Thứ Bẩy, 27/04/2024 08:30:15 GMT+7

Tin đăng lúc 29-05-2016

Lượt xem: 3507

Thành công của Viettel - Minh chứng hội nhập mạnh mẽ của DN Việt

Với sự hiện diện tại 10 nước ở 3 châu lục (Á, Phi, Mỹ), Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho năng lực hội nhập mạnh mẽ của DN Việt.
Thành công của Viettel - Minh chứng hội nhập mạnh mẽ của DN Việt
"Telemor" - thương hiệu của Viettel tại Timor Leste. Ảnh: VGP/Thanh Thủy

Chỉ sau 10 năm “đem quân lập nghiệp xứ người” (bắt đầu đầu tư tại Campuchia năm 2006), đến nay, 6/10 thị trường mà Viettel đầu tư đã có lợi nhuận. Riêng năm 2015, doanh thu từ thị trường nước ngoài của Vietetl đạt 1,5 tỷ USD.

 

Gần đây, Viettel được đánh giá xếp hạng là thương hiệu viễn thông lớn nhất Việt Nam, TOP 5 thương hiệu viễn thông hiệu quả nhất ASEAN và lọt vào TOP 100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt ngưỡng 1 tỷ USD.

 

Có thể nói, động lực vươn xa với chiến lược kinh doanh hợp lý đã giúp cho Viettel chưa đến một thập kỷ đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ.

 

Xác định thị trường

 

Ngay từ lúc mới bắt đầu hướng đến thị trường nước ngoài, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel cho rằng, phải đánh giá và định lượng rõ thị trường và xác định thị trường  viễn thông trên thế giới được chia làm 3 loại, gồm thị trường chưa phát triển với độ phủ dân số 20%, thị trường đang phát triển với độ phủ dân số trên 50% và thị trường đã bão hoà, độ phủ bám dân số gần như đạt tới 70-80%.

 

Đối với thị trường đã bão hoà (là các nước tiên tiến), khả năng xâm nhập gần như bất khả xâm phạm vì sự có mặt của các tập đoàn viễn thông hùng mạnh.

 

Trong khi đó, thị trường ở các nước chưa phát triển (như Cuba, Triều Tiên...) thì phạm vi thị trường không lớn nên khả năng phát triển không cao và không bền vững. Vì vậy, thị trường đang phát triển (chủ yếu là ở các nước châu Phi) với chỉ số ARPU (doanh thu bình quân/mỗi thuê bao) còn rất thấp và như vậy, với trên 1 tỷ dân, châu Phi sẽ là một thị trường tiềm năng, phù hợp với Viettel.

 

Chính từ việc định hướng được nơi sẽ đến nên Viettel đã đi rất nhanh. Kể từ khi đặt viên gạch đầu tiên tại thị trường Campuchia năm 2006, đến năm 2009, thương hiệu Metfone của Vietetl tại Campuchia bắt đầu hoạt động; đến năm 2011 (sau 5 năm) Viettel đã chuyển lợi nhuận đầu tiên về nước tới 40 triệu USD, số tiền lớn hơn vốn đầu tư vào thị trường này.

 

Không dừng lại ở đó, thị trường Campuchia đang được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng” cho Tập đoàn với định giá của thị trường giao dịch thế giới cho thương hiệu Metfone của Viettel tại Campuchia lên đến 800-900 triệu USD.

 

Tiếp đến, trong năm 2009, thương hiệu Unitel đã bắt đầu được xây dựng tại Lào; năm 2013 là thương hiệu Telemor tại Đông Timor.

 

Không dừng tại đó, hành trình chinh phục thị trường viễn thông thế giới của Viettel bắt đầu vươn rộng ra châu Phi gồm 4 nước là Mozambique, Cameroon, Tanzania và Burundi còn ở châu Mỹ có 2 nước là Haiti và Peru.

 

Mới đây nhất, Viettel đã chính thức có giấy phép kinh doanh viễn thông tại thị trường Myamar, nâng tổng số nước mà Viettel có mặt lên con số 10.

 

Phủ sóng rộng khắp rồi mới kinh doanh

 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, với từng thị trường, từng châu lục, Viettel đều có những quyết sách riêng và đó là cách thức đầu tư dồn dập, trên diện rộng. Tập trung đầu tư mạnh vào những vùng chưa phát triển, nhằm đến những đối tượng chưa được tiếp cận với viễn thông cùng với việc chú trọng tới sự phát triển văn hoá, xã hội tại thị trường đó.

 

Đặc biệt, Tập đoàn quán triệt triết lý trong phát triển là đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trạm phát sóng, đường dây để phủ sóng rộng khắp cả nước, nhất là những vùng xa xôi, rồi mới bắt đầu kinh doanh.

 

Theo ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng đầu tư quốc tế của Tập đoàn, triết lý kinh doanh nói chung và chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Viettel nói riêng là phải tìm cách đưa mọi dịch vụ đến toàn dân.

 

Theo đó, chiến lược đầu tư dài hạn của Viettel là phủ sóng rộng toàn quốc, chất lượng mạng vượt trội và kinh doanh phù hợp với từng địa phương. Rồi tùy theo từng thị trường cụ thể sẽ đầu tư nhanh, mạnh vào xây dựng cơ sở hạ tầng để bảo đảm dẫn đầu về chất lượng và quy mô mạng lưới. Đồng thời có những chính sách bán hàng rộng khắp để đưa dịch vụ tới tất cả người dân.

 

Bên cạnh việc tính toán hiệu quả đầu tư, Vietetl còn tập trung vào mặt tối ưu hoá chi phí đầu tư, nhất là về con người tại các thị trường nước ngoài. Theo đó, Tập đoàn lập lộ trình để đào tạo và chuyển giao việc khai thác vận hành cho người nước sở tại để rút dần người Việt Nam về nước nhằm giảm chi phí nhân sự. Tập đoàn cũng tính toán việc tối ưu hoá các thiết bị thông minh do Viettel sản xuất trong nước đưa tới các thị trường nước ngoài để giảm chi phí mua ngoài

 

Xây dựng mục tiêu lớn và lâu dài

 

Để phát triển bền vững, Viettel bắt tay xây dựng mục tiêu đủ lớn và lâu dài để làm động lực cho toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả Tập đoàn, trong đó, đầu tư quốc tế được xác định là 1 trong 3 trụ cột của Viettel.

 

Mục tiêu của Tập đoàn là vào năm 2020, phải trở thành một tập đoàn toàn cầu, là 1/10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới; trở thành một tổ hợp nghiên cứu sản xuất cả về dân sự và quân sự; đầu tư vào từ 22-25 nước trên thế giới, với tốc độ 1 năm đầu tư vào 1 đến 2 nước; doanh thu tăng trưởng từ 20-25% và các thị trường sau 3-5 năm sẽ hồi vốn. Đặc biệt, phấn đấu tại các thị trường đầu tư, Viettel phải trở thành thương hiệu lớn trong TOP 3.

 

Hiện nay, với 75 triệu khách hàng ở thị trường 260 triệu dân của 10 quốc gia, trong đó 7 nước đã đi vào kinh doanh, 5 nước đã có lãi, 2 nước đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và một nước mới có giấy phép đầu tư đã giúp tổng doanh thu nước ngoài của Viettel tăng trưởng 25%/năm.

 

Vietetl đã minh chứng một điều các doanh nghiệp Việt có đầy đủ năng lực để vươn mình rộng ra “sân chơi” toàn cầu nếu xây dựng cho mình được một mục tiêu và thắp sáng được ngọn lửa quyết tâm.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


Tag:viettel

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang