Thứ Ba, 14/05/2024 03:13:00 GMT+7

Tin đăng lúc 17-10-2023

Lượt xem: 300

Thái Bình: Quảng bá sản phẩm OCOP tại lễ hội chùa Keo

Lễ hội chùa Keo kết hợp quảng bá sản phẩm OCOP sẽ tạo sự gắn kết giữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, văn hóa, du lịch... của Vũ Thư ở trong và ngoài tỉnh.
Thái Bình: Quảng bá sản phẩm OCOP tại lễ hội chùa Keo
Vùng trồng rau xà lách xoăn - sản phẩm OCOP 3 sao của HTX SXKD nông nghiệp xanh xã Trung An (Vũ Thư).

Hằng năm, tại Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) diễn ra 2 lễ hội. Đó là lễ hội mùa Xuân (ngày mồng 4 tháng Giêng Âm lịch) và lễ hội mùa Thu (tháng Chín Âm lịch). Tuy nhiên, lễ hội mùa Thu mới là lễ hội chính trong năm bởi có quy mô tổ chức lớn hơn, kéo dài nhiều ngày.

 

Theo bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) cho biết, Lễ hội chùa Keo mùa Thu 2023 sẽ được tổ chức trong 6 ngày, bắt đầu khai mạc tối ngày 24/10 tới đây tại quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo, và đây cũng là lần đầu tiên UBND huyện Vũ Thư sẽ kết hợp tổ chức hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP.

 

“Năm nay, huyện quyết tâm nâng tầm quy mô, giá trị lễ hội chùa Keo mùa Thu sao cho tương xứng với vị trí và vai trò của một di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Điểm mới của lễ hội lần này là chương trình khai mạc diễn ra tối 24/10 được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh Thái Bình và dự kiến sẽ được 35 Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố tiếp sóng. Ngoài ra, lần đầu tiên tại lễ hội chùa Keo chúng tôi quyết định kết hợp tổ chức hội chợ trưng bày, giới thiệu, giao lưu, quảng bá sản phẩm OCOP và mời các huyện, thành phố trong tỉnh cũng như một vài đơn vị tỉnh bạn tham gia”, bà Phong cho hay.

 

Thông tin từ Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Vũ Thư - ông Cao Vũ Thạch, hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP trong khuôn khổ lễ hội chùa Keo nhằm tạo sự gắn kết giữa các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch của huyện Vũ Thư với các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn.

 

“Tại các lễ hội trước đây thì chỉ có 1 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Vũ Thư, năm nay đặc biệt huyện quyết định tổ chức kết hợp giữa lễ hội và hội chợ và mời các huyện, thành phố bạn và một số đơn vị, địa phương tỉnh bạn. Đến nay, các công việc chuẩn bị cho lễ hội và hội chợ đang được các thành viên tiểu ban tổ chức gấp rút triển khai, kỳ vọng sẽ mang lại thành công, khác biệt, góp phần nâng tầm quy mô, giá trị của lễ hội chùa Keo mùa Thu”, ông Thạch chia sẻ.

 

Trong 6 ngày diễn ra lễ hội cũng đồng thời là 6 ngày diễn ra các hoạt động mua bán, quảng bá sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng đến từ các địa phương tham gia hội chợ. Ban tổ chức cũng dự kiến bày trí, sắp xếp 23 gian hàng để các đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

 

“Chúng tôi sẽ bố trí tổ chức 23 gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện Vũ Thư (3 gian); 7 huyện, thành phố trong tỉnh Thái Bình và huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên (mỗi đơn vị 2 gian hàng). Ngoài ra, có 3 gian hàng sản phẩm OCOP dành cho các tỉnh bạn và 1 gian hàng của Ban Quản lý di tích chùa Keo”, ông Thạch thông tin thêm.

 

Hiện tại, chính quyền địa phương đang gấp rút các khâu chuẩn bị cho Lễ hội chùa Keo mùa Thu. Huyện Vũ Thư đã thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức Lễ hội và 8 tiểu ban. Công tác tu bổ, chỉnh trang tại Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo cũng đã cơ bản hoàn thành, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, sẵn sàng đón du khách thập phương.

 

Lễ hội chùa Keo rất độc đáo, ấn tượng, tái hiện rõ nét đời sống văn hóa, tín ngưỡng, sinh hoạt cổ từ ngàn đời xưa của người dân làng Keo nói riêng, người dân vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung. Trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng đến nay các nghi thức, hoạt động trong lễ hội chùa Keo như: lễ khai chỉ, lễ rước kiệu Thánh, tế lễ, hát giao duyên, thi têm trầu cánh phượng; các trò chơi dân gian như: leo cầu ngô, bắt vịt… vẫn được duy trì theo tục lệ lễ hội cổ. 

 

Điểm nhấn của lễ hội năm nay là nghi lễ rước kiệu Đức Thánh. Nghi lễ nhằm tái hiện lại cuộc kinh lý của Thiền sư Không Lộ lên kinh đô chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và các sự lệ diễn tả lại cuộc đời của Ngài. Qua các nghi lễ đó, dân làng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, bình an tài lộc, ước mơ cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

 

Theo đó, chương trình sẽ có sự tham gia của khoảng 300 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên đến từ các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh như: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Nhà hát Chèo Thái Bình… cùng các ca sĩ NSND Thu Hiền, NSND Trọng Tấn…

 

Sắp tới, Thái Bình cũng là nơi tổ chức Hội chợ Nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc Bộ 2023, trong khuôn khổ chương trình Giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day”. Nhằm tạo cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, cả nước nói chung và các doanh nghiệp nước ngoài tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.

 

Theo DiendanDN


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang