Thứ Sáu, 03/05/2024 05:09:21 GMT+7

Tin đăng lúc 16-12-2016

Lượt xem: 2958

Xuất khẩu cá tra: Đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) dự kiến đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2015, cá tra Việt Nam 2016 đang có một năm tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, sự sụt giảm của nhiều thị trường lớn, nỗi lo cung - cầu nguyên liệu và nguy cơ tiềm tàng từ sự “trỗi dậy” của thị trường Trung Quốc vẫn khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng.
Xuất khẩu cá tra: Đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc
XK cá tra Việt Nam năm 2016 có thể đạt 1,7 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến hết ngày 15/11, XK cá tra Việt Nam đã “chạm ngõ” 140 thị trường (tăng 4 thị trường so với năm 2015), đạt tổng KNXK gần 1,5 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự kiến tổng KNXK cá tra Việt Nam năm 2016 sẽ đạt 1,67 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm trước.

 

Trung Quốc trỗi dậy, EU sụt giảm

 

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “2016 là năm nhiều khó khăn của vùng ĐBSCL bởi tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có ngành hàng cá tra. Nhưng nhờ sự cố gắng chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ và sự ổn định lượng mưa từ tháng 6/2016, ngành cá tra đã có sự phục hồi nhanh, dự báo XK toàn ngành có thể đạt 1,7 tỷ USD”.

 

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy sự thay đổi mạnh về cơ cấu thị trường. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm 22% tổng giá trị toàn ngành. Dự kiến, tổng KNXK cá tra vào thị trường Mỹ trong năm 2016 sẽ đạt 366 triệu USD, tăng 16% so với năm 2015.

 

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc - Hồng Kông với mức tăng trưởng kỷ lục. Dự kiến KNXK vào thị trường đông dân nhất thế giới sẽ đạt trên 305 triệu USD năm 2016, tăng 90% so với năm 2015, chiếm trên 18,2% giá trị toàn ngành.

 

Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Thủy sản Hùng Vương, nhận định: “Năm 2017, XK cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng. Thị trường Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, dự báo mức tăng 30% so với năm 2016”.

 

Cùng quan điểm, ông Doãn Tới - Chủ tịch HĐQT công ty CP Nam Việt, cho rằng: “Với chất lượng tốt cùng mức giá rẻ, không sản phẩm nào rẻ hơn, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu (NK) cá tra tại Việt Nam. Sắp tới, Trung Quốc NK cá tra Việt Nam chắc chắn sẽ vượt mức 400 triệu USD do giá quá rẻ”.

 

Với tốc độ tăng trưởng nhanh, sức mua trong nước mạnh, cộng thêm điều kiện nhập hàng không quá khắt khe, nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ bằng Mỹ, thậm chí vượt Mỹ để trở thành thị trường NK cá tra lớn nhất của Việt Nam.

 

Thị trường Trung Quốc đạt mức tăng trưởng kỷ lục nhưng thị trường EU lại sụt giảm mạnh. Năm 2016, dự báo KNXK cá tra vào thị trường này chỉ vào khoảng 260 triệu USD, giảm 9% so với năm 2015. Đáng chú ý, đây là năm thứ ba liên tiếp XK cá tra vào thị trường này sụt giảm.

 

Các thị trường Brazil, Mexico, Colombia… cũng sụt giảm từ 8 - 16% so với năm 2015. Việc thị trường EU và nhiều thị trường lớn, bền vững, có tiêu chuẩn nhập khẩu ở mức cao liên tục chững lại và sụt giảm trong những năm gần đây là hiện trạng đáng lo ngại.

 

Theo ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius): “Nhờ danh tiếng bán hàng sang EU và Mỹ được kiểm soát tốt về chất lượng, cá tra Việt Nam được người dân Trung Quốc, Brazil và nhiều nước khác tin tưởng. XK vào các thị trường này sụt giảm sẽ kéo giảm lòng tin của người tiêu dùng các nước khác”.

 

Nâng cao vị thế, tránh lệ thuộc

 

Sự sụt giảm của thị trường EU và nhiều thị trường lớn, cộng thêm những rào cản khắt khe tại thị trường Mỹ (năm 2017), khiến những kỳ vọng lớn hơn đặt vào thị trường Trung Quốc - Hồng Kông. Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) - ông Trương Đình Hòe, cho biết định hướng XK cá tra vào Trung Quốc năm 2017 sẽ tiếp tục chiếm khoảng 20% giá trị toàn ngành.

 

Tuy nhiên, giao thương với Trung Quốc vẫn là “cuộc chơi” tiềm ẩn nhiều rủi ro và những “trò bẩn”. Không thể phủ nhận, Trung Quốc luôn là một thị trường lớn, hấp dẫn, nhưng những điều kiện nhập hàng không quá khắt khe cũng dẫn đến những mặt trái nguy hiểm. Năm 2015, nhiều DN thủy sản Việt Nam phản ánh việc Trung Quốc chưa mở cửa thị trường khiến cá tra XK bằng đường biển phải chịu thuế hơn 13%; đi bằng đường bộ (tiểu ngạch) thì phải chịu chung chi; qua đường biên mậu, nếu bạn hàng bị bắt, DN Việt sẽ mất trắng… Trong năm 2016 và tiếp đến là năm 2017, những trở ngại trên phần nào đã được khắc phục. Nhưng so với thị trường EU và Mỹ, rõ ràng Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Vì vậy, nhiệm vụ gia tăng vị thế, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (đang có ảnh hưởng ngày càng lớn), là nhiệm vụ cấp thiết.

 

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng: “Thị trường Trung Quốc có tiềm năng lớn, nhưng để phát triển bền vững, chúng ta cần tập trung vào phân khúc chất lượng cao, cung cấp vào nhà hàng, thay vì tập trung vào sản lượng. Các DN cũng cần phải chủ động đa dạng hóa thị trường thay vì chỉ trông chờ vào một thị trường”.

 

Bên cạnh nhiệm vụ mở rộng thị trường, việc phát triển sản xuất, tăng cường liên kết để mở rộng chuỗi cung ứng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu của DN chế biến thủy sản XK cũng là một yêu cầu cấp thiết. Sản lượng cá tra năm 2016 tăng (sản lượng cá tra toàn vùng ĐBSCL tính đến hết tháng 11/2016 đạt trên 1 triệu tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2015), nhưng tại nhiều thời điểm hiện tượng “sốt” nguyên liệu vẫn xảy ra khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang