Thứ Bẩy, 27/04/2024 07:34:08 GMT+7

Tin đăng lúc 11-04-2017

Lượt xem: 3510

Quảng Ninh hướng đến trở thành trung tâm phát triển dược liệu

Theo điều tra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xác định có 948 loài cây thuốc thuộc 182 họ, 561 chi khác nhau, trong đó có rất nhiều loài là dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao như: ba kích, trà hoa vàng, hồi, quế, kim ngân… Cùng với điều kiện về khí hậu thuận lợi, thổ nhưỡng phù hợp cho cây dược liệu phát triển, Quảng Ninh đang thực hiện các giải pháp để trở thành trung tâm dược liệu của các tỉnh Đông Bắc nói riêng, cả nước nói chung.
Quảng Ninh hướng đến trở thành trung tâm phát triển dược liệu
Dây truyền sản xuất thuốc từ Dược liệu đạt chuẩn GMP-WHO của Công ty Cổ phần Dược và Vật tư y tế Quảng Ninh.

Theo dược sĩ chuyên khoa II Vũ Tuấn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, để trở thành trung tâm dược liệu vùng Đông Bắc, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch phát triển cây thuốc trên địa bàn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Hiện, ngành y tế và các đối tác đã tổ chức điều tra tổng thể tài nguyên cây thuốc tại tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh.

 

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng đã chủ động ban hành và triển khai một số chính sách riêng tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp nói chung và dược liệu nói riêng như: có chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung; đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ lãi xuất vốn vay khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; thông qua các chính sách hỗ trợ về giải phóng, san lấp mặt bằng, thuê đất, hạ tầng, vốn, chuyển giao, đổi mới công nghệ… góp phần tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất trồng, chăm sóc, chế biến, kinh doanh dược liệu trên địa bàn.

 

Trong giai đoạn 2011-2016, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 20 nhiệm vụ nghiên cứu về dược liệu (12 nhiệm vụ cấp tỉnh và tám nhiệm vụ cấp cơ sở). Tiêu biểu như các đề tài ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất sản phẩm từ ba kích tím; phát triển sản phẩm từ hàu biển; nghiên cứu cơ sở khoa học và phát triển sản phẩm từ cây trà hoa vàng... Thông qua việc nghiên cứu, tỉnh đã quan tâm triển khai ứng dụng kết quả các công trình nghiên cứu để đưa vào sản xuất hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung.

 

Quảng Ninh cũng đang xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Đông Triều và từ năm 2016 tỉnh đã thành lập Trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp Khoa học công nghệ Dược Quảng Ninh nhằm tăng cường công tác nghiên cứu, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển dược liệu.

 

Đáng chú ý, từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” (chương trình OCOP), trong đó việc phát triển dược liệu được thực hiện thông qua chương trình này. Đến nay, đã củng cố các vùng sản xuất dược liệu tập trung như: vùng trồng cây hồi (diện tích 4.600 ha); vùng trồng cây quế (diện tích 2.997 ha); các vùng trồng mới cây ba kích (322 ha); cây trà hoa vàng (120 ha) và bước đầu hình thành vùng trồng các loại cây kim ngân, đinh lăng, địa liền, cà gai leo, kim tiền thảo, xuyên tâm, diệp hạ châu, dây thìa canh... (với diện tích 192,2 ha).

 

 

 Vườn ươm giống giảo cổ lam của Công ty Cổ phần Dược liệu Đông Bắc Quảng Ninh.

 

Đến cuối năm 2016, chương trình OCOP đã có 180 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ sản xuất tham gia sản xuất các sản phẩm, trong đó có 20 tổ chức tham gia vào chương trình sản xuất thảo dược, bao gồm sáu doanh nghiệp, 13 hợp tác xã và một tổ hợp tác xã. Các đơn vị này sản xuất 70 sản phẩm dược liệu, thuộc tám dạng bào chế: dược liệu đóng gói, trà túi lọc, cao dược liệu, tinh dầu, viên nang cứng, rượu thuốc, bột thuốc và dầu xoa.

 

Các đơn vị đã tạo cơ sở nền tảng quan trọng trong sản xuất và kinh doanh dược liệu của tỉnh, bao gồm sản xuất sơ cấp, thứ cấp và thương mại. Trên cơ sở này ngành Y tế Quảng Ninh đã quy hoạch “Thung lũng phát triển dược liệu xanh Ngọa Vân - Yên Tử” phân bố ở các huyện miền núi phía tây của tỉnh, bao gồm các huyện, thị xã, thành phố: Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu nhằm mục tiêu phát triển chuỗi giá trị dược liệu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

 

Công ty Cổ phần Dược và Vật tư y tế Quảng Ninh đã hoàn thành việc đầu tư và đang sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng từ dược liệu đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO). Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015, với hơn 30 sản phẩm như: Mẫu sinh đường, Hoạt huyết dưỡng não QN, Habi QN… Ngoài ra còn nhiều cơ sở sơ, chế biến dược liệu, sản xuất các sản phẩm từ dược liệu với quy mô ngày càng lớn như: Công ty TNHH trồng chế biến và sản xuất dược liệu Đông Bắc, HTX nông dược xanh Tinh Hoa, HTX Dược liệu xanh Đông Triều, Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh… đây là hạt nhân quan trọng để phát triển công nghiệp sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng từ dược liệu.

 

Bên cạnh phát triển, tỉnh cũng quan tâm sưu tầm, bảo tồn được nhiều nguồn gen, bộ gen dược liệu quý. Hiện, các khu bảo tồn như: Thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu rừng quốc gia Yên Tử, Vườn quốc gia Bái Tử Long, đặc biệt là Vườn cây thuốc Yên Tử đã sưu tầm và bảo tồn hơn 700 loài dược liệu đại diện vùng Đông Bắc; trong đó có lưu giữ nhiều bộ gien các loài: ba kích, kim ngân, trà hoa vàng, bộ gien các loài họ nghệ, sa nhân, riềng, gừng… Ngoài ra, các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng sản xuất và các doanh nghiệp trên địa bàn cũng có khả năng ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để tạo ra các giống cây dược liệu có chất lượng cao để sản xuất đại trà. Đây là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, hình thành Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia Yên Tử.

 

Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Đó là sự cạnh tranh của nguồn dược liệu nhập khẩu, nhất là dược liệu giá rẻ, nhập lậu theo đường tiểu ngạch qua biên giới. Trong khi đó, cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để tạo đột phá trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm từ dược liệu thế mạnh của Việt Nam mang thương hiệu quốc gia có giá trị, sức cạnh tranh cao trên thị trường.

 

Hoạt động nghiên cứu cơ bản về cây thuốc chưa phát triển do thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực, dẫn đến nhiều dược liệu quý đến nay chưa xác định được hoạt chất chính, chưa xác định được nguồn gien chuẩn… Việc phối hợp giữa các ngành trong việc phát triển dược liệu còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ dẫn đến việc phát triển thiếu định hướng, mang tính tự phát, manh mún, chưa bền vững.

 

Quy trình kỹ thuật nuôi trồng, sơ chế, chế biến dược liệu chưa được quan tâm đúng mức chủ yếu dựa vào tự nhiên và kinh nghiệm; do vậy, thiếu các giống dược liệu, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Việc bảo tồn nguồn gen, các bài thuốc cổ truyền chưa quan tâm sưu tầm đầy đủ để phát huy giá trị, dẫn đến nhiều nguồn gien dược liệu quý, bài thuốc cổ truyền có giá trị dần bị mai một.

 

Để trở thành trung tâm dược liệu của vùng Đông Bắc cũng như cả nước, theo dược sĩ Vũ Tuấn Cường, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp, cũng như sự quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, phát triển dược liệu; khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm giá trị cao từ dược liệu.

 

Nhà nước cần có chiến lược và giải pháp phát triển một số dược liệu thế mạnh, đặc hữu có giá trị kinh tế cao như: sâm ngọc linh, ba kích tím, trà hoa vàng… để đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị mang tầm quốc gia, quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thông tin quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm dược liệu Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

 

Tăng cường hợp tác quốc tế và hình thành trung tâm nghiên cứu đủ năng lực nghiên cứu toàn diện các cây dược liệu (thành phần, quy trình chiết tách hoạt chất, sản xuất giống, quy trình trồng trọt, sơ chế, chế biến) để áp dụng vào thực tiễn mang lại năng xuất, chất lượng cao cho sản phẩm dược liệu.

 

Có giải pháp nhằm kiểm soát, quản lý chất lượng đối với nguồn dược liệu nhập khẩu; đồng thời có chính sách khuyến khích phù hợp với các dược liệu sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn GACP trong đấu thầu dược liệu vào các bệnh viện công lập.

 

Nguồn Nhandan.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang