Thứ Bẩy, 27/04/2024 04:10:41 GMT+7

Tin đăng lúc 10-01-2017

Lượt xem: 4644

Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Đẩy mạnh thị trường xuất khẩu nhằm mục tiêu tăng 11% trong năm 2017

Thông tin trên được lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết tại buổi Họp báo thông báo kết quả SXKD năm 2016 và kế hoạch năm 2017 diễn ra vào chiều 09/01 tại Hà Nội.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Đẩy mạnh thị trường xuất khẩu nhằm mục tiêu tăng 11% trong năm 2017
Vinatex đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 11% trong 2017

Năm 2016 nhìn chung khó khăn đối với ngành Dệt may Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 28,3 tỷ USD, chỉ tăng 5,7% so với năm 2015; Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt 11,8 tỷ USD. Tiếp đến là EU với 3,7 tỷ USD; Nhật Bản với 3,1 tỷ USD; Hàn Quốc với 2,6 tỷ USD.

 

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ tăng trưởng 1 con số trong năm 2016 nhưng xét trong tổng thể kinh tế toàn cầu cũng như các biến động kinh tế, chính trị lớn tại các thị trường chính, đây là nỗ lực đáng ghi nhận. Hơn nữa, nếu so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh chính của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, với 5,7% tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam được xếp ở mức cao nhất nhóm.

 

Năm 2016, doanh thu hợp cộng toàn Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước đạt 41.337 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.511 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm qua, lợi nhuận trước thuế cộng toàn Tập đoàn ước đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 9%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 38.353 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015.

 

Trong năm 2016, toàn Tập đoàn đã triển khai thực hiện 41 dự án đầu tư bao gồm 9 dự án sợi, 9 dự án dệt nhuộm, 17 dự án may, 6 dự án nâng cấp, sửa chữa, thay thế máy móc thiết bị, tổng mức đầu tư toàn Tập đoàn là 5.523,7 tỷ đồng.

 

Cũng trong năm 2016, công ty mẹ -Tập đoàn Dệt may Việt Nam làm chủ đầu tư đã triển khai thực hiện 08 dự án đầu tư, tới thời điểm hiện tại đã có 07 dự án đi vào sản xuất, cụ thể: Dự án sợi: Nhà máy sợi Nam Định, dự án sợi Phú Cường với quy mô 2-3 vạn cọc, sản lượng 4.700-5.200 tấn/năm, thương mại điện tử từ 300-464 tỷ đồng đã đi vào sản xuất thử; Dự án may: Nhà máy may Cần Thơ, nhà máy may Bạc Liêu, nhà máy may Lệ Thủy-Quảng Bình, nhà máy may Tuyên Quang, nhà máy may Quế Sơn với quy mô 20-29 chuyền, sản lượng 3-6,5 triệu sản phẩm/năm, thương mại điện tử từ 100-200 tỷ đồng đang triển khai nhà máy may Quế Sơn, còn lại đã đi vào sản xuất thử; Dự án sản xuất vải Yarndyed phía Nam quy mô 10 triệu m2/năm, thương mại điện tử 403 tỷ đồng, sản lượng năm 2016 là 3,5 triệu m2, chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2.

 

Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex phát biểu tại buổi Họp báo

 

Sau khi 07 dự án trên đi vào hoạt động sản xuất thử, sản lượng dự kiến sẽ tăng thêm so với năm 2016 là: Sợi: tăng 3.130 tấn sợi; Vải: tăng 3.5 triệu m3; May: tăng hơn 2 triệu sản phẩm.

 

Tại buổi Họp báo, ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Vinatex cho biết, với bệ đỡ của Hiệp định EU – FTA, hy vọng một số dòng thuế sẽ được đưa về 0% vào năm 2018, có như vậy những đơn hàng dệt may rơi vào nửa cuối năm 2017 sẽ có những hy vọng nhất định về việc tăng trưởng ở thị trường châu Âu.

 

Cũng theo ông Trường, chiến lược của Tập đoàn năm 2017, đối với doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục một số hướng chính, trong đó tập trung vào việc khai thác hiệu suất cao hơn nữa của trang thiết bị đã đầu tư, giảm đầu tư theo chiều rộng, mở thêm nhiều nhà máy ở các nơi bằng cách tuyển lao động nhưng dựa trên tài sản cố định đã có với hiệu suất cao nhất có thể, để năm 2017 chi phí vốn và chi phí tài chính giảm đi nhưng vẫn tạo được việc làm, năng suất lao động gia tăng. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng suất, rút gọn quy trình, tối ưu hóa, thay thế những thiết bị tự động kém sử dụng nhiều lao động bằng các sản phẩm có độ tự động cao, đặc biệt trong những khâu như đóng gói, phải sử dụng nhân công nhiều, nhằm mục tiêu giảm chi phí lao động  trên mỗi đơn vị sản phẩm, để cải thiện khoảng 6% thu nhập cho người lao động. Đồng thời đi theo hướng các thị trường ngách khó, mục tiêu làm những mặt hàng khó, những mặt hàng có quy mô đơn hàng nhỏ và vừa để tiếp tục xác định lợi thế của mình trong khu vực đó. Bên cạnh việc phát triển các thị trường, tiếp tục các giải pháp cho các doanh nghiệp mạnh thực sự trong Tập đoàn làm thị trường nội địa, với quy mô thị trường nội địa như vậy thì không thể nhà nhà làm nội địa mà chỉ có những mũi nhọn làm nội địa.

 

Toàn cảnh buổi họp báo

 

Năm 2017, ngành Dệt may Việt Nam được dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, trước tình hình trên, Vinatex phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tập đoàn tăng 14% so với 2016. Kim ngạch xuất khẩu tăng 11%. Kim ngạch nhập khẩu tăng 9%. Doanh thu hợp cộng toàn Tập đoàn tăng 12%. Cũng trong năm 2017, Tập đoàn dự kiến huy động nguồn vốn đầu tư phát triển là 5.466 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay thương mại là 70%, còn lại là vốn chủ của doanh nghiệp.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang