Thứ Sáu, 26/04/2024 08:31:53 GMT+7

Tin đăng lúc 13-09-2022

Lượt xem: 630

Tiền Giang tạo điều kiện thuận lợi cho 59 dự án mời gọi nhà đầu tư

Tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, phấn đấu hoàn thành Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh Tiền Giang đang mời gọi đầu tư hàng chục dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Tiền Giang tạo điều kiện thuận lợi cho 59 dự án mời gọi nhà đầu tư
Các dự án ven sông Soài Rạp, huyện Gò Công Đông đang ưu tiên mời gọi đầu tư.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, có 59 dự án vừa công bố danh mục mời gọi đầu tư, với tổng vốn đầu tư 22.389 tỷ đồng trên các lĩnh vực như: đầu tư phát triển đô thị, khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể dục thể thao... UBND tỉnh cũng đã trao 16 chủ trương nghiên cứu, chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư, với tổng nguồn vốn hơn 19.400 tỷ đồng.

 

Từ khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Tiền Giang có bước tăng trưởng khá. Trong 8 tháng qua, sản xuất công nghiệp tăng hơn 10%, xuất khẩu tăng trên 28%, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng hơn 24%, lượng khách du lịch tăng 78%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 70%, vốn đầu tư đăng ký mới gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái…

 

Để thu hút đầu tư, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ các dự án, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước… đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, xây dựng quy trình liên thông đối với thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện. Xây dựng nhiều kênh thông tin để kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; giải quyết nhanh gọn thủ tục đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

 

Tỉnh Tiền Giang thuộc vùng ĐBSCL có quy mô dân số gần 1,8 triệu người, trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi hơn 1 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 51% là nguồn nhân lực cần thiết cho các doanh nghiệp. Tiền Giang có trên 6.500 doanh nghiệp, mỗi năm thành lập mới thêm 600 - 700 doanh nghiệp.

 

Toàn tỉnh có 3 Khu công nghiệp: Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang đi vào hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy 92% và đã quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển 4 KCN (Bình Đông, Tân phước 1, Tân Phước 2, Soài Rạp) và các cụm công nghiệp. Địa bàn có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với Tp. HCM và miền Tây gồm: đường quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM- Trung Lương, Trung Lương-Mỹ Thuận, quốc lộ 30, 50, 60, kênh Chợ Gạo, cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận và đang xây thêm 2 cây cầu tương tự bắc qua sông Tiền, xây trục đường ven biển… rất thuận lợi trong vấn đề giao thông, vận chuyển hàng hóa trong khu vực.

 

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng tại Khu công nghiệp Mỹ Tho cho biết, việc đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại Tiền Giang rất hiệu quả. Đặc biệt khi xảy ra dịch bệnh, chính quyền, đoàn thể, các ngành chức năng rất quan tâm, hỗ trợ nên việc sản xuất kinh doanh đã phục hồi.

 

"Sau thời gian dịch tạm thời lắng dịu, nhà nước kiểm soát được  doanh nghiệp đang trên đà phục hồi rất tốt. Từ quý 4 năm 2021 đến nay, doanh nghiệp chúng tôi đạt được những thành tựu đáng kể, kim ngạch xuất khẩu gần tương đương  bằng cả năm 2021. Trong quá trình dịch bệnh xảy ra chúng tôi được sự hỗ trợ của bảo hiểm XH, Công đoàn, chế độ hỗ trợ nhà trọ cho công nhân cũng rất tốt” - ông Nguyễn Văn Đạo nói./.

 

Theo VOV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang