Thứ Hai, 06/05/2024 06:10:35 GMT+7

Tin đăng lúc 11-09-2023

Lượt xem: 555

Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp

Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đồng thời có nhiều biện pháp quản lý, ngăn chặn, hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh và buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn có những diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra 52.613 vụ (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 37.960 vụ vi phạm tăng 36%), thu nộp ngân sách Nhà nước trên 344 tỷ đồng (tăng 59%); chuyển cơ quan điều tra 139 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 70%); trị giá hàng hóa tịch thu gần 143 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 93 tỷ đồng.

 

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hình thức làm hàng giả, hàng nhái rất tinh vi, đa dạng, từ mặt hàng có giá trị thấp đến mặt hàng có giá trị cao, từ mặt hàng đơn giản đến mặt hàng có công nghệ cao, từ hàng hóa phục vụ sản xuất đến hàng tiêu dùng, giải trí…

 

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được sản xuất trong nước hoặc ở nước ngoài và đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường. Vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT thường không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc an toàn... Địa điểm sản xuất thường không đảm bảo vệ sinh công nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả được sử dụng lại bao bì cũ của hàng chính hãng làm cho người tiêu dùng khó nhận biết, phân biệt giữa hàng chính hãng và hàng giả.

 

Đặc biệt, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT không được bày bán tràn lan như trước đây mà các đối tượng lợi dụng các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (TMĐT) để tiêu thụ các sản phẩm này; hàng hóa sau đó được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, kiểm tra và xử lý.

 

Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT Nguyễn Đức Lê cho biết, hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm SHTT đã không dừng lại ở mức độ vụ việc đơn lẻ mà đã trở thành vấn nạn gây bức xúc cho người tiêu dùng, nhất là uy tín và thương hiệu của nhà sản xuất - kinh doanh chân chính, gây hoang mang xã hội.

 

Công tác đấu tranh chống sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi, hành vi và thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi, nhất là các hình thức kinh doanh thông qua mạng điện tử. Việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch TMĐT, hàng hóa giao dịch còn đang gặp nhiều khó khăn. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn giao dịch TMĐT để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện.

 

Trong khi đó, hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế nên hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn thấp. Công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các bên liên quan vẫn chưa đủ mạnh. Điều đáng nói, chính thói quen tiêu dùng dễ dãi cùng với nhận thức về việc sử dụng hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT của người tiêu dùng còn hạn chế nên đã vô tình “tiếp tay” cho vấn nạn này.

 

Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác xử lý hàng hóa là hàng giả, hàng vi phạm SHTT, rất cần có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan thực thi pháp luật, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.

 

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để công tác chống hàng giả, hàng vi phạm SHTT đạt hiệu quả, cần rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý và chế tài xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực này, để tăng tính răn đe. Các cơ quan chức năng cần được trang bị phương tiện để có thể dễ dàng, nhanh chóng xác định được sản phẩm chính hãng, sản phẩm vi phạm SHTT, tránh việc phải yêu cầu giám định gây tốn kém, tổn thất nhiều thời gian và chi phí cho các bên liên quan.

 

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý TMĐT, sàn TMĐT và chủ thể quyền SHTT. Nhà sản xuất cần lựa chọn giải pháp bảo vệ sản phẩm thương hiệu của mình, áp dụng truy xuất nguồn gốc với các tem nhãn không thể làm giả, sao chép. Cùng với đó, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, từ chối mua hàng vi phạm, đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm SHTT.

 

Việc quan trọng là cần tích cực tuyên truyền, cũng như tập huấn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có thương hiệu được bảo hộ, trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.

 

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, cuối năm là thời điểm hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại diễn ra hết sức phức tạp, vì vậy, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính để bảo vệ thương hiệu, thứ nhất, triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại hơn 20 tỉnh, thành phố có nhiều tụ điểm nổi cộm về hàng giả; thứ hai, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống trên không gian mạng Internet; thứ ba, tổ chức các chuyên đề kiểm tra đột xuất các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội. Việc kiểm tra, rà soát hàng giả và hàng nhái trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng QLTT từ nay đến năm 2025.

 

Minh Vũ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang