Chủ Nhật, 28/04/2024 04:10:33 GMT+7

Tin đăng lúc 12-12-2016

Lượt xem: 2436

Quyết liệt chống buôn lậu dịp cuối năm

Cuối năm là thời điểm tập trung nhiều ngày lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán... nên nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, và đã thành quy luật, các đối tượng vận chuyển buôn bán, hàng lậu lại ráo riết để đưa hàng lậu vào nội địa. Do đó công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại càng trở nên phức tạp và gian nan, đòi hỏi sự quyết liệt từ cơ quan chức năng.
Quyết liệt chống buôn lậu dịp cuối năm
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra hàng hóa dịp giáp Tết

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội), do thị trường Hà Nội ngày càng phát triển với tốc độ cao, giao thương hàng hóa ngày càng lớn, nên hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong 11 tháng qua, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 21.500 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó đã khởi tố hình sự 183 vụ đối với 216 đối tượng.

Điển hình, trong tháng 11, Đội QLTT số 8 phối hợp với Đội công an kinh tế huyện Gia Lâm kiểm tra hàng hóa trên xe ô tô mang biển kiểm soát 15C-22718 do ông Nguyễn Thanh Phương lái xe kiêm chủ hàng (trú tại phường Trại Cau, quận Lê Chân, TP Hải Phòng), phát hiện trên xe chở 1.020 chiếc áo các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, trị giá khoảng 35 triệu đồng. Trước đó, Đội thủ tục hành lý nhập khẩu thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với đại diện Phòng 4 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (Bộ Công an) kiểm tra toàn bộ lô hành lý ký gửi của bà Nguyễn Thị Minh Thu, phát hiện 57.000 điếu thuốc lá, 12.907 sản phẩm mỹ phẩm, 122 chai rượu, 11 hộp sữa đều không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đánh giá, dịp cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất trong năm. Đối tượng lợi dụng những sơ hở trong quản lý đường biên, cửa khẩu của các cơ quan chức năng để vận chuyển trái phép hàng qua biên giới vào nước ta. Khi có điều kiện thuận lợi chủ hàng lậu chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ. 

Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng buôn lậu còn làm giả giấy tờ hoặc gian dối trong việc kê khai hàng hóa để buôn lậu… Ngoài ra, đối tượng lợi dụng tâm lý hám lời và không hiểu biết pháp luật của một số người dân để dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào đường dây buôn lậu, vận chuyển hàng. Chúng thuê người dân thực hiện các công đoạn như thu gom hàng ở nước ngoài, tập kết, vận chuyển qua biên giới, cất giấu và vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ…

Triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu

Để ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu, BCĐ 389 Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại càng gặp nhiều khó khăn. Ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT Hà Nội) cho biết, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm chưa đồng bộ, chồng chéo dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau… đã cản trở các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Đặc biệt, những tháng cuối năm là thời điểm các thương nhân tập kết hàng hóa để phục vụ nhân dân dịp lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2017 tăng cao, tập trung ở các chợ, trung tâm thương mại, kho hàng, bến bãi… BCĐ 389 Hà Nội đã triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó yêu cầu các sở, ngành thành viên tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường bộ, đường sắt, hàng không, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại… 

Ngoài ra cũng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về công tác chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, qua đó giúp thương nhân nâng cao nhận thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại, đồng thời làm tốt công tác vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, các sở, ngành thành viên chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh gây bất ổn thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ, Tết.

 

Nguồn Hà Nội mới


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang