 triệu đồng do nguồn vốn khuyến công huyện hỗ trợ, cơ sở kinh doanh nhôm kính của anh Đỗ Thành Trung (thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung) đã đầu tư thêm mua dây chuyền thiết bị máy móc gia công hàng nhôm kính. Anh Trung cho biết, sau khi đưa vào hoạt động, các thiết bị này giúp tạo ra sản phẩm đa dạng về kiểu dáng, kích thước, màu sắc, bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng, tạo sức cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

 

Tương tự, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xanh Nông Sơn (thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung) cũng vừa được hỗ trợ 80 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công để mua máy móc tách chiết khử độc trong rượu thủ công. Bà Phan Thị Thu Hà - Giám đốc hợp tác xã cho biết, việc đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất rượu truyền thống giúp giảm thất thoát rượu và loại bỏ tạp chất, độc tố trong rượu thành phẩm, đảm bảo sức khỏe người sử dụng.

 

Chương trình khuyến công đã tiếp sức cho tôi đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, tạo được sản phẩm OCOP địa phương. Góp phần bảo tồn và phát triển sản phẩm rượu truyền thống, vừa giữ nét đặc trưng của rượu vừa bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng”, bà Hà cho biết.

 

Theo kế hoạch, năm 2022, TTKC Quảng Nam sẽ tiếp tục phối hợp, vận động và giới thiệu các DN, cơ sở sản xuất, cơ sở CNNT trong tỉnh kết nối cung - cầu các tỉnh trong và ngoài nước. Quảng Nam sẽ chú trọng thực hiện các hoạt động kết nối giao thương; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

 

Đồng thời, tỉnh cũng xác định tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp, chế biến nông - lâm - thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cùng đó, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Minh Phương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang