Thứ Sáu, 26/04/2024 13:51:43 GMT+7

Tin đăng lúc 05-04-2017

Lượt xem: 8856

Thành phố Quy Nhơn: Tăng cường đầu tư phát triển du lịch xứng tầm tiềm năng

Đúng 20 giờ ngày 31/3/1975, cờ giải phóng được tung bay tại thủ phủ ngụy quyền tỉnh Bình Định, thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định được hoàn toàn giải phóng. 42 năm qua, từ một thị xã nhỏ, Quy Nhơn đã phát triển lên thành phố, đô thị loại I trực thuộc tỉnh với những thành tựu về KT-XH xứng tầm một thành phố trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung.
Thành phố Quy Nhơn: Tăng cường đầu tư phát triển du lịch xứng tầm tiềm năng
Một góc Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng của FLC Quy Nhơn

 Đặc biệt, thành phố biển Quy Nhơn đã phát huy lợi thế, tiềm năng tổng hợp về biển đảo, văn hóa, danh thắng, lịch sử… vươn lên phát triển dịch vụ du lịch góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ thành phố. PV Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Ngô Hoàng Nam –Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Quy Nhơn xung quanh vấn đề này.

 

PV: Thành phố Quy Nhơn đang phát triển du lịch như một trong những mũi nhọn kinh tế xã hội địa phương. Xin ông cho biết những tiềm năng, lợi thế so sánh mà Quy Nhơn có được trong tiến trình này?

                                                

Ông Ngô Hoàng Nam: Quy Nhơn, thành phố biển nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được công nhận là thành phố đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh vào năm 2010; nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, hành lang Đông - Tây và là cửa ngõ Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia; vì vậy, Quy Nhơn có vị trí quan trọng và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, cũng như việc liên kết vùng cho phát triển du lịch.

 

 

         

 

Ông Ngô Hoàng Nam- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn

 

Quy Nhơn lại có lợi thế địa hình đa dạng gồm đồng bằng, đồi, núi, sông, đầm, hồ, vũng, vịnh, biển đảo… và bờ biển dài 42 km với nhiều bãi tắm đẹp và hoang sơ; nhiều di tích lịch sử, văn hóa; danh thắng như: Ghềnh Ráng Tiên Sa, khu lưu niệm Hàn Mặc Tử, Tượng và Đền thờ Trần Hưng Đạo, Tháp Đôi…; đặc biệt là bán đảo Phương Mai và đảo Cù Lao Xanh, cùng với hệ động thực vật đa dạng, phong phú trong khu sinh thái đầm Thị Nại, rừng nguyên sinh đèo Cù Mông; là đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Bình Định, vùng đất võ trời văn, với tinh thần thượng võ kế thừa từ phong trào Tây Sơn - Nguyễn Huệ; nơi sản sinh và hội tụ nhiều thi sỹ nổi tiếng của Việt Nam, tiêu biểu như: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn và Chế Lan Viên; đặc biệt là danh nhân văn hóa, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà soạn tuồng xuất sắc Đào Tấn, đã mang lại cho địa phương một nền văn hóa, nghệ thuật đa dạng, phong phú còn lưu truyền đến hôm nay như: bài chòi, hát tuồng, bả trạo, võ cổ truyền Bình Định, trống trận Tây Sơn…; nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống được bảo tồn và phát triển; bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực đặc sắc với nguồn hải sản đa dạng, phong phú đã và đang tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách khi đến với địa phương.

 

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc 1D, Quốc lộ 19, tuyến đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan, cầu Thị Nại; xây dựng, mở rộng khu hàng không dân dụng - Cảng hàng không Phù Cát; cảng biển Quy Nhơn được quy hoạch và đầu tư xây dựng để trở thành cảng tổng hợp Quốc gia đầu mối khu vực (loại I); cùng với làn sóng các dự án du lịch lớn được đầu tư xây dựng như: Quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Nhơn Lý; Công viên hoang dã FLC Zoo - Safari Park tại xã bán đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn); dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại - Khách sạn cao cấp FLC Quy Nhơn Hotel, đường hầm qua đường An Dương Vương ra biển và quán bar ngầm; dự án Trung tâm Tổ hợp thương mại dịch vụ khách sạn và căn hộ cao cấp tại khu đất số 01 Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn (do Tập đoàn Hoa Sen đầu tư), dự án đầu tư khu du lịch biển Casa Marina Island tại đảo Hòn Đất và đảo Hòn Ngang, phường Ghềnh Ráng, dự án Cụm du lịch bãi biển Beach Front trên bãi biển Quy Nhơn…;  Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ đang được đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cấp đã tạo đà cho du lịch Quy Nhơn phát triển.

 

Với những tiềm năng và lợi thế so sánh đó, Quy Nhơn được đầu tư đúng mức đã và đang trở thành trung tâm du lịch của tỉnh Bình Định, trung tâm nghỉ mát, tham quan trong hệ thống du lịch Việt Nam. Năm 2015, Tạp chí Du lịch Anh Rough Guides bình chọn thành phố biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào tốp 9 điểm đến mới lạ ở Đông Nam Á.

 

PV: Trong những năm qua, thành phố Quy Nhơn đã gặt hái được những thành quả gì trong ngành công nghiệp không khói này và Quy Nhơn cần khắc phục những điểm yếu nào để du lịch phát triển hơn nữa,  thưa ông?

 

Ông Ngô Hoàng Nam: Nhờ những ưu điểm trên, hàng năm, thành phố Quy Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung đón lượng du khách đông đảo trong nước và quốc tế đến tham quan. Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Quy Nhơn tăng  hơn 20%/năm, cao hơn mức tăng trưởng trung bình 17% của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và 15% của cả nước.

     

Với sự gia tăng nhu cầu du lịch tới các vùng miền mới của du khách, trong những năm tới, ngành du lịch có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục hồi cảnh quan môi trường, thúc đẩy tiêu dùng và phát triển các loại hình dịch vụ, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Quy Nhơn.

 

     

 

Biển Nhơn Lý thành phố Quy Nhơn

 

Tuy nhiên, để vào cuộc cạnh tranh với các địa điểm du lịch nổi tiếng tại miền Trung, đòi hỏi Quy Nhơn phải cung cấp các sản phẩm du lịch khác biệt và có tính cạnh tranh cao. Thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế tại Quy Nhơn là 2,1 ngày/người, thấp hơn nhiều  so với Đà Nẵng (4,5 ngày/người). Hiện tại nguồn thu từ du lịch chủ yếu từ lưu trú chiếm 32% tổng doanh thu; dịch vụ ăn uống chiếm 41% doanh thu; vận chuyển lữ hành chiếm 16% tổng doanh thu; các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm chỉ chiếm 11% tổng doanh thu.

      

Các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm ở Quy Nhơn còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Khách ít tiêu tiền vào dịch vụ giải trí vì thiếu những sản phẩm du lịch mang tính giải trí, thiếu các tổ hợp giải trí lớn để vui chơi. Nguồn thu từ mua sắm cũng ít bởi nhiều du khách chỉ mua những hàng nhỏ, rẻ tiền như hàng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, tranh ảnh... Những sản phẩm là hàng hóa, quà lưu niệm tại Quy Nhơn dành cho khách du lịch còn ít, thiếu hấp dẫn, thiếu tính biểu tượng vùng miền, thiếu các sản phẩm, loại hàng đặc sản có giá trị đặc trưng.

      

Để khắc phục những tồn tại đó, thành phố Quy Nhơn đã kêu gọi đầu tư, thực hiện các dự án lớn nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là quản lý các bãi biển và không gian công cộng, dọc theo vịnh Quy Nhơn, các tuyến đường Xuân Diệu và An Dương Vương. Các nhà đầu tư khách sạn và nghỉ dưỡng hàng đầu đã triển khai dự án tại Quy Nhơn và có thể thu hút nhiều du khách cũng như tạo ra một làn sóng mới về đầu tư du lịch tại Quy Nhơn.

 

PV: Thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng bộ thành phố, trong kế hoạch 2016-2020 tầm nhìn 2035, ngành Du lịch bằng những giải pháp nào để có thể là chiếc “chìa khóa vàng” mở hướng cho phát triển KT-XH của thành phố trong những năm tới, thưa ông?

 

Ông Ngô Hoàng Nam: Với tiềm năng và định hướng của mình, thành phố Quy Nhơn cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đón được 4,67 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 720 ngàn lượt khách quốc tế và 3,95 triệu lượt khách nội địa; kéo dài thời gian lưu trú bình quân của khách quốc tế đạt 3 – 4 ngày/khách, đưa Quy Nhơn thực sự thành trung tâm du lịch, trung tâm nghỉ dưỡng, mua sắm trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung.

 

Để đạt được mục tiêu đó, trong đề án phát triển du lịch thành phố Quy Nhơn giai đoạn 2016 – 2020,  Quy Nhơn đã xác định đầu tư các loại hình du lịch tiềm năng tạo khác biệt và sức cạnh tranh cao, cụ thể là: Du lịch biển, đảo, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái leo núi, ngắm cảnh và du lịch sinh thái cộng đồng homestay; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh và thưởng thức các giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương; du lịch ẩm thực địa phương, mua sắm tại các khu, điểm dịch vụ du lịch; du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách hiện hành để kêu gọi, tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt cho phát triển du lịch; tạo mọi  điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hoàn thiện, xây dựng các dự án du lịch như: Vinpearl Quy Nhơn (tại Hải Giang) xã Nhơn Hải; khu vui chơi, giải trí FLC tại xã Nhơn Lý; khu du lịch Kỳ Co, khu du lịch Hồ Phú Hòa, Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, Tổ hợp không gian khoa học, cùng với các khu du lịch như: Ghềnh Ráng, Bãi Dài, Bãi Xép, Quy Hòa, Cù Lao Xanh, Đảo Yến, Hòn Khô, Hồ sinh thái Đống Đa… để tạo ra điểm nhấn cho phát triển du lịch của thành phố.

   

Ngoài ra, Thành phố tiếp tục tập trung triển khai quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như mở rộng hệ thống giao thông trong thành phố, nối sân bay Phù Cát về Quy Nhơn, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Một trong những yếu tố quan trọng là yếu tố con người, Thành phố Quy Nhơn tiếp tục đầu tư trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, có đội ngũ chuyên nghiệp về phục vụ du lịch, ngoại ngữ, chế biến ẩm thực, nghiệp vụ nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch. Đồng thời tiếp tục vận động toàn dân làm du lịch bằng tất cả những khả năng có được của địa phương như ý thức trong giao tiếp, giữ gìn vệ sinh văn minh và thái độ hiền hòa mến khách vốn có của người Quy Nhơn - Bình Định.

 

PV: Xin cám ơn ông!

                                                                       

         Văn Thuận (thực hiện) 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang