Thứ Sáu, 03/05/2024 12:52:51 GMT+7

Tin đăng lúc 24-08-2017

Lượt xem: 1743

Xuất khẩu giày, dép: Doanh nghiệp nội 'lép vế'

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày, dép 7 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 2 con số, tuy nhiên, tỷ trọng của khối doanh nghiệp (DN) trong nước tiếp tục có xu hướng sụt giảm.
Xuất khẩu giày, dép: Doanh nghiệp nội 'lép vế'
Gia công giày xuất khẩu tại Công ty Giày Đông Anh

Những năm gần đây, sản xuất, xuất khẩu (XK) của khối DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2013, khối này chiếm 75% tỷ trọng XK của ngành, năm 2015 tăng lên 78% và hiện nay là khoảng 81%. Trái ngược với khối FDI, XK của các DN trong nước lại có xu hướng giảm, năm 2013 chiếm 25% tỷ trọng, năm 2015 giảm còn 21,4%, năm 2016 còn 19,2%. Nguyên nhân được chỉ ra là do khó khăn về nguồn vốn, tiếp cận thị trường khiến DN trong nước chậm chân hơn trong mở rộng sản xuất, sức cạnh tranh yếu.

 

Theo ông Phạm Hùng Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cao su Hà Nội: Do quy mô vốn hạn chế buộc DN trong nước phải sản xuất gia công nhằm nhận phần vốn ứng trước của đối tác phục vụ sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến DN nội ngày càng yếu sức cạnh tranh. 

 

Cùng đó, DN trong nước thường không XK trực tiếp mà hầu hết ký hợp đồng thông qua đối tác thứ 3 làm thương mại vì Việt Nam chưa có thương hiệu được khẳng định trên thị trường da giày thế giới; quản trị doanh nghiệp yếu kém… cũng là những nguyên nhân khiến DN nội không giành được sự tin tưởng của các nhà nhập khẩu lớn và buộc phải gia công cho các đối tác thứ 3.

 

Bà Đoàn Thị Thu Hà - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thành Dung - cho rằng: Với thế mạnh công nghệ sản xuất, thị trường, vốn khối FDI ngày càng lấn sân các DN trong nước. Đặc biệt về vấn đề nguyên phụ liệu, DN FDI đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nhau và hầu như không mua nguyên phụ liệu do DN Việt Nam sản xuất. 

 

Việc DN nội ngày một "lép vế" trong hoạt động XK cũng cho thấy, DN trong nước chưa tận dụng tốt những cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mang lại. Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng thư ký Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam - nhận định: Cần xác định rõ nguyên nhân khiến DN nội ngày một bị lấn sân, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ phù hợp. Theo đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để DN tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi hơn. Hỗ trợ vay ưu đãi, giảm thuế đối với một số hoạt động ít sinh lợi như: Chuyển giao công nghệ mới, thuế đất khi dịch chuyển DN, đầu tư vào lĩnh vực thuộc da ứng dụng công nghệ sạch, sản xuất nguyên phụ liệu và đầu tư cho xử lý môi trường. DN cũng cần sớm cải thiện năng lực sản xuất, gia tăng chất lượng sản phẩm, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.

 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực thi có hiệu quả nghị định về công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích DN FDI liên kết, chuyển giao công nghệ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, sản xuất và cung ứng các sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ, hình thành mạng lưới liên kết cung ứng sản phẩm dịch vụ giữa các DN.

 

Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, ngành da giày cần thay đổi tư duy chuyển sang nền kinh tế tri thức, cạnh tranh bằng giá trị. 

 

Việc cập nhật và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, mà còn giúp DN theo kịp sự thay đổi về nguyên phụ liệu; nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang