Thứ Bẩy, 27/04/2024 01:39:16 GMT+7

Tin đăng lúc 04-03-2018

Lượt xem: 3069

Tổ công tác Thủ tướng công bố kết quả kiểm tra 16 bộ ngành

Tổ công tác của Thủ tướng vừa công bố kết quả việc cắt giảm thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Theo Tổ công tác, các bộ ngành chưa quyết liệt triển khai thực hiện nên... chưa đạt được kết quả theo yêu cầu.
Tổ công tác Thủ tướng công bố kết quả kiểm tra 16 bộ ngành
Tổ công tác của Thủ tướng tiến hành kiểm tra 16 Bộ, cơ quan. - Ảnh: VGP

Trong tháng 2, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành kiểm tra 16 Bộ, cơ quan trong việc cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục KTCN và cắt giảm điều kiện kinh doanh.

 

Còn nhiều điều kiện kinh doanh vô lý, cản trở sự gia nhập thị trường

 

Kết quả kiểm tra cho thấy thời gian qua, công tác kiểm tra chuyên ngành đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Tuy nhiên, việc cắt giảm thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành chưa được các Bộ quyết liệt triển khai thực hiện. Do đó, chưa đạt được kết quả theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Các Bộ chưa đề xuất cụ thể cách thức quản lý đối với các danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đang bị chồng chéo, chịu nhiều hình thức kiểm tra của nhiều Bộ hoặc của nhiều cơ quan, đơn vị thuộc một Bộ.

 

Từ ngày 01/01/2017 đến 28/02/2018, có tổng số 25.385 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 13.311 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 11.148, quá hạn: 2.163); 12.074 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn: 11.765, quá hạn: 309 - chiếm 2,26%)

 

Tình trạng độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá sự phù hợp chưa được khắc phục triệt để. Chi phí của thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp...

 

Theo đánh giá, chỉ có Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ đạt yêu cầu trong việc cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Một số Bộ như Bộ Y tế cần phải cắt giảm 407 mặt hàng, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn 125 nhóm sản phẩm, Bộ Giao thông- Vận tải 64 mặt hàng…; Các bộ như Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hòa-Thể thao du lịch chưa đề xuất tiến độ cải cách.

 

Còn kết quả kiểm tra về điều kiện kinh doanh cho thấy hiện nay có 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh với 3.571 yêu cầu, điều kiện. Tính trung bình, có khoảng hơn 14 yêu cầu, điều kiện áp dụng với mỗi ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác nhau. Các điều kiện kinh doanh được quy định tại 237 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 66 luật, 3 pháp lệnh, 162 nghị định.

 

Còn kết quả kiểm tra về điều kiện kinh doanh cho thấy hiện nay có 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh với 3.571 yêu cầu, điều kiện. Tính trung bình, có khoảng hơn 14 yêu cầu, điều kiện áp dụng với mỗi ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác nhau. Các điều kiện kinh doanh được quy định tại 237 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 66 luật, 3 pháp lệnh, 162 nghị định.

 

Một số điều kiện đầu tư kinh doanh đặt ra yêu cầu quá mức cần thiết để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, tạo ra rào cản gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh; nhiều quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể, khó xác định; can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây tác động bất lợi đến doanh nghiệp vừa và nhỏ…

 

Về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, chỉ có Bộ Công Thương đạt yêu cầu với 675/1.215 điều kiện. Theo các chuyên gia, số lượng này vẫn còn rất nhiều và cần tiếp tục cắt giảm. Bộ Xây dựng đề xuất giảm 89 điều kiện và đơn giản hóa 94/280 điều kiện, được đánh giá là có nỗ lực lớn.

 

Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng chưa có phương án cắt giảm; Bộ Thông tin-Truyền thông đề xuất cắt giảm 51/250 nhưng chưa có phương án cụ thể; Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đề xuất cắt giảm 118/345 điều kiện…

 

Không để tình trạng “cắt cái này, mọc cái kia”

 

Trên cơ sở kết quả làm việc với Bộ, cơ quan, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi những quy định chồng chéo, không đồng bộ, không hợp lý về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện theo hướng xây dựng 1 Nghị định sửa nhiều Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trong quý II năm 2018.

 

Xây dựng lộ trình, phương án cắt giảm cụ thể và phải bảo đảm nguyên tắc việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, không cắt giảm, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo kiểu cơ học thuần túy, gộp nhiều điều kiện vào 1 điều kiện; tuyệt đối không cắt giảm, bãi bỏ cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi.

 

Khẩn trương xây dựng phương án cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, bất hợp lý, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động đến sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Từ ngày 15/3, Tổ công tác tiến hành kiểm tra việc cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tại các Bộ, cơ quan, địa phương.

 

Khẩn trương ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS (còn 42 danh mục hàng hóa chưa ban hành) thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành.  Hoàn thành việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu ở khâu thông quan để thuận lợi trong việc áp dụng quản lý rủi ro (còn khoảng 34% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật).

 

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẩn trương xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó nghiên cứu cắt giảm 30 - 50% điều kiện kinh doanh không cần thiết quản lý tại Phụ lục 01 Luật Đầu tư.

 

Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì làm việc với các Bộ quản lý chuyên ngành để đề xuất cụ thể cách thức quản lý, kiểm tra đối với danh mục hàng hóa đang chồng chéo, chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra của nhiều Bộ hoặc của nhiều cơ quan, đơn vị thuộc một Bộ theo hướng một mặt hàng chỉ điều chỉnh bởi một văn bản và Bộ, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra.

 

Nguồn Enternews


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang