Chủ Nhật, 28/04/2024 13:08:24 GMT+7

Tin đăng lúc 01-01-2017

Lượt xem: 2424

Xây dựng Chính phủ kiến tạo: Cụ thể hóa các mục tiêu phát triển

Tờ lịch cuối cùng của năm 2016 đã được bóc xuống, khép lại một năm đầy thử thách cùng những nỗ lực của cả nước, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển. “Đoàn tàu” tăng trưởng vẫn vững vàng tiến về phía trước với những động năng mới. Những động năng ấy đang trở nên vững chắc hơn cùng việc cụ thể hóa các mục tiêu trên lộ trình xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
Xây dựng Chính phủ kiến tạo: Cụ thể hóa các mục tiêu phát triển
Các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021

Vững vàng giữa thử thách của thời cuộc

 

Tại nhiều diễn đàn kinh tế trong nước được tổ chức cuối năm 2016, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất nhận định, ít Chính phủ nào phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới như Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2020.

 

Thị trường xuất khẩu gặp khó cùng với việc giá một số mặt hàng chủ lực xuống thấp. Nông nghiệp - điểm tựa truyền thống của đất nước tăng trưởng thấp. Thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn cho đến tận cuối năm vẫn gây ra những tổn thất không nhỏ. Sự cố môi trường Formosa mà lần đầu tiên đất nước ta gặp phải đã dồn thêm những gánh nặng, thử thách.

 

Các gánh nặng, thử thách ấy, giữa những bộn bề phát triển vẫn đòi hỏi chính chúng ta nhanh chóng hóa giải và phải hóa giải được mà không được phép mắc sai lầm bởi lộ trình phát triển, yêu cầu của thời cuộc dường như không có chỗ cho sự chần chừ, tư duy tiếp cận kém sức mạnh.

 

Giữa những thử thách của thời cuộc, khép lại 365 ngày của năm 2016, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

 

11/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội  đã đạt và vượt kế hoạch. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Điểm nhấn là các khó khăn cho sản xuất, kinh doanh được tập trung tháo gỡ; tái cơ cấu kinh tế đạt được kết quả bước đầu tích cực. Những thành tựu đó đã cho phép triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

 

Điều đặc biệt là lần đầu tiên, Việt Nam ghi nhận hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới trong một năm.

 

Chính phủ kiến tạo, vì dân ngày càng hiện hữu rõ nét. Thông điệp xây dựng một Chính phủ nhiệm kỳ mới là một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân đã được đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các cấp chính quyền, tới nhân dân cả nước, tới cộng đồng doanh nghiệp. Không những vậy, người đứng đầu Chính phủ còn gửi thông điệp đó tới đối tác phát triển, chuyên gia kinh tế nước ngoài như khẳng định một chất lượng, một nội hàm của lộ trình phát triển của Việt Nam không chỉ cả những năm trước mắt mà nhìn tới một tiến trình dài hơi hơn.

 

Từ thông điệp và hành động của người đứng đầu Chính phủ, có thể tin tưởng sẽ tác động tích cực tới bộ máy hành chính. Rõ ràng, từ khi được Quốc hội bầu và phê chuẩn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những tuyên bố cho thấy rất rõ tâm huyết của ông trong việc thay đổi nền hành chính. Người đứng đầu Chính phủ thừa nhận, muốn hoàn thiện cơ chế phải dẹp bỏ lợi ích nhóm. Hình ảnh Thủ tướng đi thị sát ở chợ, xuống đồng ruộng gặp gỡ bà con tiểu thương, nông dân cho thấy ông là người nói đi đôi với làm.

 

Chính phủ cùng cả nước khởi nghiệp

 

Với nhiều nước, khi nền hành chính đã được hiện đại hóa, người ta có quyền thực hiện các giao dịch trên nền chính phủ điện tử, nhưng ở Việt Nam chưa có, vẫn phải làm theo kiểu thủ công trong khi một nền hành chính hiện đại mà Chính phủ hướng đến là phải mang lại sự nhanh chóng, thuận tiện cho người dân. Đáng mừng là hiện nay, ở cấp Trung ương đã có rất nhiều đổi mới, thể hiện qua việc chủ động xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật, tạo sự thông thoáng. Theo các chuyên gia, lãnh đạo ở các cấp hành chính cũng phải hành động như thế, thậm chí là phải quyết liệt hơn chứ không thể chấp nhận tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”.

 

Trong một lần tiếp xúc cử tri mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những giải thích rõ ràng hơn về Chính phủ kiến tạo. Thủ tướng nhấn mạnh một điểm, theo đó, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ phải làm tốt công tác quản lý nhà nước; sử dụng tốt các công cụ kiến tạo phát triển như hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, bảo vệ môi trường, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

 

Không những vậy, theo Thủ tướng, Chính phủ kiến tạo phải dũng cảm, đương đầu, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đó phải là một mô hình Chính phủ hiệu quả, tinh gọn và liêm chính từ trung ương đến các cấp chính quyền địa phương. Chính phủ kiến tạo phải sử dụng tốt từng đồng thuế của người dân, vận dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ phát triển.

 

Từ góc độ một chuyên gia về lập pháp, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - nhìn nhận: “Khi người dân có điều kiện để mưu cầu hạnh phúc, vươn lên thực hiện mọi ước mơ, cũng như  năng lực làm chủ cuộc sống, phát triển kinh tế, có năng lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp thì đó là sự phát triển. Sự phát triển đó là quan trọng nhất, thực chất và bền vững nhất”.

 

Đáng chú ý, Chính phủ đã chọn năm 2016 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ là năm khởi nghiệp. Một chuyên gia nhận xét, Chính phủ đang cùng cả nước khởi nghiệp. Điều quan trọng là Chính phủ phải xây dựng cho được những khuôn khổ thể chế cần thiết để cho công việc làm ăn của người dân ngày một dễ dàng hơn. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản phải được bảo đảm; sự minh bạch phải được tăng cường; các cam kết hợp đồng phải được tôn trọng và nhà nước bảo đảm sự tôn trọng đó.

 

Chưa phải đã hết những khó khăn, thậm chí có những khó khăn sẽ còn gay gắt hơn. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia chưa có nhiều chuyển biến, nợ công vẫn diễn biến phức tạp, mục tiêu tăng trưởng GDP còn lỡ hẹn…, nhưng mục tiêu, quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ phát triển ở Việt Nam đã được khẳng định.  

 

Năm 2016 chính là năm mở đầu cho sự khẳng định đó. 

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang