Thứ Bẩy, 04/05/2024 11:44:32 GMT+7

Tin đăng lúc 17-06-2016

Lượt xem: 3939

Rau quả Việt Nam: Chinh phục thị trường khó tính

Sau 5 tháng đầu năm 2016, rau quả là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (XK) lớn nhất trong tất cả các nhóm ngành hàng. Duy trì chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu giúp tăng XK rau quả vào các thị trường khó tính.
Rau quả Việt Nam: Chinh phục thị trường khó tính
Duy trì chất lượng để đi được "đường dài"

Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh

 

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sau 5 tháng đầu năm, kim ngạch XK rau quả đã tăng tới 53,7%, cao nhất trong những mặt hàng XK của nước ta, đạt trên 1 tỷ USD. Trái cây Việt Nam đã XK đến hơn 40 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…

 

Đáng lưu ý, đây không phải là thành tích bất chợt mà liên tục trong vài năm gần đây, rau quả luôn là một trong những mặt hàng XK chủ lực của nhóm nông lâm thủy sản. Việc rau quả có mặt tại hàng loạt thị trường khó tính không phải là may mắn mà do sự nỗ lực trong thời gian rất dài. Đơn cử, để được cấp phép vào Úc, trái vải Việt Nam đã phải trải qua 10 năm đàm phán về các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật. Ở các thị trường khác như Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… thời gian đàm phán cũng trên dưới 4 năm.

 

Với việc Mỹ chính thức mở cửa cho vải, nhãn, thanh long của Việt Nam, chỉ riêng 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp (DN) trong nước đã XK gần 2.000 tấn rau quả vào Mỹ, bằng 200% so với cùng kỳ năm ngoái, gần gấp đôi so với cả năm 2015, giúp ích tích cực cho mục tiêu đa dạng hóa các thị trường XK.

 

Các thị trường khó tính cũng sẵn sàng bỏ ra một số tiền tương đối lớn để sở hữu những sản phẩm họ có nhu cầu. Năm 2015, Việt Nam đã XK 32 tấn vải vào thị trường Úc với giá khoảng 400.000 đồng/kg.

 

New Zealand không phải là thị trường mà Việt Nam kỳ vọng XK được nhiều loại trái cây bởi đây là nước mạnh về nông nghiệp nhưng do là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới nên khi được New Zealand chấp nhận thì trái cây Việt Nam sẽ dễ dàng được cấp phép XK sang nhiều thị trường khác. Hiện tại, xoài và thanh long của Việt Nam đã được New Zealand “mở cửa” và chôm chôm sẽ là trái cây tiếp theo được cấp phép vào thị trường này.

 

Chất lượng là hàng đầu

 

Để đi được “đường dài”, yếu tố quan trọng đầu tiên cho hoa quả XK của Việt Nam là làm sao duy trì được chất lượng sản phẩm bởi rất nhiều lô hàng XK của ta đầu tiên có chất lượng tốt nhưng càng về sau, chất lượng càng không ổn định.

 

Bà Nguyễn Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Úc -chia sẻ, trong lần đầu tiên XK trái vải sang Úc, sau những lô hàng đầu chất lượng tương đối tốt, một số lô hàng sau đã mắc những lỗi không đáng có như còn có sâu to, vẫn dính quả non, cuống chưa được cắt sát và còn sót lại lá cây. Điều này khiến cả lô vải bị giữ lại kiểm tra, gây mất thời gian, tốn chi phí lưu kho và nếu được cấp phép ra thị trường, chất lượng trái vải cũng không thể được như ban đầu.

 

Việc không duy trì chất lượng sẽ gây nên những hậu quả rất lớn. Đơn cử như năm 2010, sau khi không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng và bị Đài Loan cấm nhập khẩu, trái thanh long phải mất hơn 6 năm mới có thể quay trở lại thị trường này. Trong lần đầu tiên XK trở lại, Việt Nam phải mời 4 chuyên gia Đài Loan cùng cán bộ kiểm dịch của ta kiểm tra từng lô hàng để XK.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ nông dân vượt qua rào cản kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục nhằm thu hút DN đầu tư chế biến sau thu hoạch để đẩy mạnh XK trái cây.

 

Theo Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang