Thứ Năm, 02/05/2024 18:43:52 GMT+7

Tin đăng lúc 15-07-2016

Lượt xem: 2757

Thông tư 20 hết hiệu lực: Lo bùng nổ ôtô nhập khẩu

Mở cửa tự do hay siết chặt hoạt động nhập khẩu (NK) ôtô để giữ ổn định thị trường, tránh gây áp lực lên cán cân thương mại, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và tránh thất thu thuế sau khi Thông tư 20 hết hiệu lực đang có những ý kiến trái chiều.
Thông tư 20 hết hiệu lực:  Lo bùng nổ ôtô nhập khẩu
Các doanh nghiệp ôtô lo ngại thị trường hỗn loạn khi Thông tư 20 hết hiệu lực

Thông tư 20 được Bộ Công Thương ban hành ngày 12/5/2011, quy định bổ sung thủ tục NK xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Trong đó, yêu cầu các nhà NK ôtô phải có giấy ủy quyền là nhà NK, phân phối chính hãng và giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Bộ Giao thông vận tải cấp.

 

Theo quy định của Luật Đầu tư, từ ngày 1/7/2016 Thông tư 20 hết hiệu lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc bỏ hay giữ những quy định về NK ôtô, thậm chí có đề xuất nên đưa những quy định này lên thành Nghị định vẫn chưa ngã ngũ.  

 

Năm 2015 có thể xem là năm bùng nổ của thị trường xe hơi NK trong nước với 71.900 xe được bán ra, tăng 74% so với năm trước. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm, xe NK nguyên chiếc về Việt Nam ước đạt 49.000 chiếc với kim ngạch 1,184 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm, kim ngạch của nhóm hàng cần hạn chế NK, trong đó có ôtô dưới 9 chỗ ngồi, đạt 2,9 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng NK ôtô xấp xỉ 15.700 chiếc, đạt kim ngạch 241 triệu USD. Điều này cho thấy, mặc dù đã có rào cản nhưng NK ôtô- một mặt hàng cần hạn chế - vẫn tăng đều qua các năm.

 

Những con số tăng trưởng mạnh về mức tiêu thụ xe hơi NK đã khiến dư luận bị xung đột quan điểm bỏ hay giữ các quy định tại Thông tư 20. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), “việc kinh doanh xe ôtô cần được ủy quyền bởi nhà sản xuất để nhận sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cũng như đào tạo con người và cung cấp linh kiện chính hiệu phục vụ cho dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ, cũng như triệu hồi xe để đảm bảo xe luôn ở chất lượng tốt nhất trong suốt vòng đời”.

 

Đồng quan điểm này, Thaco- nhà sản xuất lắp ráp ôtô lớn trong nước cũng bày tỏ lo ngại trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh rằng: Nếu không có hàng rào kỹ thuật khác thay thế Thông tư 20 sẽ dễ dẫn đến việc xe NK về ồ ạt, khó kiểm soát chất lượng, nguồn gốc. Ngoài ra, không loại trừ việc các doanh nghiệp (DN) nhỏ NK không chính ngạch phải mua giá cao, chi phí cao nên khai giá trị trên hợp đồng và trên tờ khai hải quan thấp hơn giá mua thật để đóng thuế thấp, gây thất thu thuế.

 

Về phía các DNNK ôtô lại cho rằng, bãi bỏ các quy định tại Thông tư 20 không chỉ cởi trói cho DN mà còn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng vì sản phẩm NK đa dạng về mẫu mã và giá cả chứ không như hiện nay. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, các quy định trong Thông tư 20 làm méo mó môi trường cạnh tranh, trái luật và độc quyền khiến giá xe bán tại Việt Nam cao.

 

Với những mục tiêu điều hành về kinh tế vĩ mô, hạn chế nhập khẩu để tránh áp lực đến cán cân thương mại, đảm bảo giữ ổn định thị trường trong nước và thị trường ngoại tệ thì việc “siết” nhập ôtô nguyên chiếc theo tinh thần Thông tư 20 trong những năm qua đã mang lại kết quả tích cực.

 

Buông hay giữ các quy định về NK ôtô vẫn là câu chuyện chưa tới hồi kết. Được biết, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này và đang chờ ý kiến chỉ đạo, quyết định của Thủ tướng để có hướng dẫn cụ thể tới DN.

 

Các Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam và Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm muốn giữ lại quy định này bởi đã tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế thị trường ôtô nhập khẩu không chính thức, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Nguồn: Báo công thương điện tử

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang