Chủ Nhật, 05/05/2024 12:34:21 GMT+7

Tin đăng lúc 30-04-2021

Lượt xem: 1257

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường

Vấn đề này đã được nhấn mạnh tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước diễn ra ngày 29/4/2021 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường

Báo cáo của thường trực Tổ điều hành thị trường trong nước tại buổi họp cho biết, thị trường hàng hóa tháng 4/2021 không có biến động bất thường. Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, tuy nhiên do ảnh hưởng của giá thế giới hoặc việc tăng thuế nhập khẩu với một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào trong giai đoạn đầu năm đã ảnh hưởng đến giá một số mặt hàng thành phẩm như nông sản, sữa, thực phẩm chế biến.

 

Đặc biệt, giá các mặt hàng nhiên liệu năng lượng như xăng dầu tiếp tục được điều hành theo hướng bám sát diễn biến của giá thế giới nhưng hạn chế biên độ biến động để bình ổn thị trường trong nước.

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 4/2021 đạt 409.419 tỷ đồng tăng 2,3% so với tháng trước. Ước mức 4 tháng đầu năm đạt 1.695,627 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2020.


“Trong các nhóm dịch vụ, du lịch mặc dù bắt đầu tăng trong thời gian gần đây nhưng cộng dồn 4 tháng vẫn giảm khá mạnh với mức 49,2%; nhóm dịch vụ lưu trú và dịch vụ khác bắt đầu có mức phục hồi tốt với mức tăng đều trên 10%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 4 tháng đầu năm tăng 9,03%, là mức tăng khá tốt trong bối cảnh hoạt động kinh tế còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19”- báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước nhấn mạnh.

 

Về tình hình xuất nhập khẩu trong tháng 4/2021, đáng chú ý kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 4 đạt 25 tỷ USD, giảm 15,7% so với tháng trước trong khi kim ngạch nhập khẩu tháng 4/2021 là 25,9 tỷ USD, giảm 9% so với tháng trước. Con số cập nhật của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra tại cuộc họp là tháng 4 xuất khẩu đạt 25,5 tỷ USD giảm 14% so với tháng trước trong khi nhập khẩu đạt 27 tỷ USD giảm 5,1%.

 

Lý giải về vấn đề này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, trong tháng 4/2021, số ngày làm việc trên thực tế là 20 ngày so với số ngày làm việc thực tế của tháng 3/2021 là 23 ngày. Việc nhập siêu trong tháng 4/2021 là đáng quan tâm cần tiếp tục được theo dõi song xuất khẩu vẫn có nhiều điều kiện tăng trưởng do các FTA bắt đầu phát huy tác dụng trong khi giá cả hàng hóa thế giới, cầu hàng hóa tăng.

 

Cũng theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, nhập khẩu trong tháng 4 tăng là do tăng mức nhập các mặt hàng, thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

 

Nếu ước cả 4 tháng đầu năm, theo số liệu cập nhật của Cục Xuất nhập khẩu tại cuộc họp, xuất khẩu đạt kim ngạch 103,9 tỷ USD tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020 trong khi nhập khẩu đạt 102,6 tỷ USD tăng 30,8%, xuất siêu vẫn đạt gần 1,3 tỷ USD.

 

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường thời gian thời gian quan vẫn được tiến hành quyết liệt góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Tính riêng tháng 4/2021, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý 7.696 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 9,2 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 1/1/2021 đến 28/4/2021, đã phát hiện, xử lý 43.896 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 62,3 tỷ đồng.

 

Dự báo về tình hình thị trường thời gian tới cho thấy, thị trường hàng hóa thế giới đang có xu hướng phục hồi, tuy nhiên chậm và chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số khu vực. Do ảnh hưởng của giá thế giới, một số loại hàng hàng trong nước sẽ tiếp tục có biến động.

 

“Với sự chủ động và công tác điều hành luôn được bám sát, cung cầu hàng hóa, nhất là các loại hàng hóa thiết yếu sẽ luôn được bảo đảm, các biến động về giá sẽ được hạn chế hơn mức biến động của giá thế giới thông qua việc sử dụng các công cụ điều tiết giá cả, thị trường”- đại diện Tổ điều hành thị trường trong nước khẳng định.

 

Nhằm tiếp tục ổn định thị trường hàng hóa và dịch vụ trọng nước, Tổ điều hành thị trường trong nước kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2021, số 05/CT-TTg ngày 28/1/2021, số 06/CT-TTg ngày 19/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 26/4/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

 

Đặc biệt cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các loại hàng hóa do Nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận với công tác điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang