Thứ Bẩy, 27/04/2024 06:37:43 GMT+7

Tin đăng lúc 30-09-2017

Lượt xem: 4884

Thủy điện EVN và sứ mệnh lịch sử

Với vai trò là một trong những trụ cột an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được nhà nước giao đầu tư, quản lý, vận hành nhiều thủy điện lớn trên cả nước với mục tiêu tận dụng khai thác tiềm năng kinh tế - kỹ thuật các dòng sông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủy điện EVN và sứ mệnh lịch sử
Hồ Thủy điện Sơn La làm tốt nhiều nhiệm vụ phát điện

Cung cấp nguồn điện năng lớn

 

EVN hiện đang đầu tư, quản lý, vận hành 37 thủy điện, chủ yếu là các thủy điện vừa (từ 160MW) và lớn (2.400MW) với tổng công suất nguồn chiếm trên 16.000MW, khoảng 38% của cả hệ thống điện.

 

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, các thủy điện của EVN đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Ở miền Bắc, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Nhà máy Thủy điện Thác Bà 108MW (trên sông Chảy, nhánh phải sông Lô) đã được xây dựng và hoàn thành năm 1972, nhưng do đế quốc Mỹ ném bom bắn phá nhiều lần bị hư hỏng nặng, những kỹ sư, công nhân ngành điện vừa chiến đấu vừa sửa chữa, phục hồi và sản xuất, bảo đảm cấp điện kịp thời cho hậu phương miền Bắc. Cùng với các nhà máy điện khác, Thủy điện Thác Bà đã chiếm 70% sản lượng điện của hệ thống điện miền Bắc, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Chủ nghĩa xã hội của miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Đây cũng là cái nôi đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân thủy điện của ngành điện cho đến tận ngày nay.

 

Sau khi thống nhất đất nước, ngành điện lại tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình là đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình 1.920MW trên Sông Đà và Nhà máy Thủy điện Trị An 400MW trên sông Đồng Nai. Công trình Thủy điện Hòa Bình được coi là công trình thế kỷ xây dựng với sự giúp đỡ của Liên Xô, đã cho thấy hiệu quả mọi mặt về trị thủy và kinh tế. Không chỉ giữ vai trò là nguồn điện chủ lực của quốc gia, thủy điện còn chống lũ và cung cấp nguồn nước tưới cho vùng trung du và Đồng bằng Bắc bộ, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mỗi năm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí để phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh địa phương Tây Bắc.

 

Ở phía Nam, Thủy điện Trị An khi hoàn thành cũng đã kịp thời giải quyết tình trạng thiếu điện triền miên ở vùng kinh tế năng động của cả nước với sản lượng hàng năm khoảng 2 tỷ kWh; đóng góp cho địa phương hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, hồ thủy điện đã điều tiết cấp nước, giữ mức nước chống ngập mặn ở hạ du sông Đồng Nai, trong đó có TP. Hồ Chí Minh.

 

Từ năm 1990 đến nay, nhất là sau Đại hội VI của Đảng, ngành điện đã vươn lên làm chủ toàn diện các dự án thủy điện, từ khâu nghiên cứu, khảo sát thăm dò, tư vấn, thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, giám sát thiết kế, giám sát thi công cho đến nghiệm thu, đưa công trình vào vận hành. Giai đoạn này, phải kể đến việc thi công xây dựng song song 3 công trình thủy điện lớn ở khu vực miền Trung Tây Nguyên là: Yaly (720MW) trên sông Sê San, Thủy điện Hàm Thuận (300MW) và Đa Mi (172MW) trên sông La Ngà. Tiếp đến là các công trình Thủy điện: Sông Tranh, A Vương, sông Bung. Từ năm 2000 đến nay, các công trình Thủy điện Sơn La, Lai Châu đã được thực hiện; đặc biệt là hai công trình lớn đều do người Việt Nam tự thiết kế, thi công và đã vượt tiến độ xây dựng từ 1 - 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

 

Góp phần phát triển kinh tế - xã hội

 

Ông Phạm Hồng Phương - Giám đốc Ban A Sơn La - cho biết: Nếu như phần lớn kỹ thuật, thi công Thủy điện Hòa Bình phụ thuộc vào sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài thì đến công trình Thủy điện Sơn La - Lai Châu, số lượng chuyên gia chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Nhờ sự phát triển của các công trình thủy điện, sản lượng điện từ thủy điện chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng cơ cấu nguồn điện, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế nhiều năm qua. Năm 2014, sản lượng thủy điện đạt trên 62,5 tỷ kWh, chiếm 44,4%. Trong tổng sản lượng thủy điện, sản lượng điện của hệ thống sông Đà chiếm 27,8%, sông Đồng Nai chiếm 15,9%, sông Sê San chiếm 14,1%. Năm 2016, sản lượng điện sản xuất từ thủy điện của EVN chiếm khoảng trên 30% của toàn hệ thống.

 

Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố có thủy điện đều đánh giá rất cao những đóng góp mà các công trình thủy điện của EVN mang lại. Ở các tỉnh thuộc Tây Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, sản xuất điện từ thủy điện (phần lớn của EVN) đã đóng góp trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh và mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đơn cử như Thủy điện Hòa Bình đã nộp ngân sách đạt 900 - 1.200 tỷ đồng/năm, xấp xỉ 50% tổng thu ngân sách của tỉnh Hòa Bình. Thủy điện Sơn La, Huội Quảng đóng góp cho ngân sách địa phương trên 1.000 tỷ đồng, chiếm 1/3 ngân sách của tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2016, Thủy điện Lai Châu đã đóng góp 474,352 tỷ đồng, nộp quỹ dịch vụ môi trường rừng 184,75 tỷ đồng. Tương tự, các thủy điện của EVN ở khu vực miền Trung cũng đóng góp hàng trăm tỷ đồng đến gần 1.000 tỷ cho ngân sách địa phương.

 

Bên cạnh đó, thủy điện đã làm tốt công tác vận hành liên hồ chứa, góp phần cắt, giảm lũ cho vùng hạ du mùa mưa bão; cung cấp nước tưới, sinh hoạt cho người dân vùng hạ lưu. Chỉ riêng 3 hồ Thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã cấp hàng tỷ m3 nước phục vụ tưới cho hơn 600.000ha đất nông nghiệp của đồng bằng Bắc bộ và Trung du miền núi phía Bắc. Các hồ thủy điện của EVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên như: Đa Nhim, Ialy, sông Tranh, sông Bung, Đồng Nai... cũng điều tiết hàng tỷ m3 nước cho sản xuất lúa, hoa màu, cây công nghiệp cà phê, cacao..., gần đây là chống hạn, đẩy mặn cho khu vực hạ lưu. 

 

Những công trình thủy điện của EVN đã làm tốt sứ mệnh: Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; chống lũ, chống hạn mặn và tưới tiêu nông nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời, đóng góp nguồn ngân sách lớn cho nhà nước; giúp thay đổi bộ mặt hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

 

Nguồn Báo Công Thương

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang