Thứ Sáu, 26/04/2024 07:08:08 GMT+7

Tin đăng lúc 13-09-2015

Lượt xem: 3456

Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ ngày 07/09 đến ngày 13/09/2015

Trong tuần qua đã diễn ra nhiều hoạt động quan trọng, đáng chú ý của ngành Công Thương như: Thứ trưởng Trần Tuấn Anh tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Quảng Ninh; Khai mạc Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc; Hội nghị sơ kết Chương trình 30a, EVN hỗ trợ 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ - tỉnh Lai Châu giai đoạn 2009 -2015, v.v...
Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ ngày 07/09 đến ngày 13/09/2015

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Quảng Ninh

 

Chiều ngày 7/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về tình hình khắc phục mưa lũ, công tác cải cách hành chính, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham gia đoàn công tác. 

 

 

Báo cáo Phó Thủ tướng và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, cơn mưa lũ lịch sử diễn ra trong thời gian từ ngày 25/7 - 5/8 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh, nhưng do công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và sát thực tiễn; tinh thần chủ động triển khai tổ chức thực hiện của các đơn vị, địa phương; đồng thời đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng sự quan tâm của các tổ chức và nhân dân trong và ngoài nước nên đã sớm ổn định được đời sống nhân dân, các doanh nghiệp dần ổn định sản xuất.

 

Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam chia sẻ thêm, toàn Tập đoàn đã cơ bản hoạt động sản xuất trở lại. Tuy nhiên, khắc phục khó khăn còn nhiều nan giải, như bơm nước tại các mỏ than ước mất 4-5 tháng… Ngành than chịu thiệt hại nặng nề, toàn bộ các khai trường trong các mỏ lộ thiên đều bị ngập lụt, các đường công vụ, khai trường bị sạt lở nhiều tuyến, nhiều khu vực, nhiều máy móc, thiết bị ngập nước hư hỏng nặng; một số mỏ hầm lò bị ngập, tê liệt hoàn toàn sản xuất, trong đó thiệt hại lớn nhất là mỏ Mông Dương, Quang Hanh. Ở các mỏ: Cọc Sáu, Hà Tu, Hòn Gai, các tuyến vận tải than đều bị hư hỏng, lượng than lớn tại các kho, bãi tập kết than bị cuốn trôi; 40% - 80% công nhân của các đơn vị phải nghỉ làm việc. Ước tổng thiệt hại trên địa bàn Quảng Ninh khoảng trên 2.700 tỷ đồng (trong đó ngành Than khoảng trên 1.200 tỷ đồng).

 

Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của ngành than, nhanh chóng khắc phục hậu quả, đảm bảo than cho các nhà máy nhiệt điện. Thực tế, sau lũ, sản lượng than đã đảm bảo được nhu cầu của hoạt động sản xuất. Điều quan trọng là bảo vệ môi trường hậu lũ, trang thiết bị cho hoạt động sản xuất được đảm bảo. Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Công Thương nhất trí quan điểm của tỉnh Quảng Ninh trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong quá trình sản xuất kinh doanh của ngành than. Vừa qua, Bộ đã báo cáo Chính phủ trong việc điều chỉnh các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động của các ngành khi xảy ra các biến cố do thiên tai gây ra.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Ít có địa phương nào làm tốt như Quảng Ninh, dù thiệt hại lớn nhưng không thay đổi chỉ tiêu, kế hoạch năm 2015 - đó là kết quả của tinh thần đoàn kết cao trong lãnh đạo địa phương. Có thể nói, đợt khắc phục mưa lũ vừa qua đã làm sống dậy niềm tin của người dân vào các cấp lãnh đạo. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã đi đầu trong nhiều hoạt động: Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi tại địa phương. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung cao độ cho đề án di dân, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn – Móng Cái, v.v… Gắn liền với đó là đổi mới mô hình tăng trưởng; bởi lẽ, “Trước cơn lốc hội nhập quốc tế, chúng ta cần chủ động” - Phó Thủ tướng lưu ý.

 

Tiếp tục đẩy mạnh CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

 

Ngày 8/9/2015, tại Hà Nội, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương (ĐUK DNTƯ) tổ chức Hội nghị tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và chủ trương các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối cam kết ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau. Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đến dự và chỉ đạo các đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã ký kết hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau giai đoạn 2015-2020.

 

 

Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao kết quả thực hiện Cuộc vận động của Đảng ủy Khối trong thời gian qua. Thực hiện Thông báo Kết luận 264 -TB/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ (ĐUK DNTƯ) đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc và sáng tạo bằng việc ban hành 20 văn bản chỉ đạo thực hiện cuộc vận động trong đó có chủ trương các doanh nghiệp trong Đảng ủy Khối ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, bước đầu đã có hiệu quả thiết thực. Điều này thể hiện sự quan tâm kịp thời sâu sát của Đảng ủy Khối với cuộc vận động rất có ý nghĩa với nền kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội và cuộc sống của nhân dân.

 

Để tiếp tục thực hiện cuộc vận động đạt hiệu quả Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định các doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh chất lượng hàng hóa tạo ra sản phẩm mới. Cùng với đó doanh nghiệp phải quan tâm đổi mới công nghệ, phải đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo đời sống người lao động; hoàn thiện hệ thống tiêu thụ sản phẩm; giải quyết những vấn về thông tin tiếp thị trao đổi thông tin để người mua và người bán gặp nhau, v.v…

 

Tại Hội nghị, các đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã ký kết hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau giai đoạn 2015-2020.

 

Kết nối giao thương ngành công nghiệp hỗ trợ

 

Hơn hàng trăm thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực công nghiệp của thế giới đang quy tụ tại Hà Nội trong ba triển lãm về công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lớn nhất Việt Nam năm 2015, diễn ra từ ngày 10-12/9/2015.  

 

Đó là Triển lãm Sản phẩm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2015 (ICS Vietnam 2015) do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch TP Hà Nội tổ chức; Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 6 tại Hà Nội (SIE 2015) do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức và Triển lãm quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (Vietnam Manufacturing Expo 2015) do Công ty TNHH Reed Tradex của Thái Lan tổ chức.

 

 

Sản phẩm trưng bày tại 3 triển lãm rất phong phú gồm: các sản phẩm cơ kim khí; phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy; điện - điện tử, viễn thông; nhựa, cao su; máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ cho sản xuất ngành công nghiệp và CNHT. Ngay ngày đầu tiên triển lãm đã thu hút đông đảo khách hàng đến tham quan; tại các gian hàng các DN cũng đã nhộn nhịp giới thiệu nhiều sản phẩm mới, công nghệ mới tới khách hàng, đối tác; và nhiều hoạt động giao thương cũng diễn ra khá sôi động.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, những năm gần đây ngành CNHT Việt Nam đang cố gắng khắc phục những yếu kém và được sự hỗ trợ cũng như hợp tác của các nước bạn, đặc biệt là Nhật Bản để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường nội địa và nhu cầu đầu tư FDI từ các nước. Do đó, đánh giá về triển lãm, Thứ trưởng tin rằng đây sẽ là cầu nối hiệu quả giúp cho các DN Việt Nam và các DN quốc tế hoạt động trong ngành CNHT có cơ hội gặp gỡ, giao dịch, hợp tác kinh doanh và đầu tư lâu dài.

 

Khai mạc Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc

 

Thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia năm 2015, ngày 10/9/2015, tại Nam Định đã diễn ra Lễ khai mạc Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc năm 2015 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã tham dự và cắt băng khai mạc hội chợ.  

 

 

Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc - Nam Định năm 2015 có quy mô trên 300 gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu các dự án, chính sách kêu gọi thu hút đầu tư, các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, thời trang, các sản phẩm làng nghề, hàng gia dụng, vật tư và thiết bị phục vụ sản xuất công - nông - lâm nghiệp, xây dựng, trang trí nội, ngoại thất, văn phòng; các dịch vụ du lịch, y tế, viễn thông…

 

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã đánh giá cao công tác tổ chức của tỉnh Nam Định. Thứ trưởng nhấn mạnh, hội chợ sẽ là cầu nối hiệu quả cho các doanh nghiệp trong khu vực 28 tỉnh phía Bắc gặp gỡ giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Cùng với đó sẽ giúp quảng bá, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các địa phương, mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, làng nghề…

 

Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc năm 2015 sẽ kéo dài từ 10- 15/9.

 

Chương trình hỗ trợ của EVN đã giúp tỉnh Lai Châu giảm nghèo nhanh, bền vững

 

Ngày 12/9/2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức “Hội nghị sơ kết Chương trình 30a, EVN hỗ trợ 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ - tỉnh Lai Châu giai đoạn 2009 -2015” nhằm đánh giá kết quả đạt được, rút kinh nghiệm để tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Lai Châu trong chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020.

 

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, giai đoạn 2009-2015, EVN đã đầu tư 575 tỷ đồng hỗ trợ 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ xây dựng mạng lưới điện cho các xã, thôn, bản và hộ dân chưa có điện; xóa nhà tạm; xây dựng “Nhà bán trú dân nuôi”; xây dựng trường học; đào tạo và bố trí việc làm; đào tạo khuyến nông khuyến lâm, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp, v.v…

 

 

Sau hơn 6 năm thực hiện, Chương trình hỗ trợ của EVN đã góp phần to lớn vào thành công chung của công tác giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu; đưa Lai Châu từ tỉnh có tỷ lệ số hộ có điện thấp nhất cả nước vào năm 2009 (chỉ có 37% xã và 29,4% hộ dân có điện) đến nay đã đạt 100% xã và 84,8% hộ dân có điện, vượt trước 6 tháng so với mục tiêu Nghị quyết của tỉnh đề ra. Riêng 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ do EVN hỗ trợ, đạt tỷ lệ 92,5% hộ dân có điện, vượt mục tiêu so với cam kết hỗ trợ 100% xã có điện và trên 90% hộ dân có điện vào năm 2015. Đặc biệt, chương trình phát triển mở rộng lưới điện nông thôn, cấp điện đến từng hộ dân đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần to lớn trong việc cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa của các huyện. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, dịch vụ tương đối rõ nét, thu nhập đầu người tăng bình quân khoảng 1,7 triệu đồng/người/năm). Giai đoạn 2009 - 2014, toàn tỉnh Lai Châu đã có 32.948 hộ thoát nghèo; trong đó, 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ có 16.098 hộ thoát nghèo (chiếm gần 50% số hộ thoát nghèo của toàn tỉnh).

 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhiệt liệt biểu dương tấm lòng của hơn 10,6 vạn CBCNV ngành Điện, đặc biệt là sự đóng góp, những nỗ lực của lãnh đạo EVN, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện Lực Lai Châu trong thành công của chương trình 30a. Đồng thời, đề nghị EVN tiếp tục hỗ trợ tích cực, nhiều mặt hơn nữa cho tỉnh Lai Châu, xem đây là một quyết tâm chính trị của toàn EVN.

 

Tại Hội nghị lãnh đạo Đảng, Chính Phủ, EVN và tỉnh Lai Châu cũng đã trao tặng: 51 xe đạp phát điện, trị giá hơn 500 triệu đồng hỗ trợ các hộ dân vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện cấp điện bằng điện lưới quốc gia; 01 tỷ đồng hỗ trợ chương trình xoá đói giảm nghèo của tỉnh; 100 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, 30 bộ trang thiết bị y tế cho 30 trạm y tế xã trên địa bàn 3 huyện.

 

Dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành tại Hội nghị, đại diện EVN và UBND tỉnh Lai Châu, UBND các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ cũng đã ký kết Thỏa thuận hỗ trợ chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho giai đoạn 2016- 2020.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang