Thứ Bẩy, 27/04/2024 03:00:47 GMT+7

Tin đăng lúc 26-03-2018

Lượt xem: 8421

Viên ngọc thơ Ngọc Lê Ninh

Không hiểu sao, đọc thơ Ngọc Lê Ninh, tôi cứ ám ảnh một dụ ngôn Chúa Jesus dạy trong Kinh Thánh: Một con cừu bị lạc, chủ chăn bèn bỏ lại 99 con, đi tìm con lạc. Tìm được rồi, người đó vác nó lên vai, về nhà còn gọi hàng xóm sang ăn mừng.
Viên ngọc thơ Ngọc Lê Ninh
Hai tập thơ của Lê Ngọc Ninh

Vậy con bị lạc quí hơn 99 con kia sao? Xét về giá trị nó chỉ là 1/99, nhưng liệu nó hay ở chỗ chủ chăn đã thể hiện lòng nhân ái: cứu một con lạc còn hơn cả 99 con còn lại (?!) Điều này có thể bị hồ nghi, nhưng điều thứ hai thì không thể: con chiên lạc đã được hưởng số phận ưu ái vinh quang giành cho nó.

 

Khởi đầu, lúc tuổi mới mờ ria mép, Ngọc Lê Ninh (NLN) đã theo chân hai nhân vật lừng lẫy về thơ là Hoàng Nhuận Cầm và Nguyễn Việt Chiến đi đọc thơ tung trời tại các trường đại học. Lúc trẻ mà đã được đọc thơ với hai người hùng như vậy mấy ai có thể. Thơ của Ninh không quá gai góc nhưng khi đó rất khó đăng báo vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, cái đáng “ghét” nhất là thơ của Ninh lại hay. Thế mới khổ?! Nó bao gồm cả trí tuệ lớn, một tình cảm mênh mông, một trải nghiệm sâu lắng, một tình yêu si mê, một tâm trạng ẩn khuất, một sự kiên nhẫn bình thản theo đuổi nghiệp làm thơ cùng một tâm cảm thiên nhiên bao gồm vũ trụ, rồi tột đỉnh là tình yêu con người. Và tâm cảm đó “dâng lên” thành tình yêu đất nước và thời đại…

 

 

Tác giả Nguyễn Hoàng Đức

 

Thơ trước hết là nhịp điệu! Theo mỹ học, chúng ta đi suốt ngày mỏi rạc chân cũng không thành nhạc, nhưng chỉ cần miệng huýt gió, nhảy chân sáo, thì mỹ cảm bắt đầu đặt viên gạch đầu tiên cho nghệ thuật. NLN  viết:

 

Ơ kìa! gió đã về

 

Mân mê chùm khế ngọt

 

Líu lo ngàn chim hót

 

Nhảy nhót mừng xuân sang

 

 

(Gió Xuân, tập Chưa thể đặt tên, T2)

 

Ngày nay, đã xuất hiện thơ văn xuôi, mở đầu là nữ thi sĩ Nga Tsvetaeva (1892-1941), với mục đích ưu tiên thông điệp triết lý. Mặc dù sính vần điệu nhưng thơ của Lê Ngọc Ninh cũng rất chăm triết lý. Tiết tấu trong thơ, cũng như nhịp điệu mang tính âm nhạc đã chứng tỏ đó là những nhà thơ giàu thiên bẩm ngay từ dưới gót giầy.

 

Không chỉ giàu nhạc tính mà Thơ của Ngọc Lê Ninh còn khá sang trọng và sâu lắng. Đó là sự sang trọng của một tri thức lớn cũng như có xúc cảm thâm sâu, chẳng hạn:

 

Là cái ngày ta thánh giá uy linh

 

Rơi bóng Chúa lạy về đâu cũng tội

 

Tìm xơ xác bay vào đời cứu rỗi

 

Tình mồ côi anh phiêu bạt trăm chiều …

 

(Nỗi nhớ lăn tròn, T1)

 

Nếu để đặt tên bút pháp thơ của NLN là gì? Tôi sẽ gọi là “Tân cổ điển” (The new classic). Chữ Classic còn được gọi là “kinh điển”. Tôi cho rằng, đây là dòng sẽ trường tồn nhất. Thơ xưa nay, người ta vẫn tức cảnh sinh tình. Nhưng cảnh vật trong thơ của NLN rất mênh mông và thường mang tầm vóc vũ trụ, chẳng hạn:

 

Sóng ngã nhào xuống bãi

 

Nước vương vãi khắp bờ

 

Cả ngày theo con gió

 

Nhậu say quên đất trời …

 

( Sóng ngã nhào, T2)

 

Hay Nhà thơ còn lấy chính vũ trụ làm vật liệu đắp tượng đài thơ:

 

Xưa học trường vũ trụ

 

Trăng đoạt giải hoa khôi

 

Đắm say yêu trái đất

 

Tự nhiên lấy mặt trời…

 

(Trăng, T1)

 

Thơ hiện đại, tiêu chí mãnh liệt của nó là lý trí. Vì đó là đặc trưng mạnh nhất, cao nhất của thời hiện đại đã thoát khỏi màn sương bao la u mê của cảm xúc. Thơ NLN lý trí ở khắp nơi, mỗi dòng, mỗi câu thường thẫm đẫm điều ấy:

 

Thời gian

 

Vít còng lưng mẹ

 

Nhưng

 

Kéo thẳng lưng con…

 

(Hai chiều tổ quốc, T1 )

 

Tình yêu trong thơ NLN cũng thật mênh mông, dạt dào, tinh tế và đằm thắm:

 

Hoàng hôn ngủ gật trên bờ

 

Nắng vung hạt lưới vây hờ mắt ai

 

Gió đem câu chuyện kể hoài

 

Mải mê mây đánh phấn dài mặt sông

 

Sụt sùi sương khóc đẫm đồng

 

Chiều rơi quả nhớ trên dòng sông thơ

 

(Vô đề 3, T1)

 

“Nắng vung hạt lưới”, “chiều rơi quả nhớ”… thật là tinh tế, êm ái và dễ thương! Tác giả có quan sát rất tinh tế và hiện đại, chẳng hạn:

 

Cô đơn liếm những mặt tường câm lặng

 

Nỗi nhớ em giăng mắc cả một thời

 

Buồn thất thểu lang thang ngoài ngõ vắng

 

Theo tôi về giấc mộng vỡ làm đôi

 

(Khóc dọc thời gian, T1)

 

Không chỉ có nhịp điệu mỹ cảm, cái nhìn thấu thị, mà khí thơ của NLN cũng rất mạnh mẽ:

 

Em chẳng khi nào dám nói yêu anh

 

Nên trái đất ngày càng thêm khô hạn

 

Vũ trụ mai sau như lòng anh nứt rạn

 

Mặt trời rơi, lửa tắt, thế gian tàn…

 

(Cây tình yêu trụi lá, T2)

 

Tính triết lý của một nhà khoa học mang hồn thơ trong NLN tất yếu muốn định nghĩa cuộc sống, tình yêu và cả con đường thơ, như trong bài “Tan vào hạt sáng”, T2:

 

Ánh sáng

 

Là linh hồn của mặt trời

 

Tỏa đi muôn nơi

 

Gieo nguồn sự sống

 

 

Ánh sáng

 

Là những hạt không trọng lượng

 

 

Ánh sáng

 

Mang nỗi nhớ nhung

 

Hình thành nên tình yêu, hạnh phúc

 

Ánh sáng

 

Tan được vào anh trong mọi lúc

 

Vì ánh sáng

 

Là em.

 

Không chỉ quan sát giỏi mà tác giả còn suy ngẫm tài, suy ngẫm ra cái gì giống như quyền sống của sáng tạo:

 

Tay dắt cô đơn

 

Trú vào hơi thở

 

Nép mình trong cơn rét đợi chờ

 

Bong bóng thờ ơ

 

Lòng vỡ cùng hy vọng.

 

(Vỡ cùng hy vọng, T1)

 

Người ta được sống, được hàn gắn, được phục sinh là nhờ hy vọng. Ở đây, tác giả lại hy vọng trong “vỡ” - tức là thứ xao xuyến, sợ hãi, thất vọng mơ hồ.

 

Trong tâm hồn tác giả, con đường đi từ cá nhân đến cộng đồng và vũ trụ rất rõ rệt. NLN đã thể hiện tình cảm thời đại qua trăn trở rất nhiều. Đặc biệt là trong bài thơ “Thơ mở cửa”- T1, một mạch thơ rất hiện đại:

 

Đêm nay từng con chữ

 

Bò trên giấy nghẹn ngào

 

Thơ nằm như tắt thở

 

Đời mình sẽ ra sao?

 

 

Tôi nằm nghe đói rét

 

Trong cuộc chiến điêu tàn

 

 

Vết thương còn râm ran

 

Hờn căm chưa tát cạn

 

Choáng ngợp mắt thời gian

 

Xóa thù xưa thành bạn

 

 

Này mắt xanh đen nâu

 

Những mầu da tiếng nói

 

Hãy cùng nhau nguyện cầu

 

Đừng gây thêm khói lửa

 

Đừng gieo thêm tội lỗi

 

Trên mặt đất hao gầy

 

Đừng để chồi xanh chết

 

Trước lá cành run cây.

 

Đây đúng là một bài thơ có nhãn quan của Liên Hiệp Quốc?!

 

Ngắm quê hương, tâm cảm tác giả trĩu nặng ưu tư sám hối, bởi một quê hương nghèo nàn lạc hậu và hận thù kéo dài không dứt:

 

Nên anh viết bằng con tim không ngủ

 

Mực yêu thương là máu chạy quanh người

 

 

Ta nhớ mãi lỗi lầm gieo mưa bão

 

Làm buồn đau sạt lở những ngày xanh

 

Như đất nước mình đi qua hết chiến tranh

 

Như cuộc chiến làm rừng sâu mất ngủ

 

Những trận đánh xé tan thành quách đổ

 

Nghe máu văng nhuộm tím cả trời chiều

 

 

Bài thơ này anh viết đến mai sau

 

Khi hai đứa đã nằm im dưới cỏ

 

Nhưng em ơi! Tình hai ta vẫn thở

 

Nhịp thương yêu khuấy động dải thiên hà.

 

(Chưa thể đặt tên, T2)

 

Tình yêu dù nhắm mắt vẫn khuấy động dải thiên hà, nghe vĩ đại mà rất tự nhiên. Tự nhiên bởi tác giả có tấm lòng và tư duy triền miên nhiều đến nỗi thành thói quen?!

 

Và tôi muốn nhắc đến bài tột đỉnh xúc cảm của tác giả NLN về tình yêu, đất nước, con người, khi anh là người đã tiên phong ra nơi đầu sóng ngọn gió, sơn cùng thủy tận thiếu vắng tình quê:

 

HỊCH SÓNG GÀO

 

Tác giả: Ngọc Lê Ninh (dành cho ngày mất quần đảo Hoàng Sa và một số đảo tại quần đảo Trường Sa)

 

Đêm nằm nghe sóng gào

 

Từ Hoàng sa, Trường Sa

 

Vọng hồn bao lính đảo

 

Nhắc ta giữ đất nhà.

 

Đây Hoàng sa! Trường Sa!

 

Ghi sách trời, sách sử

 

Đây máu thịt ông cha

 

Bao đời qua gìn giữ.

 

Tôi lần theo quá khứ

 

Những nước bạn quanh ta

 

Lục tung từng trang sử

 

Chẳng thấy đảo Hoàng Sa.

 

Ôi đất Việt Nam ta!

 

Vươn dài ra Phú Quốc

 

Nối Trường Sa, Hoàng Sa

 

Nằm chung thềm đất nước.

 

Này! Hỡi quân xâm lược!

 

Trả lại đảo mau mau!

 

Ở đời đi ăn cướp

 

Trước sau cũng mất đầu.

 

Tôi chạy tới mai sau

 

Gặp Kim Quy - Thần bảo:

 

"Đừng quên chuyện Mỵ Châu!

 

Kẻ thù luôn gian xảo!

 

Hãy cùng nhau giữ đảo!

 

Không khoan nhượng biển trời!

 

Mặc nắng cào, mưa, bão!

 

Giặc sang! Đánh tơi bời!"

 

Thơ của Ngọc Lê Ninh cũng có dăm bài bị sa vào kể lể thông tin cấp một hơi dễ dãi, nhưng đó chỉ chưa đến một toa “đen” trong cả đoàn tầu mỹ học dồi dào đẹp đẽ của thơ anh. Một tác giả rất chí huyết với thơ, với trí tuệ cao, tâm cảm mênh mông và thâm u. Một người yêu thiên nhiên đến từng cấu trúc của địa tầng, yêu con người, yêu quê hương và dân tộc qua cảm thông với mỗi mảnh đời lầm lũi, nghèo khó cả cơm ăn lẫn công bằng… Chúc mừng tác giả Ngọc Lê Ninh chín muộn, nhưng đào tiên bao giờ cũng chín muộn hơn cà ăn xổi!

 

Tháng Sáu này, Nhà thơ NLN sẽ ra mắt tập thơ thứ ba, tên gọi có lẽ còn nằm khuất lấp trong bài thơ nào đó như tập “Chưa thể đặt tên”. Mong rằng, tác giả sẽ làm chúng ta phải leo dốc mới đạt tới độ cao! Trong chờ đợi, mời các bạn “nếm” trước một bài, xem có phải vẫn là phong độ mỹ học của chàng thi sĩ nhiệt huyết, tài hoa này:

 

DỰ TÌNH

 

Này em hỡi!

 

Rồi một ngày trái đất sẽ già nua

 

Mắt biển xanh bỗng nhuốm màu mờ đục

 

Tóc rừng sâu trụi lá tình lăn lóc

 

Suối cạn nguồn yêu sỏi đá khóc cùng sông.

 

 Và Anh biết!

 

 Núi đồi nhăn nheo nứt nẻ ruộng đồng

 

Cỏ bạc phếch khô cong thời nông nổi

 

Ngày xanh rơi! Đá rụt vào bóng tối

 

Dung nham tim tắt lạnh đáy tâm hồn.

 

Và Anh sợ!

 

Chúng mình về sau như trái đất hoàng hôn

 

Em! Ta hãy mau mau! Cùng siết chặt!

 

Cho rối rít làn môi! Cho trào dâng sóng khát!

 

Đêm dìu đêm theo nhật thực toàn phần.

 

 (Viết về các tập thơ “Vỡ cùng hy vọng” - T1, “Chưa thể đặt tên” - T2, cùng tập bản thảo sắp ra)

 

Nguyễn Hoàng Đức (Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội)


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang