Chủ Nhật, 05/05/2024 12:20:31 GMT+7

Tin đăng lúc 26-03-2022

Lượt xem: 1323

Thận trọng với thuốc bổ hậu Covid-19 tràn ngập chợ mạng

Với nỗi lo sợ về các biến chứng hậu Covid-19, nhiều người đã tìm tới các sản phẩm quảng cáo bổ phổi, gắn mác hàng xách tay để sử dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng, sử dụng bừa bãi các loại thuốc này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Thận trọng với thuốc bổ hậu Covid-19 tràn ngập chợ mạng
Trên mạng tràn ngập những quảng cáo “thuốc bổ phổi”

Thời gian gần đây, trên chợ mạng có nhiều cá nhân đăng bán “thuốc bổ phổi” hậu Covid-19 với xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... Người bán giới thiệu rất “ngọt” rằng đây là những loại thuốc có tác dụng tốt cho phổi, điều trị các triệu chứng hậu Covid-19. Do đó rất nhiều người tiêu dùng nhẹ dạ, cả tin đã tìm đến mua thuốc.

 

Chị Nguyễn Thị Thảo (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, sau khi nhiễm Covid-19, chị vẫn còn triệu chứng ho, khó thở. Sợ rằng phổi bị tổn thương hậu Covid-19, chị đã lùng sục trên mạng để mua thuốc bổ phổi về dùng cho cả nhà. Chị nói: “Tôi tìm mua sản phẩm trên mạng chứ không phải mua trực tiếp. Bao bì toàn tiếng Nhật, tôi không biết sử dụng nên chỉ nghe người bán hướng dẫn và làm theo. Tôi cũng không rõ có phải hàng chính hãng không”. Những người như chị Thảo không ít.

 

Anh Nguyễn Văn Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội) từng phải thở máy nhiều ngày để điều trị Covid-19 với tổn thương phổi rất lớn. Sau khi xuất viện, anh Sơn được bạn bè giới thiệu cho loại thuốc bổ phổi xuất xứ từ Mỹ. Sau khi dùng khoảng 1 tháng, anh chia sẻ: “Mình thấy trước và sau lúc dùng thuốc thì không có gì khác biệt lắm. Trước đó mình vẫn bị ho và mất ngủ hàng đêm. Sau khi dùng thuốc thì thấy tình trạng không cải thiện lắm, không giống như những gì người bán quảng cáo. Nhưng biết làm sao bây giờ, thôi thì không bổ cái này thì bổ cái khác vậy!”. 

 

Có thể khẳng định rằng, hầu hết thuốc bổ phổi bán trên mạng bao bì đều ghi chữ nước ngoài, không có nhãn mác, tem phụ tiếng Việt. Số đông người bán hàng đều không phải bác sỹ hay dược sỹ, họ coi đây là mặt hàng “hot” mùa dịch. Do đó, người mua chỉ sử dụng theo hướng dẫn của người bán, còn chất lượng hay thuốc có phải hàng chính hãng hay không thì gần như không ai có thể kiểm chứng. 

 

Tại Hà Nội, một trong những loại thuốc bổ phổi phổ biến nhất được rao bán trên mạng là Kobayashi, được cho là có xuất xứ Nhật Bản. Các shop bán hàng online quảng cáo rằng Kobayashi là thuốc bổ số 1 Nhật Bản, được chiết xuất từ 16 loại thảo dược có công dụng long đờm, bổ phổ, hỗ trợ điều trị bệnh đường hô hấp cấp mãn tính, tăng cường cho những người phổi yếu và suy nhược, loại bỏ cặn bẩn niêm mạc phổi và giúp phế quản thông sạch hít thở dễ dàng hơn. Sản phẩm này được giới thiệu dùng cho người trên 15 tuổi, ngày uống 10 viên/2 lần, uống trước ăn hoặc giữa các bữa ăn bằng nước ấm.

 

 

Các loại “thuốc bổ phổi” tràn lan không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến người tiêu dùng lo lắng

 

Hay thuốc bổ phổi của hãng Ilshim Pharm xuất xứ Hàn Quốc cũng được nhiều chủ hàng rao bán trên mạng. Theo quảng cáo, bị nhiễm bệnh không đáng sợ bằng hậu Covid-19, bởi vậy, mỗi người nên sử dụng thuốc để phục hồi chức năng phổi. Những trường hợp đang bị F0 càng nên uống vì thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19. Thuốc Ilshim Pharm được giới thiệu có công dụng kháng khuẩn và chống viêm phổi, giảm các triệu chứng hô hấp của cảm lạnh, bảo vệ phổi, ngăn ngừa tổn thương phổi... dùng cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Sản phẩm này được bán với giá chừng 1,3 triệu đồng/1 hộp 180 gói.

 

Không khó để tìm mua các loại thực phẩm chức năng này, chỉ cần gõ từ khóa “thuốc bổ phổi” trên Facebook, người dân có thể tìm thấy rất nhiều loại từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Úc... Hầu hết chúng được quảng cáo dành cho người muốn hồi phục, giải độc phổi sau khi khỏi Covid-19.

 

Theo bác sĩ Dương Văn Trung: “Cách phục hồi phổi tốt nhất chính là liệu pháp tập thở, giúp cho phế nang giãn ra đưa lượng khí vào phổi nhiều nhất. Các bài tập tôi thường khuyên bệnh nhân thực hiện là thở ngực, thở bụng... Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng tốt và luyện tập thể thao tùy theo sức khỏe của mỗi người. Thực tế, không có thuốc nào là bổ phổi hậu Covid-19. Người dân nên cẩn trọng, tránh tiền mất tật mang”. Bác sĩ Trung cũng cho hay, sau Covid-19, chức năng phổi có thể sớm trở lại như bình thường, sau 6 tháng hoặc kéo dài hơn nữa, thậm chí có tổn thương không hồi phục.

 

Trên thực tế, thực phẩm chức năng giống như “con dao hai lưỡi”, nếu dùng không đúng liều lượng, chỉ định thậm chí còn gây hại cho cơ thể. Trong trường hợp đã khỏi Covid-19 mà bệnh nhân vẫn còn ho nặng kéo dài, tức ngực, mất ngủ, khó thở, suy nhược thì tốt nhất nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên ngành tư vấn.

 

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), xơ phổi hậu Covid-19 cũng tương tự như tình trạng viêm phổi do các virus khác gây nên. Đó là di chứng tất yếu sau viêm phổi, thông thường, 80% bệnh nhân sẽ hồi phục sau 6 tháng đến một năm. Bác sĩ Phúc cho biết: “Hàng ngày, tôi khám cho nhiều bệnh nhân hậu Covid-19, hầu hết họ khỏe mạnh. Tuy nhiên, không ít trường hợp biết mình bị xơ phổi dễ hoảng loạn, nghe theo lời đồn thổi tự điều trị, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”.

 

Minh Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang