Chủ Nhật, 05/05/2024 21:56:23 GMT+7

Tin đăng lúc 17-03-2022

Lượt xem: 1041

Siêu thị chung tay “kiềm giá” thực phẩm

Giá xăng dầu tăng trong thời gian vừa qua đã gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh thương mại của các siêu thị, doanh nghiệp phân phối, đồng thời tạo áp lực không nhỏ đến chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều hệ thống siêu thị, doanh nghiệp phân phối lớn khẳng định đang đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá bình ổn, giữ giá để người tiêu dùng mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể...
Siêu thị chung tay “kiềm giá” thực phẩm
Chương trình Chợ sớm giảm sung đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng

Hàng trăm sản phẩm thực phẩm “siêu tiết kiệm” sẽ đến tay người tiêu dùng

 

Từ nay đến hết ngày 23/3/2022, tại các siêu thị GO!, Big C, Tops Market sẽ áp dụng chương trình “siêu tiết kiệm” - mua nhiều giảm nhiều, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng giảm bớt áp lực chi tiêu do những tác động từ việc tăng giá xăng dầu trong thời gian vừa qua. Thông tin mới nhất vừa được Tập đoàn Central Retail Việt Nam cung cấp tới báo chí.

 

Cụ thể, tại hệ thống đại siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc, áp dụng “siêu tiết kiệm”, giảm giá đến 50% đối với 390 sản phẩm: thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, thời trang… tổng trung bình giá giảm của đợt này lên tới 41%. Đặc biệt, khi khách hàng mua sắm tại siêu thị GO!, Big C với hóa đơn từ 400.000 đồng trở lên có cơ hội mua các sản phẩm thùng mì gói, sữa tắm, nước rửa chén, cà phê sữa đá với mức giá ưu đãi và tiết kiệm lên đến hơn 150.000 đồng.

 

Đồng hành cùng với doanh nghiệp phân phối, Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho hay, nhiều nhà cung cấp lớn của GO!, Big C cũng hưởng ứng chương trình “siêu tiết kiệm”. Theo đó, khi mua sắm tại GO!, Big C, người tiêu dùng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt: Mua hóa đơn 80.000 đồng sản phẩm Vifon, giảm 15.000 đồng; mua hóa đơn 80.000 đồng các sản phẩm Kinh Đô, giảm ngay 10.000 đồng; mua đơn hàng sản phẩm sữa đậu nành, sữa nước Vinamilk các loại trị giá từ 169.000 đồng (trừ sữa dinh dưỡng dạng bịch và sữa nước công thức), tặng 1 lốc sữa tươi tiệt trùng chứa tổ yến 110ml…

 

Đặc biệt, nhằm chia sẻ với người lao động đang chịu ảnh hưởng giảm thu nhập do đại dịch Covid-19, từ ngày 7/3/2022, hệ thống đại siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc triển khai chương trình “chợ sớm giảm sung”. Áp dụng giảm giá 10% đối với toàn bộ sản phẩm thịt lợn; giảm 30% toàn bộ sản phẩm rau ăn lá. Chương trình được áp dụng trong khung giờ buổi sáng, từ lúc mở cửa siêu thị đến 10h sáng và áp dụng liên tục từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần.

 

Còn tại chuỗi siêu thị Tops Market, chương trình “siêu tiết kiệm” áp dụng giảm giá tới 50%, mua 2 tặng 1 và giảm giá 50% khi mua sản phẩm thứ 2 (áp dụng cho sản phẩm bất kì cùng giá). Theo đó, tổng cộng hơn 400 sản phẩm được áp dụng cho chương trình này, bao gồm: rau củ xanh, thịt cá tươi, đồ ngon được nhập khẩu trực tiếp và những thực phẩm không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình. Chương trình tại Tops Market kéo dài liên tục đến hết ngày 23/3/2022, nhằm đem đến trải nghiệm mua sắm cho các gia đình Việt.

 

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam - cho biết, xăng dầu liên tục tăng giá trong thời gian sau Tết Nguyên đán đã ít nhiều ảnh hưởng đến các nhà cung cấp hàng cho siêu thị, nhất là các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống. Ở góc độ nhà bán lẻ, chúng tôi rất khó đoán định mặt bằng giá sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới. Tuy nhiên, với tư cách là nhà bán lẻ có trách nhiệm với xã hội, chúng tôi thương lượng giá hàng ngày với các đối tác, để cùng nhau đề xuất mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Tiêu chí kinh doanh của Central Retail là “giá luôn luôn thấp”, chúng tôi luôn cung cấp giá tiết kiệm nhất với chất lượng tốt nhất cho khách hàng của mình.

 

Cùng với Tập đoàn Central Retail Việt Nam, nhiều hệ thống siêu thị lớn khẳng định đang đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá bình ổn, giữ giá để người tiêu dùng mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể...

 

Ông Tạ Trung Hiếu - Giám đốc siêu thị MM Mega Market Hoàng Mai - thông tin, nhằm tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng, doanh nghiệp đang làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để trì hoãn việc tăng giá, hoặc có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất có thể cho khách hàng. Riêng với các nhóm hàng như dầu gội, sữa tắm, máy giặt, thời trang… siêu thị đã chốt đơn hàng cung ứng trước 3 tháng với nhà cung cấp nên giá cả sẽ không tăng ngay.

 

Đại diện AEON Việt Nam cũng khẳng định, sẽ không có trường hợp giá cả tăng đột biến xảy ra tại hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON. Hiện doanh nghiệp đang làm việc với các nhà cung cấp để bình ổn giá cả hàng hóa trong thời gian tới. Hệ thống siêu thị WinMart cũng cam kết giữ giá cả bình ổn, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa dẫn tới tăng giá bán.

 

Trên thực tế, áp lực tăng giá đối với các doanh nghiệp phân phối đã có. Đại diện siêu thị Lotte Mart cho biết, siêu thị nhận công văn đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp, nhưng vẫn đang cố gắng thương lượng kéo dài thời gian áp dụng giá mới. Đồng thời, siêu thị tận dụng nguồn hàng dự trữ để duy trì được mức giá cũ lâu nhất có thể cho người tiêu dùng.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội - cho biết, do siêu thị thường ký hợp đồng cung ứng hàng hóa từ đầu năm nên giá xăng tăng tạm thời không ảnh hưởng đến hợp đồng cung cấp sản phẩm. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào bột mì và bơ nhập khẩu, dầu ăn tăng ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, nên một số nhà cung ứng hàng hóa đã đề nghị tăng giá.

 

Xây dựng kế hoạch kích cầu để tăng tổng mức bán lẻ

 

Theo Sở Công Thương Hà Nội, 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 109 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 73,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 67,2% tổng mức và tăng 10,9%. Đây là con số rất khích lệ trong tình hình của dịch Covid-19 đang phức tạp trên địa bàn thành phố.

 

 

Chương trình Siêu tiết kiệm đang diễn ra tại Hệ thống Đại siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc

 

Trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, Sở Công Thương đã vận động các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối ký hợp đồng với các nhà cung cấp với thời lượng hợp đồng dài hạn để bình ổn giá thường xuyên. Như vậy, sẽ giảm sự tác động của biến động giá xăng dầu, cố gắng giữ được giá thành ổn định nhất và giữ chân được người tiêu dùng đến được với hệ thống phân phối của mình. Hiện, các hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội đang nỗ lực làm việc đó. “Ngay trong quý I/2022, giá xăng dầu tăng liên tiếp nhưng đến các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại, giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định để người dân yên tâm mua sắm”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

 

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, hiện nay, chỉ có một số mặt hàng nhích tăng nhẹ như rau củ quả từ 3-5%, tuy nhiên, các mặt hàng sản xuất, chế biến vẫn đang được các nhà cung cấp và các nhà phân phối giữ bình ổn khi đưa đến tay người tiêu dùng.

 

Năm 2022, dịch Covid-19 vẫn là yếu tố tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như khó khăn trong chi tiêu của người tiêu dùng. Hà Nội sẽ chỉ đạo các hệ thống phân phối có các chương trình kích cầu, khuyến mại, tri ân đến người tiêu dùng để thu hút hơn nữa đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm. Đây cũng là một trong những giải pháp để kích cầu, tăng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố.

 

“Năm 2022, TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch kích cầu để tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP. Hà Nội, bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh để đưa ra những giải pháp phù hợp trong bối cảnh kích cầu và tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng mức bán lẻ của TP. Hà Nội năm 2022 đạt từ 7,5-8% theo chỉ tiêu đặt ra”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang