Thứ Sáu, 03/05/2024 14:11:11 GMT+7

Tin đăng lúc 11-06-2023

Lượt xem: 666

Quảng Ninh: Đẩy mạnh các giải pháp thu hút, xúc tiến dòng vốn đầu tư FDI

Để thu hút mạnh dòng vốn đầu tư FDI. Tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh các giải pháp thu hút tập trung vào các ngành có thế mạnh, như: Du lịch, công nghiệp chế biến, xây dựng, vận tải kho bãi, thương mại...
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các giải pháp thu hút, xúc tiến dòng vốn đầu tư FDI
Đại diện IPA Quảng Ninh dự buổi làm việc giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Seoul cùng 20 doanh nghiệp Hàn Quốc

Tiềm năng

 

Theo tỉnh Quảng Ninh: Để hoạt động thu hút đầu tư được thuận lợi, tỉnh đã triển khai các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, như: Chủ động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn, được thể hiện qua Chỉ số năng lực môi trường cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); thực hiện tốt cơ chế “một cửa” trong cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, đặc biệt hỗ trợ nhà đầu tư một cách hiệu quả trong việc cung cấp thông tin liên quan đến dự án đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư, xây dựng và triển khai dự án...

 

Tỉnh cũng đã biên soạn tài liệu giới thiệu môi trường đầu tư và thường xuyên điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài qua các thời kỳ làm căn cứ xúc tiến, thu hút đầu tư; quảng bá hình ảnh, marketing, tuyên truyền, giới thiệu về môi trường đầu tư của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website, báo, tạp chí; tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nhiều quốc gia, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

 

Đồng thời, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.

 

Chỉ tính từ đầu năm 2023, tỉnh đã có nhiều buổi tiếp, làm việc cùng các nhà đầu tư quốc tế đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Qua các buổi làm việc, nhiều nhà đầu tư đã thông tin kế hoạch đầu tư vào Quảng Ninh với số vốn hàng trăm triệu USD. Tiêu biểu là các nhà đầu tư Nhật Bản, Tập đoàn Yaskawa Electric dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất động cơ và các thiết bị truyền động điện, robot công nghiệp trên diện tích khoảng 12ha, tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD; Tập đoàn Tenma xây dựng Nhà máy ép khuôn nhựa máy in trên diện tích 18ha, tổng vốn 150 triệu USD; Công ty Castem đầu tư nhà máy đúc kim loại trên diện tích 2ha, tổng vốn đầu tư 14 triệu USD... tại KCN Sông Khoai; Tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới AEON cũng đang khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng AEON Mall Hạ Long...

 

Theo BQL Khu kinh tế: Quảng Ninh đã thu hút được 13 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 97,8 triệu USD. Trong đó có 5 dự án thực hiện tại các KCN, KKT và 8 dự án thực hiện ngoài KCN, KKT. Các dự án do nhà đầu tư Hàn Quốc thực hiện tập trung tại những địa bàn phát triển, giao thông thuận lợi, như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Đông Triều... Các ngành, lĩnh vực đã được đầu tư là công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin truyền thông; dịch vụ ăn uống; kinh doanh bất động sản; nông, lâm nghiệp và thủy sản; bán buôn, bán lẻ; GD&ĐT… Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào địa bàn là Samsung, Charmvit, Lotte, Hyundai E&C, GS E&C…

 

Hiện nay mối quan hệ hợp tác thương mại, du lịch, giáo dục của Quảng Ninh với Hàn Quốc được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch XNK sang thị trường Hàn Quốc của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2022 đạt 84,7 triệu USD.

 

Theo bà Oh Young Ju - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, Quảng Ninh là vùng đất hứa hẹn mang lại sự phát triển cho các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp cả ở trong và ngoài nước, nhất là khi hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh như cao tốc, sân bay, bến cảng… liên tục được đầu tư, hoàn thiện. Bên cạnh đó, những cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng của tỉnh, nhất là cải cách thủ tục hành chính đã tạo được sự yên tâm, thu hút các nhà đầu tư. Chắc chắn thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là Hàn Quốc đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh.

 

 

KCN Đông Mai - TX Quảng Yên

 

Mới đây, trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc” được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh, đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn tìm hiểu các cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh. Chia sẻ tại buổi làm việc với tỉnh, ông Shim DukBo, Trưởng đại diện Daewoo E&C tại Việt Nam, cho biết: Trong định hướng phát triển, Daewoo tập trung đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, điện khí. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết tỉnh Quảng Ninh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực này. Quảng Ninh cũng là địa phương có lợi thế lớn trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Đây là cơ hội rất lớn để hai bên có thể thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới. Chúng tôi mong muốn Daewoo E&C sẽ có mặt ở Quảng Ninh trong thời gian sớm nhất.

 

Để đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, như: Chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh về kinh phí GPMB, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KKT, hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng KHCN sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về vốn tín dụng…

 

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp ông Bruno Jaspaert - TGĐ Tổ hợp KCN DEEP C cho biết: Năm 2023, chúng tôi tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN Bắc Tiền Phong. Với những giải pháp mang tính tổng thể của Quảng Ninh, việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng tại KCN Bắc Tiền Phong là yếu tố quan trọng để đóng góp cùng tỉnh thu hút 1,2 tỷ USD vốn đầu tư FDI vào địa bàn KCN, KKT trong năm nay.

 

“dọn tổ” đón đại bàng

 

Trong phát triển kinh tế, Quảng Ninh tập trung vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, như: Du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; xây dựng, vận tải kho bãi; thương mại... Đây cũng là những lĩnh vực luôn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tìm hiểu cơ hội để đầu tư. Để phát huy hiệu quả thị trường tiềm năng này, tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp thu hút, xúc tiến và mời gọi dòng vốn đầu tư FDI vào địa bàn.

 

Theo BQL Khu Kinh tế: Tính đến hết tháng 5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt gần 534,76 triệu USD, tương đương 12.342 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 44,6% kế hoạch thu hút vốn FDI toàn tỉnh năm 2023. Kết quả này tiếp tục khẳng định Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong thực hiện chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.

 

Theo ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch tỉnh: Quảng Ninh đang tiếp tục tăng cường mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất linh kiện điện tử; công nghiệp phụ trợ ô tô; cảng biển; dịch vụ logistics; nông nghiệp xanh, sạch thân thiện môi trường... Hiện quỹ đất công nghiệp của tỉnh còn rất lớn, đủ đáp ứng cho các nhà đầu tư.

 

Để thu hút được nhiều hơn các dòng vốn đầu tư FDI, Quảng Ninh tiếp tục đưa ra các chính sách, biện pháp thu hút đầu tư hấp dẫn. Tỉnh cam kết thực hiện đầu tư, hoặc chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tổ chức xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào dự án, như: Đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, các điểm đấu nối kỹ thuật với các công trình kết cấu hạ tầng trong hàng rào dự án; quy hoạch và bố trí các quỹ đất để kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng xã hội, khu nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho công nhân trong KCN, KKT; hỗ trợ tuyển dụng lao động và đào tạo nghề đối với lao động làm việc trong KCN, KKT; giải quyết thủ tục hành chính với thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất; luôn đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình nghiên cứu, triển khai đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục quan tâm tới các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Trong đó, tập trung thiết lập các mô hình mới nhằm quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, như mô hình Ban Quản lý KKT tỉnh, Ban Quản lý KKT Vân Đồn, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA), Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đồng thời, thành lập các tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, kinh doanh, như: Investor Care, Tổ công tác hỗ trợ một số dự án trọng điểm của tỉnh, Korea Desk Quảng Ninh...

 

Với những giải pháp triển khai đồng bộ, bài bản, tin rằng trong năm 2023, Quảng Ninh sẽ có những đột phá mới trong thu hút đầu tư, đảm bảo mục tiêu thu hút được trên 1 tỷ USD.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang