Thứ Bẩy, 27/04/2024 11:54:16 GMT+7

Tin đăng lúc 06-05-2014

Lượt xem: 39405

Thực trạng và giải pháp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn hiện nay

Hiện nay, ở Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) nói chung, doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ nói riêng đang ngày càng khẳng định vai trò đối với nền kinh tế đất nước. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, DNVVN chiếm tới 95% trong tổng số DN tại Việt Nam, đóng góp trên 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số lao động, chiếm 17,26% tổng nguồn thu nộp ngân sách nhà nước.
Thực trạng và giải pháp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn hiện nay

Một số nét về doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN)

Hiện nay, ở Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) nói chung, doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ nói riêng đang ngày càng khẳng định vai trò đối với nền kinh tế đất nước. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, DNVVN chiếm tới 95% trong tổng số DN tại Việt Nam, đóng góp trên 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số lao động, chiếm 17,26% tổng nguồn thu nộp ngân sách nhà nước.

            Nhờ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên năm 2001 Chính phủ đã có Nghị định số 90/2001/NĐ-CP về DNVVN. Theo đó, coi DNVVN là “cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, có đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng, hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người”. Nhưng nhiều chuyên gia không đồng đình với  định nghĩa trên. Cụ thể, tiêu chí phân loại DNVVN dựa vào vốn đăng ký là chưa chuẩn xác vì vốn thực tế hoạt động tại DN là bao nhiêu, có đáp ứng được yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh hay không, thì chưa có cơ quan nào đánh giá, do đó, câu chuyện thiếu vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh luôn là vấn đề thường trực tại các DNVVN. Vì vậy, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, số lượng DNVVN giảm nhiều do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là vấn đề vốn để duy trì hoạt động và tiếp tục đầu tư phát triển. Các DNVVN quy mô lao động lớn ngày càng giảm, thậm chí còn có khá nhiều DN phá sản chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động.

Thực trạng DNVVN

          Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước nhận định, thế mạnh của DNVVN nước ta là vốn đầu tư ban đầu ít, thu hồi vốn nhanh và hiệu quả; bộ máy tổ chức, quản lý sản xuất gọn nhẹ; có khả năng thâm nhập vào những thị trường ngách và lĩnh vực sản xuất kinh doanh có lợi nhuận không cao; khả năng ứng biến linh hoạt…. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng bộc lộ những mặt hạn chế như: tồn tại và phát triển tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết về kinh tế và kỹ thuật; trình độ quản lý và năng lực tài chính yếu, thị trường nhỏ hẹp và khả năng cạnh tranh không cao. Đặc biệt, vì qui mô “vừa và nhỏ” nên các DNVVN ngoài “nỗi khổ” vì “yếu, bé, nhẹ cân” còn bị chịu ảnh hưởng cạnh tranh không lành mạnh do yếu thế về các quyền lợi tiếp cận tài nguyên quốc gia cũng như mặt bằng, lao động, công nghệ, đào tạo, thị trường... so với các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Ai cũng hiểu điều đó, nhưng thực tế, trong lĩnh vực quản lý, ít người có cách nghĩ sâu, mang tính khoa học và đồng bộ về những thế mạnh và yếu của DNVVN. Do vậy, nhiều khi nhận định, đánh giá và đưa ra những quyết sách thiếu thực tế, nên có gói kích cầu của Chính phủ như đánh đố DN và có người ví để tới được gói kích cầu đó như người già, yếu, cao huyết áp bắt leo cột mỡ.

Khó khăn do nguồn vốn

          Về phía các DN Việt Nam, dù là DN Nhà nước hay DNVVN thì vấn đề muôn thủa là thiếu vốn. Trên lý thuyết thì trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, không một DN nào là không thiếu vốn, bởi lẽ, DN nào cũng đều muốn tồn tại, phát triển và năm sau tăng hơn năm trước. Do đó, sinh ra hệ thống ngân hàng là để cho các DN vay. Tuy nhiên, các chủ DNVVN lại kêu khó vay được tiền từ ngân hàng. Nhưng họ lại quên rằng, đối với các DNVVN, con đường tìm vốn từ trước tới nay gần như duy nhất là tìm đến ngân hàng thương mại (NHTM). Vậy những khó khăn mà các DNNVV với các tổ chức tín dụng (TCTD) thường gặp khi vay và cho vay là gì?

Có phải do TCTD “cửa quyền” hay không? Thiết nghĩ, câu trả lời trước hết thuộc về các DNVVN và các chính sách vĩ mô liên quan hơn là ở phía “rườm rà thủ tục” của TCTD. Về chiến lược kinh doanh, các NHTM đều xác định DNVVN là khách hàng “truyền thống”. Nhưng buồn nỗi là chỉ truyền thống về phương diện nhóm khách hàng, loại khách hàng, chứ ít DNVVN nào trở thành khách hàng truyền thống với tư cách là pháp nhân đích thực giữ được mối quan hệ lâu dài, có uy tín với NHTM. Đơn giản là vì ngân hàng cũng là DN kinh doanh và hầu hết là tài sản bằng tiền tạm thời nhàn rỗi của người dân và tổ chức. Chính lẽ đó, phải xem xét vấn đề tiếp cận vốn của DNVVN trên cơ sở mối quan hệ lợi ích giữa DN này với DN khác trong môi trường cạnh tranh, chứ không thể theo thói quen lâu nay người vay thường coi ngân hàng như là “cơ quan nhà nước” hay “bầu sữa mẹ”, thậm chí coi NHTM như là nơi cửa quyền ban phát vốn cho DN này mà không ban phát vốn cho DN khác.

          Có người cho rằng, vấn đề vay vốn của các DNVVN sẽ dần được tháo gỡ, nếu các cấp có thẩm quyền, các nhà quản lý, các nhà khoa học và hội nghề nghiệp cùng đồng thuận tìm ra giải pháp hiệu quả. Nhưng vấn đề cốt lõi là các DNVVN biết làm ăn đứng đắn và có lợi nhuận thực sự thì ngân hàng tự tìm đến mời vay vốn.

          Nguồn nhân lực

Để đi đến thành công, DN không hẳn phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố vốn mà còn phụ thuộc chính vào tư duy và định hướng, hay nói cụ thể là trình độ của lãnh đạo.

Bên cạnh những trường hợp chủ DNVVN xuất phát từ hoàn cảnh nghèo khó, nhưng có trình độ, có động cơ phát triển doanh nghiệp và họ đã thành công, thì hiện có không ít các “ông chủ” DNVVN là con cái của những “sếp” có tiền và có quyền. Thậm chí các ông chủ đó được bố mẹ cho đi du học nước ngoài mấy năm, học không được quay về, dựa thế bố mẹ có tiền lập công ty, rồi “thằng con phá gia chi tử” nghiễm nhiên trở thành giám đốc, tổng giám đốc, chủ DNVVN. Thực tế đã diễn ra nhiều nhưng ít người đề cập đến khi nói về DNVVN, vì vậy, chỉ sau một thời gian hoạt động, DNVVN đã sập tiệm, hoặc phá sản. Lại còn không ít ông chủ là con ông cháu cha đương chức, có quyền “hô biến” tiền Nhà nước thành tiền nhà mình thông qua các DNVVN. Do nhờ có “ô to, ô bé” nên nhiều DNVVN dễ kiếm hợp đồng và trở thành đại gia. Chỉ có điều các công trình đầu tư công vốn đều đội lên nhiều lần và chất lượng chưa khánh thành bàn giao đã hỏng hoặc bàn giao xong nhưng vài năm sau vẫn chưa hoàn thiện.

 Giải pháp nào để DNNVV phát triển? 

Cơ quan quản lý cần làm gì để DNVVN phát triển?

Để loại hình doanh nghiệp này phát triển, các cơ quan quản lý cần phải thực hiện đúng chức năng và giúp DNVVN tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, bằng cách thiết kế kênh cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, đặc biệt là những thông tin có tính dự báo, định hướng chính sách của Chính phủ (đây là khâu yếu của các DNVVN hiện nay). Nâng cao chất lượng các chương trình xúc tiến thương mại thông qua các cơ quan ngoại giao, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài; phát triển hệ thống kênh bán buôn và bán lẻ trên diện rộng, để hàng hoá đến được các địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt là tạo sự đột phá trong việc cải thiện môi trường kinh doanh để DNVVN phát triển.

Tăng cường vai trò của các hiệp hội DN

Trong tiến trình hội nhập, thì các hỗ trợ từ phía Chính phủ khó thực hiện trực tiếp cho DN, nhưng biện pháp hỗ trợ gián tiếp thông qua hiệp hội lại phù hợp với các quy định của WTO. Vì thế, cần nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội, để hiệp hội không chỉ là đại diện tiếng nói của DN, giúp DN trong lĩnh vực kinh doanh, mà còn hỗ trợ DN về quan hệ lao động, tư vấn pháp lý, đào tạo và thực hiện trách nhiệm xã hội của DN. Một số hội, hiệp hội nghề nghiệp về cơ bản đã xây dựng được mô hình, tổ chức, đại diện được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và là chỗ dựa quan trọng cho cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng hiện tại, có không ít tổ chức hội, hiệp hội được thành lập nhưng vai trò chưa được phát huy, còn quá mờ nhạt, mang tính hình thức và kém hiệu quả do hạn chế về năng lực, tư duy bảo thủ.

Trên đây chỉ là một số suy nghĩ về DNVVN, rất mong được bạn đọc gần xa cùng trao đổi, với mục đích góp phần phát triển mô hình hội, hiệp hội, trong đó có cộng động các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Thu Hương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang