Thứ Bẩy, 27/04/2024 04:26:42 GMT+7

Tin đăng lúc 25-05-2018

Lượt xem: 5073

Thái Nguyên tập trung đầu tư và khai thác vùng kinh tế trọng điểm

Là cái nôi của ngành Công nghiệp nặng Việt Nam, Thái Nguyên được biết đến là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển công nghiệp luyện kim, khai khoáng và các loại khoáng sản. Phát huy những tiềm năng, lợi thế vốn có, Thái Nguyên đang bứt phá trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước, trong đó nổi bật là việc thu hút các nhà đầu tư lớn.
 Thái Nguyên tập trung đầu tư và khai thác vùng kinh tế trọng điểm
Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo

Trong những năm qua và đặc biệt năm 2017, Thái Nguyên đã rất tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đồng thời, tỉnh cũng chủ động tổ chức các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền các cấp, doanh nghiệp với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về thủ tục, về thuế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng, chính sách giãn, giảm, gia hạn thuế cho các doanh nghiệp theo quy định; Hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, giải quyết hàng tồn kho. Ngoài ra, để tạo sức hấp dẫn đầu tư, tỉnh rất quan tâm đến quy hoạch các KCN tập trung và lựa chọn những vị trí “đắc địa” để xây dựng hạ tầng KCN. Hiện toàn tỉnh có 6 KCN tập trung và 35 cụm công nghiệp nhỏ với khoảng 10 nghìn hecta đất sạch dành cho phát triển công nghiệp…

 

Đặc biệt, để hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, Thái Nguyên đã và đang khuyến khích doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp công nghiệp nông thôn đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Theo đó, trong năm 2017, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên thực hiện 22 đề án khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho doanh nghiệp. Năm 2018, Trung tâm tiếp tục triển khai 16 đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn với những nội dung hỗ chợ chủ yếu gồm: Ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất và gia công đồ gỗ; ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất cơ khí; ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến và bảo quản chè…

 

 

Tập đoàn Samsung – Nhà đầu tư lớn hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Thái Nguyên

 

Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm qua đã đạt 12,6%, cao hơn 2 lần so với bình quân cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 570 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao, với khoảng 92%. Giá trị xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, tăng 20,2% so với năm 2016. Cùng với đó, nhiều lĩnh vực công nghiệp truyền thống của tỉnh cũng có mức tăng trưởng cao với giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 21 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ và vượt gần 10% so với kế hoạch năm. Bên cạnh các sản phẩm công nghiệp như sắt thép các loại, điện thương phẩm, quặng, đồng… thì ngành Dệt May tiếp tục có kết quả tăng trưởng ấn tượng với gần 29%, giá trị mang lại đạt 270 triệu USD.

 

Một dấu ấn khác trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đó chính là hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Năm 2017, giá trị nhóm sản phẩm kim loại mầu và quặng kim loại mầu có giá trị trên 265 triệu USD, tăng gần 44% so với kế hoạch. Điển hình như  Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, năm qua, sản lượng bistmut xi măng, flourit… đều tăng từ 5 đến 10%. Đặc biệt, sản phẩm chủ lực vonfram tăng gần 60% so với cùng kỳ. Qua đó, Đơn vị đã thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước trên 900 tỷ đồng.

 

Trước xu thế hội nhập kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, ngành Công Thương Thái Nguyên đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Để chủ động thích ứng với điều kiện mới, Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chiến lược phát triển dài hạn. Trong đó, đề xuất nhiều giải pháp mang tính căn cơ, bền vững để có thể đáp ứng được các yêu cầu trong tình hình mới, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế cơ bản của tỉnh đến năm 2020, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10%/năm. Qua đó, Thái Nguyên sẽ chuyển dịch cơ cấu nội bộ Ngành theo hướng chú trọng chất lượng tăng trưởng, phát triển công nghiệp theo chiều sâu để đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường; Khai thác và sử dụng có hiệu quả các lợi thế so sánh của Tỉnh về vị trí trung tâm vùng; Phát huy nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài; Phát triển công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên tập trung vào một số ngành có giá trị gia tăng lớn và có lợi thế như: Công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; Công nghiệp công nghệ thông tin; Công nghiệp vật liệu mới; Công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và gắn với xây dựng nông thôn mới; Đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp…

 

Bên cạnh đó, Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch để mở rộng các loại hình dịch vụ, thị trường lưu thông hàng hoá; Gắn phát triển các loại hình dịch vụ với phát triển đô thị, phát triển các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ; Tăng cường xã hội hoá đầu tư…

 

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6.116 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 78.117 tỷ đồng. Trong đó, có 129 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 7,24 tỷ USD. Tỉnh đang thu hút nhiều doanh nghiệp, doanh nhân từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Đức… đến tìm hiểu đầu tư. 

 

 

Nguyễn Ngô Quyết

 Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang