Thứ Hai, 29/04/2024 20:23:57 GMT+7

Tin đăng lúc 29-08-2023

Lượt xem: 1266

Tổng kết dự án “Hợp tác phát triển nhà máy thông minh” đợt I/2023

Nhằm tổng kết và đánh giá hiệu quả thực hiện, vừa qua, Samsung Việt Nam phối hợp Bộ Công Thương và các địa phương tổng kết dự án “Hợp tác phát triển nhà máy thông minh” đợt I/2023 tại 12 doanh nghiệp phía Bắc tham gia dự án.
Tổng kết dự án “Hợp tác phát triển nhà máy thông minh” đợt I/2023
Các lãnh đạo thuộc Bộ Công Thương, các tỉnh và Samsung đánh giá thực tế kết quả dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh tại doanh nghiệp

 

Tham gia lễ tổng kết, về phía Bộ Công Thương có các ông: Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương; Cao Văn Bình – Giám Đốc Trung tâm Hỗ trợ Công nghiệp – Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương; Trần Ngọc Thực – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh.

 

Về phía Samsung có có các ông: Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam; Kim Tea Hoon – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm Mua hàng Samsung Việt Nam; Kim Yong Sup – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Đối ngoại Samsung Việt Nam; các chuyên gia tư vấn từ Samsung Hàn Quốc cùng đại diện các doanh nghiệp tham gia dự án.

 

Đợt 1/2023, các doanh nghiệp tham gia dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh gồm:

 

Tại Bắc Ninh có 5 doanh nghiệp: Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long; Công ty CP In Hồng Hà; Công ty CP AMA Bắc Ninh; Công ty TNHH Quốc tế VINASACO; Công Ty CP Tiến Thành.

 

Tại Hưng Yên có 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Điện tử Việt Nhật, Công ty TNHH Dụng cụ An Mi; Công ty CP Đức Hiếu.

 

Tại Hà Nội có 2 doanh nghiệp: Công ty CP Đúc áp lực Idcast Việt Nam; Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A.

 

Tại Vĩnh Phúc có 1 doanh nghiệp: Công ty CP Kỹ Thuật Bao Bì Cửu Long

 

Tại Hà Nam có 1 doanh nghiệp: Công ty TNHH Quang Quân

 

Trong gần 3 tháng (từ 7/6 đến 23/8/2023), các doanh nghiệp được các chuyên gia tư vấn Việt Nam và Samsung Hàn Quốc trực tiếp tham gia khảo sát, đánh giá, tư vấn tại hiện trường, qua đó, dự án đã gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng, các doanh nghiệp đã ghi nhận những cải tiến đáng kể trong hoạt động.

 

Trong đó, nổi bật là tại Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long; Công ty CP Tiến Thành và Công ty TNHH Điện tử Việt Nhật đã ghi nhận những cải tiến vượt bậc trong việc tối ưu hóa hệ thống thông qua các hoạt động như: Xây dựng môi trường thu thập/chia sẻ thời gian thực sản lượng, kết quả kiểm tra chất lượng công đoạn; Quản lý trạng thái máy và thông số chính của thiết bị; Quản lý nhập/xuất và tồn kho thành phẩm theo thời gian thực thông qua ứng dụng mã vạch; Thay đổi cấu trúc dây chuyền, đảm bảo kết nối, minh bạch dữ liệu cân bằng dây chuyền; Dự báo từ sớm bất thường phát sinh tại hiện trường.

 

Với 5 doanh nghiệp: Công ty cổ phần AMA Bắc Ninh, Công ty TNHH quốc tế Vinasaco, Công ty CP kỹ thuật bao bì Cửu Long, Công ty CP Đức Hiếu, Công ty TNHH Quang Quân, sau quá trình tư vấn, đã triển khai và xây dựng hiệu quả nền tảng cơ bản trong thu thập dữ liệu theo thời gian thực, thông qua các hoạt động: Áp dụng quét mã vạch để quản lý kết quả sản xuất và hiện trạng xuất, nhập kho; lắp cảm biến tại các máy sản xuất để thu thập dữ liệu sản xuất theo thời gian thực; lắp màn hình quan sát tại các vị trí cần thiết để cập nhật bảng dữ liệu thời gian thực (lỗi thiết bị, lỗi sản phẩm, hàng tồn kho, hiện trạng sản xuất….); bước đầu xây dựng hệ thống quản lý khuôn và phân tích dữ liệu định kỳ.

 

4 doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH Dụng Cụ An Mi, Công ty CP Đúc Áp Lực Idcast Việt Nam, Công ty CP Tập Đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, Công ty CP in Hồng Hà được hỗ trợ tư vấn tạo nền tảng ứng dụng phần mềm, giúp các doanh nghiệp này chuẩn hoá quy trình thao tác phần mềm; Cải tiến phương pháp ghi nhận dữ liệu từ thủ công sang sử dụng Google sheet để chia sẻ rộng rãi; Giảm thời gian thao tác công đoạn; Sàng lọc, sắp xếp, tối ưu hoá, tạo dựng môi trường sản xuất an toàn.

 

Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp đã có những cải tiến đáng kể trong hoạt động

 

Phát biểu tại Lễ tổng kết, ông Phạm Tuấn Anh –  Phó Cục Trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự cầu tiến của các học viên cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự án lần này. Các doanh nghiệp đã phát huy thế mạnh, vận dụng sáng tạo, chủ động và có hiệu quả trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ từ các chuyên gia và đạt được những kết quả quan trọng, tích cực. Phó Cục trưởng cũng bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp nhanh chóng có kế hoạch đẩy mạnh triển khai, phát huy hơn nữa tính hiệu quả mà chương trình mang lại, từ đó góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn nói riêng và các doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ trên cả nước nói chung.

 

Chia sẻ tại sự kiện, ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, ông rất vui khi chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của các doanh nghiệp sau khi tham gia dự án. Thành quả cải tiến mà các doanh nghiệp gặt hái được không chỉ nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia mà còn nhờ sự quyết tâm đầu tư mạnh mẽ cũng như sự đóng góp tích cực của cán bộ và nhân viên trong chính các doanh nghiệp. Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cũng mong rằng, các công ty sẽ tiếp tục duy trì và cải tiến trong thời gian tới để đạt được những thành công hơn nữa trong tương lai.

 

Sau dự án, các doanh nghiệp được tư vấn sẽ tiếp tục phát triển hệ thống nhà máy thông minh dưới sự cố vấn trực tuyến của các chuyên gia Hàn Quốc.

 

Được biết, dự án “Hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh” đợt II/2023 sẽ tiếp tục được thực hiện tại khu vực phía Nam từ tháng 9/2023, tư vấn cho 12 doanh nghiệp.

 

Phạm Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang