Thứ Bẩy, 27/04/2024 23:12:38 GMT+7

Tin đăng lúc 13-11-2016

Lượt xem: 4554

Xuất khẩu sang Trung Quốc: Tạo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất lên đến cửa khẩu

Ngày 12/11, tại Lạng Sơn, Bộ Công Thương phối hợp cùng UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đã tổ chức Hội nghị “Kết nối thương nhân xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc”. Đại diện các địa phương và một số lượng lớn doanh nghiệp xuất nhập hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã tham dự Hội nghị.
Xuất khẩu sang Trung Quốc: Tạo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất lên đến cửa khẩu
Các doanh nghiệp ký kết ghi nhớ kết nối hợp tác

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Công Trưởng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, Hội nghị “Kết nối thương nhân xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc” nằm trong chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo của Bộ Công Thương. Đây là dịp để tỉnh Lạng Sơn, các địa phương và doanh nghiệp, thương nhân trong nước giới thiệu, kết nối hợp tác kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc, tạo sự gắn kết của các doanh nghiệp trong kinh doanh xuất nhập khẩu. Hội nghị là dịp để các doanh nghiệp hai bên nắm bắt thông tin về cơ chế chính sách của hai nước, tao điều kiện cho doanh nghiệp, trao đổi tìm kiếm bạn hàng. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp kiến nghị với các cơ quan chức năng hai bên giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của hai nước phát triển.

 

Tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá lớn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, như mủ cao su chiếm tới 70-75% kim ngạch xuất khẩu; hạt điều xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20%; sắn chiếm 100%; thanh long chiếm 67%.... Bên cạnh những thuận lợi, kinh tế mậu biên giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức như cơ chế, chính sách quản lý thương mại khác biệt giữa hai nước; mua bán vẫn theo hình thức đi chợ, không có hợp đồng dẫn tới tình trạng hàng hóa dồn ứ tại các cửa khẩu; xuất tiểu ngạch vẫn phổ biến. Cần phải có những cơ chế, chính sách để hạn chế những điểm yếu kém này…

 

Hội nghị thu hút nhiều doanh nghiệp hai nước tham gia

 

Tham gia chủ trì Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hội - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, lĩnh vực xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy sản được Chính phủ, các bộ ngành hết sức quan tâm. Đặc biệt, với thị trường Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn trong xuất khẩu nông, lâm, thủ sản của Việt Nam lại càng được quan tâm hơn. Thời gian qua, những mặt hàng này của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tương đối lớn, tuy nhiên cách thức hợp tác giữa các doanh nghiệp, thương nhân còn những hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao. Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, thì các hình thức kinh doanh, mua bán xuất nhập khẩu cần được triển khai chuyên nghiệp, chuẩn hóa. Đối với mặt hàng nông, lâm thủy sản cần phải tạo sự kết nối giữa các thương nhân, doanh nghiệp từ khâu sản xuất lên đến cửa khẩu, như vậy mới tạo được sự ổn định, bền vững…

 

Tham gia triển lãm giới thiệu một số sản phẩm nông sản ngay tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Cương – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương đã giới thiệu những thế mạnh của các sản phẩm, mặt hàng nông sản Hải Dương đến các doanh nghiệp Việt Nam  và Trung Quốc. Ông Nguyễn Anh Cương đánh giá cao hiệu quả của hội nghị qua việc kết nối giao thương tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Hải Dương tiếp xúc, trao đổi với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là với các thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc. “Tỉnh Hải Dương sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến thu mua, xuất khẩu nông sản…” – ông Cương nhấn mạnh.

 

Theo đại diện Sở Thương mại (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc), hợp tác thương mại của Quảng Tây và các địa phương của Việt Nam có tiềm năng và triển vọng lớn. Quảng Tây không ngừng hoàn thiện công năng cửa khẩu biên giới, tích cực thúc đẩy mối quan hệ thương mại, trao đổi qua lại các sản phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt là hoa quả với Việt Nam… Quảng Tây và tỉnh Lạng Sơn đang đẩy mạnh đôn đốc các huyện thị giáp biên phát huy ưu thế cửa khẩu trong hoạt động xuất nhập khầu hàng nông, lâm thủy sản…

 

Giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương 


Hội nghị có sự thanm gia ý kiến của các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, kiến nghị với các ngành chức năng hai nước về các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là tạo thuận lợi cho hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc. Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng đã ký kết ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác, kết nối giao thương.

Cuối hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, có chương trình hành động thiết thực để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển như việc minh bạch cơ chế chính sách, quản lý điều hành, phân công, phân cấp giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, tránh chống chéo, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp…

Nguồn Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang