Chủ Nhật, 28/04/2024 19:03:15 GMT+7

Tin đăng lúc 15-11-2016

Lượt xem: 2100

Xuất khẩu tỷ đô, "ăn đong" nguyên liệu

Thủy sản, dệt may, da giày hay gỗ... chỉ là một trong nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam rơi vào tình cảnh là có giá trị xuất khẩu tỷ USD nhưng thường xuyên phải "ăn đong"nguyên liệu, dẫn tới không thể mở rộng thị trường xuất khẩu và nguy cơ là đánh mất cơ hội từ hội nhập đem tới.
Xuất khẩu tỷ đô, "ăn đong" nguyên liệu
Ngành hàng thủy sản đã có nhiều mặt hàng hiện nay đang gặp khó về nguồn cung nguyên liệu, điển hình như cá tra, tô

Thủy sản, dệt may, da giày hay gỗ... chỉ là một trong nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam rơi vào tình cảnh là có giá trị xuất khẩu tỷ USD nhưng thường xuyên phải “ăn đong”nguyên liệu, dẫn tới không thể mở rộng thị trường xuất khẩu và nguy cơ là đánh mất cơ hội từ hội nhập đem tới.

 

Đánh giá về những khó khăn đang thách thức hoạt động xuất khẩu của DN Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh những tác động khách quan như nhu cầu tiêu dùng giảm, các nước dựng rào kỹ thuật khắt khe… vẫn còn nhiều mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực như điện thoại di động, hàng điện tử, dệt may, da giày… có giá trị xuất khẩu cao nhưng các ngành này chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

 

Bấp bênh nguyên liệu

 

Trên thực tế, riêng ngành hàng thủy sản đã có nhiều mặt hàng hiện nay đang gặp khó về nguồn cung nguyên liệu, điển hình như cá tra, tôm. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2016 này, các vùng nguyên liệu cho ngành thủy sản khó khăn khiến nguyên liệu chế biến tôm tăng cao.

 

Đồng thời, theo các DN chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhu cầu cá tra xuất khẩu dịp cuối năm rất lớn, đặc biệt là Trung Quốc, nhưng các DN đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguyên liệu chế biến.

 

Vasep cho biết, hiện ngành cá tra trong tình trạng “cung chưa gặp cầu”. Nhu cầu lớn, nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu khả năng kéo dài tới cả năm 2017.

 

Là nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới, Việt Nam có cơ hội gia tăng thị phần khi nhu cầu tăng lên nếu bảo đảm chất lượng sản phẩm nhưng việc này không hề đơn giản bởi hơn một nửa nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu với chất lượng không cao, khó kiểm soát.

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 10 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu 913.000 tấn điều thô, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và 39% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo cả năm nay, Việt Nam có thể nhập khẩu cán mức 1 triệu tấn nguyên liệu (nếu cả nhập tiểu ngạch từ Campuchia), chiếm tới 65% lượng điều chế biến trong nước.

 

Như vậy, dù được đánh giá là ngành hàng mang lại kim ngạch “tỷ đô”, nhưng với số lượng nhập khẩu như trên, ngành điều là một trong những ngành hàng có cung cầu nguyên liệu mất cân đối nghiêm trọng nhất.

 

Tương tự như tình cảnh của những mặt hàng trên, ngành gỗ thiếu hụt nguồn cung trong khi sản phẩm gỗ xuất khẩu ngày càng nhiều và được mở rộng. Vì vậy, mỗi năm Việt Nam đã phải nhập khẩu từ 4 – 4,5 triệu m3 gỗ, từ hơn 100 quốc gia khác nhau.

 

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia chính sách đến từ Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) tại Việt Nam, cùng với các chuyên gia từ Hiệp hội Gỗ và chế biến Lâm sản Việt Nam từng cho biết: Lượng nhập khẩu gỗ của Việt Nam mấy năm qua rất lớn, gia tăng mạnh, giá trị nhập khẩu gỗ nguyên liệu nhập khẩu mỗi năm trên 1,5 tỷ USD.

 

Tiếp đó là ngành da và giày, mặc dù chiếm 5% sản lượng toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày và túi xách Việt Nam đạt được trong năm 2015 là 14,9 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cả nước. Tuy vậy, tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ đạt mức 40 – 50% và những nguyên liệu quan trọng nhất vẫn phải nhập khẩu.

 

Rủi ro nguyên liệu, mất cơ hội

 

Sự thiếu đồng bộ trong cung ứng nguyên phụ liệu đang trở thành nút thắt của ngành da giày Việt Nam, khiến giá trị gia tăng của toàn ngành chưa tương xứng với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. Đồng thời, việc nhập nguyên liệu mất rất nhiều thời gian và khiến các doanh nghiệp bị động.

 

Có thể thấy, nguồn cung nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng rất lớn tới thành tích xuất khẩu của Việt Nam mà vô hình trung còn đánh mất các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu từ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đem lại.

 

Năm 2016 được coi là năm có nhiều Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực. Tuy nhiên, thay vì mở ra một “chương mới” trong xuất khẩu thì Việt Nam lại phải đối mặt với việc khó hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu tăng trưởng 10%.

 

Một trong những nút thắt cần phải giải quyết là bài toán nguồn cung nguyên liệu. Lý giải lí do vì sao DN ngành da giày không thể sử dụng nguyên liệu trong nước, đại diện Hiệp hội da – giày – túi xách Việt Nam (LEFASO), chia sẻ, nguyên liệu trong nước không đẹp, chất lượng chưa thực sự tốt với kỹ thuật thô sơ. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận nhập nguyên liệu từ nước ngoài, mặc dù việc nhập nguyên liệu đội giá thành sản phẩm lên.

 

Theo dự báo của Vasep về thị trường xuất khẩu của cá tra, thị trường châu Á tới đây có thể tăng gấp rưỡi thị trường Mỹ (thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam hiện nay), đặc biệt là thị trường Trung Quốc tăng rất nhanh (9 tháng đầu năm tăng gần 80%). Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong lúc nhu cầu lớn, thì sản lượng nuôi của người dân giảm khoảng 30%, bản thân cá nuôi của DN cũng giảm dẫn tới DN xuất khẩu thiếu nguyên liệu.

 

Vì thế, Vasep nhận định là do thiếu nguyên liệu, trong tháng 11 này, các nhà máy chế biến cá tra giảm tới 30% công suất so với tháng trước, trong khi nhu cầu của thị trường tháng 11 trở đi tăng tới 40%.

 

Bên cạnh đó, đối với trường hợp ngành gỗ, các chuyên gia lo ngại rằng việc DN chủ yếu chú trọng vào gỗ nhập về mà không kiểm soát nguồn gốc, dễ khiến mặt hàng xuất khẩu dính những vụ kiện cáo thương mại và dễ rơi vào bẫy tự do hóa thương mại.

 

Ông Phúc cảnh báo: “Các nước quy định sản phẩm gỗ chế biến như bàn ghế, đồ trưng bày, giường tủ… đều phải có chứng chỉ nguồn gốc nhập khẩu, sản phẩm gỗ phải hợp pháp, không phải là hàng trái phép. Nếu các sản phẩm không đáp ứng được với các yêu cầu về tính hợp pháp đều đối mặt với các rủi ro như: cấm nhập khẩu hoặc xử phạt theo cơ chế bảo vệ rừng và tài nguyên”.

 

Vì vậy, Ts. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia cho rằng, câu chuyện thúc đẩy xuất khẩu phải được giải quyết từ gốc vấn đề. “Cần sớm có giải pháp nâng cao giá trị cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là trong bối cảnh giá xuất khẩu cùng lượng xuất khẩu đều giảm mạnh như hiện nay”, Ts. Ân nhấn mạnh.

 

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương
-------------------------------

Hàng loạt hiệp định thương mại tự do như EVFTA, TPP hay AEC đã và đang tạo ra những hiệu ứng tích cực, mở ra triển vọng tốt cho xuất khẩu. Tuy nhiên, những vấn đề về nguyên phụ liệu vẫn đang là điểm ngẽn cần phải tháo gỡ của DN Việt nếu muốn gia tăng giá trị xuất khẩu.

Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)
-------------------------------

Nguồn cung hạn chế dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu cho ngành chế biến thủy sản trong thời gian gần đây, gây nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất của DN thủy sản. Trong bối cảnh này, DN phải tìm mọi biện pháp đảm bảo nguyên liệu đầu vào, trong đó có đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường khác.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký LEFASO
-------------------------------

Lâu nay, nhiều DN đã quan tâm đầu tư nguyên phụ liệu nhưng manh mún, nhỏ lẻ do chưa có chính sách hỗ trợ, ưu đãi thiết thực. Để tháo gỡ khó khăn này, LEFASO kiến nghị cần sớm có một khu công nghiệp tập trung và thực hiện nghiêm túc Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp da giày đến năm 2020 – tầm nhìn đến 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt; thiết lập khu công nghiệp chuyên ngành vào một nơi để đồng bộ hệ thống xử lý nước thải chuyên ngành nhằm giảm chi phí sản xuất cho DN.

 

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang