Thứ Tư, 01/05/2024 08:30:52 GMT+7

Tin đăng lúc 18-02-2017

Lượt xem: 2295

Sản xuất lớn theo hướng tập trung để tránh lỗ cho người nuôi heo

Để giúp người nuôi heo trong nước thoát khỏi tình trạng bấp bênh của thị trường, thậm chí chịu lỗ triền miền, các chuyên gia cho rằng cần tổ chức ngành chăn nuôi heo theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ cao, có truy xuất nguồn gốc một cách bài bản.
Sản xuất lớn theo hướng tập trung để tránh lỗ cho người nuôi heo
Các trang trại lớn hợp tác với doanh nghiệp FDI nuôi heo kỹ thuật cao, có truy xuất nguồn gốc tạo ra lợi nhuận và tránh rủi ro

Người chăn nuôi "khóc dở" với giá heo

 

Hiện tại, dù giá heo hơi có nhích lên so với trước Tết Nguyên đán nhưng người chăn nuôi vẫn lỗ nặng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chăn nuôi heo thất bát là do khả năng dự báo thị trường kém, dẫn đến nguồn cung lớn hơn cầu.

 

Tính riêng tỉnh Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi, tổng đàn đang ở mức 1,8 triệu con (tăng khoảng 4% so với trước đây), do người chăn nuôi mở rộng quy mô đàn trong những tháng cuối năm 2016 để xuất khẩu, nhưng do phía Trung Quốc đột ngột dừng thu mua từ đầu tháng 12 khiến sản lượng trong nước bị dư thừa.

 

Giá heo hơi hiện đã tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán (giá heo loại trên 100-110kg/con dao động từ 34.000-35.000 đồng/kg) và lượng heo bán cho Trung Quốc đã tăng trở lại, nhưng người chăn nuôi vẫn lỗ vốn vì giá còn ở mức thấp hơn giá thành chăn nuôi.

 

Ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ trại chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, gia đình ông nuôi heo đã được gần hai chục năm nhưng chưa năm nào giá heo giảm mạnh như thời điểm hiện nay. Theo ông Tiến, với mức giá này người chăn nuôi vẫn lỗ nặng vì giá thành nuôi ở mức thấp nhất là 35.000 đồng/kg, những hộ nuôi nhỏ lẻ phải mua con giống từ bên ngoài thì giá thành lên đến 39.000-40.000 đồng/kg.

 

Nhiều hộ chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất, Định Quán, thị xã Long Khánh cũng đang rơi vào tình cảnh mất vốn vì heo, do trước đây khi giá heo hơi ở mức trên dưới 50.000 -56.000 đồng/kg đã chủ động đầu tư chuồng trại, tăng đàn, trong đó không ít người vay nợ để tăng gia sản xuất, dẫn đến những khoản nợ lớn và khó trả.

 

Ông Mai Văn Liêm, Chủ trại heo ở xã Gia Canh, huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, trong hoạt động chăn nuôi heo dưới dạng vừa và nhỏ ở Đồng Nai, hầu hết đều không nắm rõ nhu cầu của thị trường, dẫn đến đầu tư sai lệch. “Nhiều năm qua mỗi khi thấy giá heo lên thì nhà nhà tổ chức vay vốn, cơi thêm chuồng trại tăng đàn, đến khi “hàng dội chợ” thì cả làng đều thiệt hại” - ông Liêm nói.

 

Các hộ chăn nuôi điêu đứng khi giá heo hơn chỉ ở mức 30.000-35.000 đồng/kg, buộc lòng giết mổ và phá lốc bán trực tiếp để vớt vát vài đồng lợi nhuận. Thế nhưng trên thị trường, giá thịt heo thành phẩm vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Giá thịt heo thành phẩm tại các chợ trên địa bàn Đồng Nai dao động từ 60.000-75.000 đồng/kg, tùy loại. Tại TP.HCM, giá theo thành phẩm tại chợ truyền thống và các kênh bán lẻ hiện đại cũng dao động bình quân ở mức 80.000-90.000 đồng/kg.

 

Ông Đặng Quyền Minh, Chủ trang trại chăn nuôi heo ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương tính toán, giá heo hơi người chăn nuôi thu được so với giá thịt người tiêu dùng mua cách biệt quá lớn, lãi trong chuỗi này chủ yếu tập trung vào thương lái.

 

Sản xuất lớn để giảm rủi ro

 

Ngành chăn nuôi heo ở nước ta hiện nay đã phát triển không ngừng nhưng khâu tiêu thụ lại quá phụ thuộc vào một thị trường. Thêm đó, khả năng dự báo về thị trường kém, đã dẫn đến tình trạng chăn nuôi lỗ vốn và bấp bênh.

 

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, để ngành chăn nuôi heo ổn định, không bấp bênh về chuyện giá bán đòi hỏi toàn ngành chăn nuôi heo phải quy hoạch lại theo hướng chăn nuôi tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật, có truy suất nguồn gốc nhằm gia tăng lợi nhuận và tránh rủi ro. Giải pháp cứu cánh cho ngành chăn nuôi heo đã được một số người dân Đồng Nai lựa chọn là hợp tác với các doanh nghiệp lớn để đầu tư chuồng trại, con giống, kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm.

 

Trong nhiều năm qua, Công ty CP Chăn nuôi CP. Việt Nam (CPV) đã chuyển giao công nghệ chăn nuôi khép kín, năng suất cao cho người chăn nuôi Việt Nam thông qua hình thức chăn nuôi hợp đồng, hỗ trợ họ tự chủ về chăn nuôi. Đến nay, CPV đã hợp tác với nông dân phát triển hơn 3.000 trang trại, tạo công ăn việc làm cho khoảng 150.000 lao động Việt Nam theo chuỗi giá trị sản xuất khép kín “Feed - Farm - Food”, tạo ra thực phẩm an toàn và đem đến nhiều lợi ích cho các đối tượng tham gia.

 

Tiến sĩ Kiều Minh Lực - Giám đốc Trung tâm Di truyền giống của CPV - cho biết, người nông dân hợp tác với Công ty CP đã giải quyết được 3 bất cập cố hữu của lối chăn nuôi nhỏ lẻ là hỗ trợ người nuôi tránh được dịch bệnh, năng suất cao và đầu ra ổn định vì sản phẩm đã có CP lo.

 

Công ty Japfa Comfeed Việt Nam hiện hợp tác với hàng trăm trang trại cung cấp giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi, sau đó mua lại heo để xuất khẩu. Ba năm nay, ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ trang trại hợp đồng với Japfa nuôi 2.000 con heo thịt ở Long Khánh cho biết, người nuôi chỉ lo chuồng trại và công chăm sóc, mỗi năm ba lứa heo được công ty bao tiêu hết, chuyện thị trường đắt rẻ không phải tính đến. Nhờ sự hợp tác này mỗi năm thu 300-400 triệu đồng là không khó và an toàn.

 

Mới đây một số doanh nghiệp Nhật Bản đã có buổi làm việc với Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai để tính chuyển mua heo xuất đi Nhật. Theo ông Nguyễn Kim Đán - Phó Chủ tich Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, phía Nhật yêu cầu cung cấp con giống và kỹ thuật nuôi theo kiểu Nhật và thu mua với giá cao. Tuy nhiên trước mắt hiệp hội đang đàm phán để ngành chăn nuôi trong nước tự chủ về giống và đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật nuôi của Nhật Bản. Đây là một hướng mở để làm tăng thêm giá trị cho ngành chăn nuôi heo ở Đồng Nai.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang