Bắc Giang là địa phương có tuyến đường huyết mạch lưu thông với các cửa khẩu tại Lạng Sơn nên từ lâu người dân nơi đây quen với việc sử dụng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Với mục tiêu giúp người dân địa phương biết và tin dùng hàng hóa sản xuất trong nước thay vì sử dụng hàng hóa ngoại nhập, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã rất chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa hàng Việt về với người dân nông thôn và thu được kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm có tới 95% người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc nội địa. Hàng tiêu dùng, tỷ lệ này chiếm trên 70%, hàng may mặc chiếm 60%, hàng vật tư nông nghiệp chiếm 80%... Các DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chú trọng cải tiến mẫu mã, chất lượng, cũng như giá cả phù hợp với thị hiếu và thu nhập của người dân. Các DN phân phối, bán lẻ cũng đã quan tâm mở rộng thị trường nội địa, nhất là thị trường tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tiếp theo thành công của các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trước, vừa qua, tại huyện Lục Ngạn đã diễn ra chương trình đưa hàng Việt về nông thôn toàn huyện. Chương trình lần này thu hút được 20 DN sản xuất, kinh doanh với trên 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm cùng 2 gian hàng mang đặc trưng của huyện, 4 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình. Trong đó, có nhiều đơn vị uy tín, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như: Công ty CP sản xuất Nhựa Duy Tân; Công ty CP Bột giặt Lix; Công ty Cổ phần thực phẩm Choilimex; Công ty TNHH Một thành viên trà Tâm Lan; Công ty cổ phần Thế hệ Xanh; Công ty TNHH Nam Phương Việt Nam… Tại đây, các DN bán và giới thiệu nhiều mặt hàng như: May mặc, đồ gia dụng, đồ dùng học tập, hàng điện tử, dịch vụ viễn thông, thực phẩm, công nghệ, công cụ sản xuất nông nghiệp... tất cả đều là hàng Việt Nam, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý. Phiên chợ đã thu hút đông đảo người dân địa phương cũng như bà con nhiều vùng lân cận đến thăm quan và mua sắm. Đây chính là cơ hội tốt để các DN sản xuất quảng bá hình ảnh, tìm hiểu thị trường, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời, tìm đầu ra cho hàng hóa của đơn vị ở khu vực nông thôn, giúp người dân địa phương có cơ hội biết cách phân biệt, lựa chọn tránh mua nhầm hàng nhái, kém chất lượng…
Có thể nói, trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng ngoại nhập thì những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển thị trường cho hàng Việt hiện nay. Sau những nỗ lực của các địa phương thì đến nay bà con đã dần có thói quen sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, nhiều DN Việt đã có ý thức hơn trong việc nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm và quan tâm nhiều hơn đến thị trường tiêu dùng khu vực nông thôn. Tuy nhiên, để tăng sức hút các phiên chợ, các cấp chính quyền, ngành chức năng và DN cần có một chiến lược dài hơi, đồng bộ và hiệu quả, linh hoạt hơn. Ban tổ chức các phiên chợ cần vận động và lựa chọn những DN có uy tín cũng như các loại hàng hóa đa dạng, phong phú với mẫu mã, giá cả phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục tăng cường kinh phí cho việc xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN tham gia chương trình, đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng… nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Quỳnh Anh