Thứ Tư, 15/05/2024 05:54:19 GMT+7

Tin đăng lúc 20-07-2016

Lượt xem: 3057

Xuất khẩu gạo đối mặt thách thức tại thị trường truyền thống

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, thông thường tổng mức xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm phải đạt 3,2 - 3,5 triệu tấn, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2016 kết quả của ngành khiêm tốn khi chỉ đạt 2,7 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm nay.
Xuất khẩu gạo đối mặt thách thức tại thị trường truyền thống

 Tại hội nghị bàn về giải pháp xuất khẩu cho 6 tháng cuối năm do Bộ Công Thương tổ chức ngày 19/7, VFA cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc xuất khẩu gạo giảm là do giá cao nên khó cạnh tranh. Đặc biệt, tại một số thị trường truyền thống sức mua giảm đáng kể. Riêng quý 1, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 1,4 triệu tấn là do hợp đồng từ cuối năm 2015 để lại.

 

Theo VFA, tình hình sắp tới sẽ như thế nào VFA cũng chưa đánh giá được một cách cụ thể. Song nhìn từ thực tế cho thấy, bức tranh xuất khẩu gạo khá ảm đạm, nhu cầu thị trường chưa rõ nét. Bởi lẽ ở thị trường truyền thống sản lượng gạo xuất khẩu giảm đáng kể. Đơn cử, Indonesia luôn bất nhất trong nội bộ nên thay đổi liên tục kế hoạch nhập khẩu gạo, rồi không nhập. Tương tự, Philippines cũng do một số yếu tố nội tại mà trì hoãn hoạt động nhập khẩu gạo. Trung Quốc thì chỉ mua gạo với giá thấp và sẵn sàng chuyển nguồn mua nếu họ tìm thấy nguồn cung có giá rẻ hơn…

 

Theo VFA, dự kiến từ nay đến cuối năm xuất khẩu gạo của cả nước đạt khoảng 3 triệu tấn nhưng cứ tình hình khó khăn và mù mờ như hiện nay sẽ khó xác định được mục tiêu xuất khẩu.

 

Trước tình hình xuất khẩu gạo sụt giảm, ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cần Thơ nêu quan điểm: “Xây dựng thương hiệu cho gạo là cấp bách, cần đi sâu vào hoạt động sản xuất để sản phẩm đạt chất lượng cao từ đó tìm kiếm thị trường tốt hơn”.

 

Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký VFA cũng cho rằng, nên xem xét lại khâu sản xuất. Bởi vì nếu sản xuất không có chất lượng thì thị trường cũng loại gạo Việt ra khỏi cuộc chơi.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhu cầu của nền kinh tế là tăng trưởng xuất khẩu, vì vậy phải phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu xuất khẩu chứ không có chuyện giảm. Khó khăn khách quan và chủ quan tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu là có nhưng Bộ Công Thương sẽ tìm cách phát triển thị trường cũ cũng như thị trường mới. Muốn mở rộng thị trường hiệu quả cần có thông tin dự báo và những diễn biến của thị trường để doanh nghiệp triển khai tốt cho hoạt động xuất khẩu gạo.

 

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho ngành gạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sắp tới Bộ Công Thương sẽ đề nghị tổ chức hội nghị với các Bộ ngành, địa phương đồng bằng sông Cửu Long về sản xuất lúa gạo trong 6 tháng cuối năm nhằm tìm giải pháp ổn định phát triển xuất khẩu lúa gạo bền vững.

 

Theo Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang