Thứ Sáu, 26/04/2024 08:18:28 GMT+7

Tin đăng lúc 21-03-2016

Lượt xem: 3936

Trung Quốc đầu tư hơn 10 tỉ USD vào Việt Nam đón TPP

Theo con số thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) trong Báo cáo tình hình đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, lũy kế đến đầu tháng 3.2016, Trung Quốc đại lục có 1.346 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 10,4 tỉ USD.
Trung Quốc đầu tư hơn 10 tỉ USD vào Việt Nam đón TPP

Với mức đầu tư này, Trung Quốc hiện đứng thứ 9 trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư tại Việt Nam.

 

Báo cáo cho thấy, quy mô bình quân mỗi dự án của Trung Quốc chỉ đạt 7,7 triệu USD, bằng một nửa so với mức bình quân của các nhà đầu tư khác tại Việt Nam.

 

Xét theo lĩnh vực đầu tư, các dự án đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 916 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,38 tỉ USD, chiếm 68% số dự án và 52% tổng vốn đầu tư.

 

Tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư, còn lại là các dự án đầu tư trong các lĩnh vực khác.

 

Về địa bàn đầu tư, hiện nay Trung Quốc đã có đầu tư tại 54 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tỉnh Bình Thuận hiện đang dẫn đầu về đầu tư của Trung Quốc với 2 tỉ USD.

 

Tây Ninh đứng thứ hai với 36 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,2 tỉ USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư. Sau đó là các tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Bình Dương…

 

Các dự án đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu vào các địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi, gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc và có nhiều người Hoa sinh sống như Lào Cai, TP. HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng…

 

Các dự án đầu tư lớn của Trung Quốc có thể kể đến như Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1, vốn đầu tư 2 tỉ USD tại Bình Thuận; Dự án xây dựng các nhà máy sợi của Tập đoàn Texhong trị giá hơn 1 tỉ USD; Dự án Lốp xe Việt Luân (400 triệu USD tại Tây Ninh…

 

Xét về hình thức đầu tư, vốn đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 1.058 dự án, tổng vốn đầu tư 5,6 tỉ USD, chiếm 78,6% số dự án và 54,3% tổng vốn đăng ký.

 

Hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO có 3 dự án với tổng vốn đầu tư 2,06 tỉ USD, chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Số vốn còn lại tập trung trong các dự án liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết năm 2015, Việt Nam mới có 15 dự án đầu tư sang Trung Quốc với tổng vốn đăng ký là khoảng hơn 16 triệu USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. 

 

Trong đó, đáng kể nhất là dự án xây dựng khu thương mại của Công ty Xuất nhập khẩu Việt Trang (vốn đăng ký 3 triệu USD) và dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm cân đồng hồ lò xo của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nhơn Hòa (vốn đăng ký 6 triệu USD).

 

Cũng theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2012 lượng vốn FDI Trung Quốc đăng ký vào Việt Nam mới chỉ ở mức 312 triệu USD thì năm 2013 đã tăng đột biến lên tới trên 2,3 tỉ USD, sang năm 2014 tăng lên thành 7,9 tỉ USD và năm 2016 là hơn 8 tỉ USD.

 

Như vậy, Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều FDI từ Trung Quốc. Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc đang tăng cường đầu tư ra nước ngoài, nhất là Việt Nam để hưởng lợi về thuế khi Việt Nam bước chân vào thị trường của hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do, điển hình là TPP.

 

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp FDI của Trung Quốc có công nghệ lạc hậu và ảnh hưởng xấu tới môi trường, làm suy giảm tài nguyên thiên nhiên khi hoạt động tại Việt Nam.

 

Ông Bùi Trinh cho rằng, Việt Nam cần phải nghiêm khắc hơn trong việc thu hút đầu tư FDI, chỉ cởi mở và cho phép FDI có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tăng năng suất lao động, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.

 

Theo Trí Lâm/ motthegioi.vn

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang