Thứ Hai, 29/04/2024 09:52:34 GMT+7

Tin đăng lúc 29-08-2016

Lượt xem: 4386

Xuất khẩu sang Nga: 3 mặt hàng chủ lực và cột mốc tháng 10

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á– Âu (EAEU) chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10 tới đây sẽ là một cột mốc đáng nhớ đối với các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Nga trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu chưa được như kỳ vọng.
Xuất khẩu sang Nga: 3 mặt hàng chủ lực và cột mốc tháng 10

 

Cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang Nga năm 2015

 

Bộ Công Thương cho biết, 3 ngành có lợi thế nhất của Việt Nam khi tham gia hiệp định này bao gồm thủy sản, dệt may và da giày.

 

Thủy sản và chế biến giảm thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Ngành da giày cũng hưởng thuế suất 0%. Dệt may có 1 số nhóm hàng cũng giảm thuế 0%, còn 1 số khác thì sẽ giảm theo lộ trình 3, 5, 10 năm.

 

Dự báo, sau khi FTA Việt Nam – EAEU có hiệu lực, kim ngạch hai chiều sẽ tăng bình quân 18 – 20%/năm, đạt mức 10 – 12 tỷ USD vào năm 2020.

 

Dệt may mới đạt 2% dung lượng thị trường

 

Theo trưởng đại diện Nga tại VN – ông Maxim Golikov, thị trường Nga là một thị trường đầy tiềm năng cho hàng dệt may của VN, mỗi năm thị trường này nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD các sản phẩm dệt may. Đặc biệt đây là thị trường không khó tính và phù hợp với các sản phẩm dệt may của VN. Tuy nhiên, đến nay mỗi năm ngành dệt may mới chỉ XK sang thị trường này được một con số vô cùng ít ỏi là 350 triệu USD, tức tương đương 2% nhu cầu của thị trường.

 

Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, với việc FTA VN – EAEU có hiệu lực từ 5/10 tới đây, ngành dệt may đang đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD ( tương đương 10% dung lượng thị trường) sang thị trường liên minh kinh tế Á – Âu, trong đó chủ yếu là thị trường Nga

 

Thực tế, trong những năm gần đây, thị trường tiêu thụ dệt may tại Nga đã có những bước phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu. Giới trẻ tại Nga đã bắt đầu có thói quen chi nhiều tiền hơn cho việc mua sắm của mình. Các sản phẩm quần áo chất lượng cao, mẫu mã đẹp mắt thường được ưa chuộng và tiêu thụ nhanh hơn, quan niệm đưa hàng giá rẻ, chất lượng thường vào Nga đã không hợp thời nữa. Vì vậy, các mặt hàng dệt may chất lượng cao cuả VN, mẫu mã phong phú sẽ có rất nhiều cơ hội kể từ tháng 10 tới đây.

 

Cơ hội lớn cho xuất khẩu giầy dép

 

Theo Hiệp hội Da giày, túi xách VN (Lefaso), Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc và Ý, nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Tuy nhiên, cũng giống như ngày dệt may, hiện nay ngày da giầy cũng chưa tự chủ được nguyên liệu, nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu XK. Trình độ công nghệ, nhân lực cho ngành da giày còn nhiều hạn chế. Quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất nguyên vật liệu ngành da giầy: da nguyên liệu, xơ bông, xơ nhân tạo, hóa chất… vẫn chưa có.

 

6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga đạt 749,50 triệu USD, trong đó XK giày dép đang ở vị trí thứ ba, đạt khoảng 45,44 triệu USD, tăng trưởng 40,9% so với cùng kỳ năm 2015. Ở vị trí đầu là điện thoại các loại và linh kiện, thứ hai là cà phê.

 

Gỡ rào cản cho thủy sản

 

Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho biết, từ nhiều năm qua, thị trường Nga đã được xác định là có sức tiêu thụ đặc biệt lớn, các mặt hàng nông thủy sản không có sự cạnh tranh trực tiếp nhiều. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu thủy sản không nhiều, mỗi năm chỉ đạt 106 – 110 triệu USD.

 

Theo các DN, rào cản lớn nhất hiện nay đối với thủy sản VN chính là yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Nga chưa minh bạch, khiến DN rất khó khăn. Số DN đạt yêu cầu xuất hàng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với số đăng ký với Bộ NN&PTNN và Bộ Công thương.

 

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, nắm bắt được những rào cản này mà trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã đưa ra nội dung tiến tới công nhận tương đương lẫn nhau về hệ thống quản lý vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản. Theo quy định của FTA EAEU, với một quốc gia có hệ thống quản lý chất lượng tương đương thì DN được phía bạn chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu.

 

Nguồn Enternews


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang