Thứ Bẩy, 04/05/2024 06:23:55 GMT+7

Tin đăng lúc 25-09-2016

Lượt xem: 2658

Trở ngại kép xuất khẩu dệt may

Bí đầu ra và giá đơn hàng giảm là những khó khăn mà ngành Dệt may Việt Nam đang phải đối mặt. Tính đến hết tháng 8/2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) của dệt may mới đạt 15,5 tỷ USD; so với mục tiêu XK 29 tỷ USD, chặng đường còn lại sẽ rất gian nan.
Trở ngại kép xuất khẩu dệt may
Thiếu hụt đơn hàng XK đang là khó khăn chung của hầu hết các DN dệt may

Sức ép cạnh tranh tăng

 

Đã cuối tháng 9/2016, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may vẫn chưa có đơn hàng của tháng 10. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là bởi các đơn hàng bị hút sang Campuchia, Lào, Myanmar do các nước này có ưu đãi thuế suất 0% khi XK vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Trong khi đó, thuế suất hàng vào các thị trường này của Việt Nam lên tới 18%. Mặt khác, chi phí của sản phẩm dệt may Việt Nam đang ngày càng trở nên đắt đỏ hơn cũng là lý do các đơn hàng bị dịch chuyển.

 

Ông Nguyễn Xuân Dương- Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP may Hưng Yên- cho biết, những năm trước, đơn hàng của công ty rất dồi dào nhưng giờ công ty đang phải “ăn đong”. “Không những thế, hầu hết các đơn hàng đều yêu cầu giảm giá để cạnh tranh với thị trường khác. Giá nhiều đơn hàng đã giảm từ 10-15%, thậm chí là 20%. Tuy vậy, công ty vẫn phải chấp nhận để có việc làm cho công nhân”- ông Dương nói.

 

Là một trong những DN hàng đầu Việt Nam trong XK hàng sơmi sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU, nhưng những tháng đầu năm nay, Tổng công ty May 10 cũng rơi vào tình trạng bị giảm cả số lượng đơn hàng và giá thành phẩm. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng giám đốc May 10 - lo ngại, sức ép với ngành dệt may hiện nay rất lớn, phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn trong làng dệt may thế giới. “Trong khi chi phí sản xuất của Việt Nam đội lên do tăng lương tối thiểu, cùng với đó là phí công đoàn, bảo hiểm xã hội… thì  các nước như Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc đều đã điều chỉnh giảm lương tối thiểu, bảo hiểm hay hỗ trợ thuế giá trị gia tăng cho DN..., do vậy, hàng loạt đơn hàng đã chuyển khỏi Việt Nam” - bà Huyền cho hay.

 

Theo ông Trương Văn Cẩm- Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - thiếu hụt đơn hàng XK cho các tháng cuối năm đang là khó khăn chung của hầu hết các DN dệt may. Hiện chỉ có khoảng 30% DN có đủ đơn hàng XK đến cuối năm, một số DN nhỏ và vừa đã phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài.

 

Giải bài toán nguồn cung nguyên phụ liệu

 

Ngay sau khi Việt Nam ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành Dệt may Việt Nam được dự đoán sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đạt mục tiêu XK dệt may năm 2016 khoảng 31 tỷ USD là điều không quá khó.

 

Tuy nhiên, thống kê 8 tháng đầu năm nay cho thấy, đơn hàng XK dệt may đã có chiều hướng sụt giảm, khiến các DN hoạt động ngày càng khó khăn. Theo ông Trương Văn Cẩm, mặc dù Bộ Công Thương đã điều chỉnh mục tiêu XK dệt may năm 2016 xuống còn 29 tỷ USD, thế nhưng ngay cả mục tiêu này cũng rất khó hoàn thành, bởi đến nay mới chỉ thực hiện được hơn 53% kế hoạch đề ra.

 

Thiết lập nguồn cung nguyên phụ liệu có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp dệt may

 

Thực tế hiện nay, các DN dệt may đang chủ yếu làm gia công nên không kiểm soát được giá, bị động trong việc đối tác chỉ định nguồn nguyên phụ liệu. Do các nhà nhập khẩu không chỉ chào hàng ở Việt Nam, nên muốn có hợp đồng, DN phải tham gia đấu thầu để lấy đơn hàng. Bởi vậy, DN không còn cách nào khác là tiết giảm tối đa chi phí để nâng cao sức cạnh tranh.

 

Để giải được bài toán này, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam- cho rằng, chỉ khi nguồn cung nguyên phụ liệu phát triển, thì ngành Dệt may mới có thể làm được hàng FOB, còn không thì chỉ mãi làm thuê. “Do vậy, cần có cái nhìn dài hạn về đầu tư cho ngành công nghiệp sợi, dệt, nhuộm…, để đến năm 2018, 2019 đáp ứng được 55 - 60% nhu cầu của toàn ngành. Đến khi đó, DN dệt may mới có thể nắm bắt những cơ hội mà các hiệp định TPP và FTA mang lại, đồng thời tạo tiền đề hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới” - ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

 

Đồng quan điểm này, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường- nhận định, đặc thù của ngành Dệt may là ngành cung ứng theo chuỗi. Do vậy, muốn thực hiện chuỗi cung ứng thành công, Việt Nam phải thành lập được những cụm công nghiệp tập trung sản xuất nguyên phụ liệu, cũng như giải quyết “nút thắt” về xử lý nước thải của khâu nhuộm hay các loại nguyên phụ liệu liên quan đến môi trường. Ngoài ra, nhà nước cần lập quỹ hỗ trợ, ưu đãi tín dụng trong các trường hợp DN thực hiện phương thức FOB cho các đơn hàng có tỷ lệ nội địa hóa từ 50% trở lên, DN sản xuất thử nghiệm phụ tùng, vật tư thay thế ngoại nhập (thuốc nhuộm, tẩy) hay thiết bị trong dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện giúp DN tăng sức cạnh tranh.

 

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex:

Đề ngành Dệt may tiếp tục tăng trưởng bền vững, rất cần sự vào cuộc tích cực của Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách ổn định, nhất là chiến lược phát triển ngành trong trung và dài hạn (2030-2040), giúp các DN yên tâm đầu tư, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Nguồn Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang