Thứ Bẩy, 04/05/2024 23:19:33 GMT+7

Tin đăng lúc 22-01-2017

Lượt xem: 2376

Xuất khẩu rau quả: Tăng trưởng vượt trội

Giữ vững tốc độ tăng trưởng XK ở mức trên 30%; vượt qua gạo để trở thành một trong những mặt hàng XK chủ lực; được cấp phép vào nhiều thị trường khó tính như Pháp, Australia, Hoa Kỳ…, rau quả đã thực sự trở thành điểm sáng trong các mặt hàng XK năm 2016.
Xuất khẩu rau quả: Tăng trưởng vượt trội
Rau quả - điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu năm 2016

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch XK rau quả năm 2016 ước đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Không chỉ Trung Quốc là thị trường chính, năm nay, trái cây Việt Nam còn XK thành công đến nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Trong 11 tháng, Việt Nam đã xuất gần 10.000 tấn quả tươi sang các thị trường này, gấp đôi so với cả năm 2015. Đây là kết quả của quá trình đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, sản xuất chuyên canh... Bà Phan Thị Diệu Hà – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đánh giá: Rau quả chính là điểm sáng nhất trong bức tranh XK năm 2016.

 

Ông Phạm Ngọc Thành - Ủy viên HĐQT, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Thực phẩm XK Đồng Giao - cho biết: Trong những năm qua, công ty đã XK số lượng lớn các loại nông sản như vải, dứa, dưa chuột, ngô ngọt, nước vải đóng hộp… vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc. Niên vụ 2016, ngoài thị trường lớn là Trung Quốc, công ty XK được 30 tấn vải tươi sang Malaysia, 2 tấn vải tươi tới Australia và 5 tấn vải đông lạnh tới Nhật Bản... Để làm được điều này, công ty đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều năm.

 

Với chất lượng tốt, được nhiều thị trường khó tính “mở cửa”, lại có cơ hội thuận lợi khi hàng loạt các FTA chuẩn bị có hiệu lực, XK rau quả được dự báo có thể tăng gấp 5, thậm chí 10 lần so với con số hiện nay. Tuy nhiên, để điều này thành hiện thực không đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ cơ quan quản lý đến DN.

 

Ông Phan Ngọc Thành chia sẻ, DN ngày càng có xu hướng tiến đến các thị trường tiên tiến và khắt khe về nguồn gốc, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, để có thể quản lý tốt chất lượng nguyên liệu đầu vào, các địa phương cần xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung, an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đồng thời ký kết với công ty để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu. Công ty sẽ tiêu thụ hết lượng sản phẩm của các vùng đã ký kết với giá thu mua cao hơn ít nhất 10% so với giá thị trường.

 

Bà Nguyễn Hoàng Thúy - Đại diện thương mại, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia - cho rằng, tiềm năng XK rau quả đến các thị trường khó tính, có giá trị cao tương đối lớn, nhưng số lượng còn ít do chỉ đi được bằng đường hàng không, cước phí rất cao. Do vậy, vấn đề bức thiết hiện nay là nhà nước, nhà khoa học phải quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, giúp sản phẩm bảo quản được lâu hơn.

 

Để hỗ trợ các DN XK rau quả, trước mắt, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, đẩy nhanh tốc độ xem xét các báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và quy định kiểm dịch thực vật (PRA) để mở cửa XK chính thức một số loại trái cây như bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, roi sang Trung Quốc; xoài, nhãn, bưởi, chôm chôm sang Đài Loan; thanh long ruột đỏ, vải thiều sang Nhật Bản... Đồng thời tiếp tục đôn đốc phía Trung Quốc sớm mở thêm các cửa khẩu nhập khẩu rau quả. Về lâu dài, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành xây dựng thương hiệu cho một số loại trái cây XK chủ lực.

 

10 năm qua ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội của mặt hàng rau quả. Nếu năm 2005, rau quả Việt Nam mới XK sang 36 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch đạt 235 triệu USD thì sau 10 năm, rau quả Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch XK tăng hơn 10 lần.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang