Thứ Sáu, 26/04/2024 13:59:55 GMT+7

Tin đăng lúc 24-10-2017

Lượt xem: 7317

Quốc hội đánh giá cao kết quả kinh tế- xã hội đạt được trong những tháng đầu năm

Sáng 23/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực, sáng tạo của các bộ, ngành trung ương và các địa phương, cùng với sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, nỗ lực của nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Quốc hội đánh giá cao kết quả kinh tế- xã hội đạt được trong những tháng đầu năm
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4

Kinh tế - xã hội ổn định và tăng trưởng khá

Theo Chủ tịch Quốc hội, 9 tháng đầu năm nay, kinh tế nước ta tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, sản xuất, xuất khẩu, du lịch đang tiếp tục tăng trưởng...

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế tiếp tục có bước chuyển biến. An sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định, thời gian qua, quan hệ đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế thu được những kết quả tốt đẹp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên, đặc biệt với các sự kiện của Năm APEC Việt Nam 2017…

“Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, dành được những kết quả tích cực, tạo tiền đề để đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội” – Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế- xã hội với nhận định, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Hơn nữa, “thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao trong khi việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn” – Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ và cho biết thêm, công tác phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn chậm; Việc xử lý những dự án đầu tư không hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát kéo dài; Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu; tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi như mong muốn….

Tất cả những vấn đề này, theo Chủ tịch Quốc hội, có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

“Nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2017 và thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết quan trọng vừa được Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành trung ương Đảng, khóa XII; hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tạo thế và lực cho năm 2018 và chặng đường phát triển tiếp theo” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Năm 2017 đạt và vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, báo cáo về kết quả kinh tế - xã hội năm 2017 trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên cơ sở kết quả 9 tháng, với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:  trên cơ sở kết quả 9 tháng, với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

 

“Đây là một thành công lớn của đất nước ta, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch” – Thủ tướng nói và khẳng định: “Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”.

 

Theo Thủ tướng, trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Nhờ đó, tín dụng 9 tháng tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên; thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định. Đặc biệt, giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%.

 

Chỉnh phủ cũng quyết liệt chỉ đạo tập trung chống thất thu NSNN, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; tăng cường kiểm soát, triệt để tiết kiệm chi; ước cả năm tổng thu NSNN tăng 2,3% so với dự toán và tăng 10,1% so với năm 2016; bội chi 3,5% GDP, bằng mức Quốc hội thông qua.

 

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước được tăng cường, từng bước chấn chỉnh sai phạm trong sử dụng tài sản công, nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm. Cũng theo báo cáo của người đứng đầu Chính phủ, trong 9 tháng có gần 94 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4%; tổng vốn đăng ký tăng 43,5%; có trên 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 2,1 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

 

“Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%” – Người đứng đầu Chính phủ nói và cho rằng, đạt được kết quả này là nhờ cả 3 khu vực tăng trưởng khá đồng đều, trong đó nông nghiệp tăng 2,78% (gấp hơn 4 lần cùng kỳ); công nghiệp và xây dựng tăng 7,17% và khu vực dịch vụ tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008.

 

Sau khi phân tích và nhận định về tình hình kinh tế xã hội trong nước và Quốc tế, Thủ tướng cho biết, năm 2018, Chính phủ sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

 

Theo đó, năm 2018, về kinh tế, Chính phủ đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang