Thứ Bẩy, 27/04/2024 10:04:24 GMT+7

Tin đăng lúc 31-08-2017

Lượt xem: 34746

Việt Nam – Chặng đường 10 năm gia nhập WTO

Năm 2017, được coi là cột mốc đáng nhớ, biểu hiện những nỗ lực đổi mới không ngừng của Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế. Tròn một thập kỷ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong vấn đề phát triển thương mại và dịch vụ.
Việt Nam – Chặng đường 10 năm gia nhập WTO
Sau 10 năm gia nhập WTO, diện mạo kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ.

Lợi ích đó có được từ tự do hóa thương mại và các chính sách mở cửa theo hiệp định của WTO, các doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận được các thị trường lớn trên thế giới và mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, hợp tác kinh doanh.

 

Tuy nhiên, trong quá trình là thành viên của WTO, Việt Nam cũng đã phải đối mặt với nhiều thách thức hơn đến từ sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ và xu hướng bảo hộ mậu dịch đang có chiều hướng gia tăng.

         

Nền kinh tế Việt Nam sau 10 năm là thành viên của WTO (2007 – 2017), mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công châu Âu nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,29%/năm. Đây là thành tựu hết sức quan trọng bởi trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có mức tăng trưởng âm, hoặc rất thấp thì Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương liên tục. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt gần 176 tỷ USD, tăng gấp 3,5 lần so với mức 50 tỷ USD trong năm 2006 và được đánh giá là một trong 36 nền kinh tế xuất khẩu tốt nhất thế giới. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Sau 10 năm, Việt Nam đã thu hút trên 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Honda, Toyota, Canon, Microsoft… đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng. Riêng quý I/2017, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã lên tới 7,7 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD năm 2006 lên 2.445 USD năm 2016. Thương mại du lịch đã phát triển gần gấp 5 lần; du lịch quốc tế tăng trưởng khá cao, từ mức 4,2 triệu lượt khách năm 2007 tăng lên trên 10 triệu lượt năm 2016, với tổng doanh thu từ du lịch đạt 56.000 tỷ đồng năm 2007 lên hơn 400.000 tỷ đồng năm 2016. Đồng thời, WTO cũng đã tạo ra động lực không nhỏ để Việt Nam cải cách mạnh mẽ các thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như sự trưởng thành và lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt.

         

Nhìn lại chặng đường 10 năm Việt Nam là thành viên của WTO, ông ROBERTO AZEVEDO – Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới đánh giá: “Kinh tế Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế mới nổi. Trước khi là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, 33% GDP của Việt Nam là xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Nhưng sau 10 năm, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đã đóng góp lên tới 90% GDP của đất nước. Đó là một tỷ trọng rất lớn, do đó chúng tôi tin rằng, Việt Nam luôn là đối tác quan trọng của WTO và WTO sẽ là một phần trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào việc đàm phán các hiệp định nhằm giảm các rào cản thương mại. Tất cả những điều đó đều được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”.

 

         

 

Sau 10 năm gia nhập WTO, doanh thu từ du lịch của Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh.

 

Sau 10 năm gia nhập WTO, có thể thấy Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, dù có tên trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chưa phát triển theo đúng kỳ vọng, bởi: Trong công nghiệp, ngành khai thác, gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn, việc sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao còn thấp. Việc đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất còn chậm; sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn ở mức thấp; thể chế kinh tế và công tác điều hành vĩ mô trong nước vẫn chưa theo kịp yêu cầu của hội nhập. Đặc biệt, nhiều năm qua, ngoại thương Việt Nam luôn bị thâm hụt với mức tuyệt đối cao. Điều này chứng minh, các nước đã tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập WTO để đưa hàng hóa vào Việt Nam, trong khi chúng ta lại chưa hoàn toàn tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập WTO mang lại. Bên cạnh đó, năng suất lao động trong nước vẫn thấp, đóng góp vào tăng trường còn hạn chế.

         

Theo đánh giá của TS. Lê Huy Khôi - Trưởng Ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường – Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương): Sau 10 năm gia nhập WTO, tăng trưởng GDP của Việt Nam thấp hơn so với các quốc gia có cùng xuất phát điểm như Lào, Campuchia, Myanmar… do đó, hiệu quả tăng trưởng xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng không đạt kết quả tương đương.

         

Toàn cầu hóa là xu thế không thể đảo ngược, để tiếp tục phát triển bền vững, Việt Nam cần phải có những cải cách đột phá. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam phải tiếp tục cải cách hành chính triệt để, khắc phục những mặt trái của cơ chế “một cửa”, đổi mới bộ máy hành chính nhà nước cương quyết và hiệu quả; Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, làm minh bạch và lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, Việt Nam phải sớm xây dựng chiến lược phát triển các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó, vấn đề cốt lõi là tái cơ cấu các doanh nghiệp, các loại dịch vụ cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung những dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao, nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội mang lại từ hội nhập. Đồng thời cần nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ (1-2% GDP) để Việt Nam sớm có những đột phá về khoa học công nghệ, tạo ra những mặt hàng, sản phẩm kỹ thuật cao nằm trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang lại giá trị lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Qua đó, chuyển từ gia công sang sản xuất, xuất khẩu, giảm dần và tiến tới hạn chế tới mức thấp nhất xuất khẩu sản phẩm thô, khoáng sản…

 

Th.s Ngô Thị Tháp

Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang