Thứ Sáu, 03/05/2024 09:01:23 GMT+7

Tin đăng lúc 26-09-2017

Lượt xem: 4029

TKV tích cực xử lý môi trường từ nước thải các mỏ than

Ngành than đang tập trung mọi nỗ lực để đảm bảo xử lý triệt để nguồn nước thải mỏ nhằm không làm ảnh hưởng đến môi trường và đáp ứng nhu cầu tái sử dụng của các đơn vị ngành than. Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp công nghệ, mẫu nước sau xử lý còn được kiểm định thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp của Bộ Tài nguyên- Môi trường.
TKV tích cực xử lý môi trường từ nước thải các mỏ than
Xí nghiệp Xử lý nước Cẩm Phả đang tập trung nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ xử lý triệt để nguồn nước thải mỏ của Công ty than Thống Nhất tại trạm xử lý nước thải mỏ +25 Núi Nhện.

Đổi mới công nghệ xử lý môi trường

 

Đặt tại địa bàn TP Cẩm Phả, trạm xử lý nước thải mỏ +25 Núi Nhện là một trong những công trình trọng điểm về môi trường của ngành than được Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV đưa vào sử dụng trong tháng 4.2015.

 

Trạm được vận hành với công suất thiết kế 1.200 m3/giờ, bao gồm các hạng mục chính như: Bể điều hòa, bể trung hòa, keo tụ, bể lắng nghiêng và bể xử lý mangan. Trạm xử lý nước thải này thu gom toàn bộ nguồn nước thải từ lò giếng chính của Công ty than Thống Nhất, xử lý bằng hóa chất rồi thông qua các hệ thống lắng, lọc để làm trong nước và loại bỏ các kim loại nặng trước khi xả ra môi trường.

 

Không giống với nước thải ở những khu vực khác, nước thải hầm lò của Công ty than Thống Nhất có hàm lượng sắt cao gấp 26 lần quy chuẩn cho phép khiến việc xử lý gặp không ít khó khăn. Do đó, Xí nghiệp xử lý nước Cẩm Phả trực thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV - đơn vị trực tiếp quản lý trạm xử lý nước thải mỏ +25 Núi Nhện đang tập trung nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ xử lý triệt để toàn bộ nguồn nước thải mỏ của Công ty than Thống Nhất.

 

Ông Trần Thanh Phương, PGĐ Xí nghiệp xử lý nước Cẩm Phả cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị xây thêm một số bể chứa, tăng cường ngăn lắng, hố lắng nước thải mỏ trước khi đưa vào xử lý, tập trung cải tiến quy trình công nghệ để nâng cao chất lượng xử lý nước thải, nhất là với những mỏ mà nước thải có hàm lượng kim loại nặng cao”.

 

Tăng cường giám sát chất lượng nước

 

Để đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý, bên cạnh hoàn thiện công nghệ, việc thường xuyên quan trắc kiểm định mẫu nước là việc làm cần thiết. Do đó, hàng ngày, tại mỗi trạm xử lý nước thải, công nhân vận hành tiến hành kiểm tra thường xuyên bằng máy đo pH và bằng cảm quan về chất lượng nước thải sau xử lý.

 

Bên cạnh đó, các đơn vị ngành than còn phối hợp với các xí nghiệp xử lý nước ký hợp đồng với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường Quảng Ninh trong việc kiểm định mẫu nước định kỳ. Hàng tháng, các đơn vị sẽ lấy 2 mẫu nước thải đã qua xử lý, một mẫu dùng phân tích tại chỗ để kiểm soát các thông số trước khi xả ra môi trường, mẫu khác gửi lên phân tích tại Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường. Hàng quý, Trung tâm này sẽ chủ động lấy mẫu tại các trạm xử lý nước thải mỏ (gồm cả mẫu nước trước, sau xử lý và mẫu bùn trước khi vận chuyển đổ thải) để giám sát chất lượng nước thải sau xử lý.

 

Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh - ông Nguyễn Quốc Anh - cho biết: Hiện chúng tôi đang hợp đồng quan trắc mẫu nước cho khoảng 10 đơn vị ngành than. Mẫu nước thải sẽ được cán bộ của Trung tâm lấy trực tiếp tại các trạm xử lý nước thải của các đơn vị, thực hiện thao tác đo nhanh một vài thông số quan trọng để đánh giá mức độ ô nhiễm của nguồn nước. Sau đó, mẫu nước được đưa về trung tâm và tiến hành kiểm định trên các máy móc, thiết bị chuyên dụng hiện đại. Theo quy định, nước thải phải đạt tiêu chuẩn loại B theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp của Bộ Tài nguyên -Môi trường mới đạt yêu cầu xả thải. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành thanh, kiểm tra mẫu nước theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh Quảng Ninh.

 

Công tác môi trường thời gian gần đây được ngành than đặc biệt coi trọng, nhất là việc xử lý nước thải mỏ đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên theo đánh giá chung, thời gian tới, để đảm bảo môi trường sinh thái bền vững, TKV cần sớm có phương án xây dựng các hồ lắng tại các suối, giảm thiểu bồi lắng xuống cuối nguồn, đảm bảo môi trường khu vực hạ lưu; nâng mức độ xử lý chất lượng nước thải tại các trạm để xử lý thành nước sinh hoạt, thân thiện với môi trường và tránh lãng phí.

 

Nguồn Laodong.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang