Tiềm năng vùng nông sản, dược liệu
Theo thống kê, đến giữa năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành rà soát, thẩm định, kiểm tra đánh giá thực tế và cấp mới 64 mã số vùng trồng, qua đó tiếp tục định hướng cho các hộ nông dân, HTX nông nghiệp chủ động tham gia đánh giá chương trình OCOP, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.
Trong đó, vải thiều được cấp mới mã vùng trồng nhiều nhất với tổng số 43 mã vùng trồng (diện tích hơn 1 nghìn ha) đạt 204,7% kế hoạch; tập trung ở các huyện Tân Yên 21 mã (diện tích 739,29 ha); Yên Thế 03 mã (diện tích 40,37 ha); Lục Ngạn 18 mã (diện tích 240,35 ha); Sơn Động 01 mã (diện tích 36,1 ha).
Đối với mã số vùng trồng bưởi, đã rà soát, cấp mới 02 mã vùng trồng với diện tích 20 ha tại huyện Lục Ngạn đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Mã số vùng trồng nhãn, cấp mới 10 mã nhãn xuất khẩu với tổng diện tích là 110,3 ha, trong đó có 05 mã xuất khẩu sang Nhật Bản với diện tích 52 ha, 05 mã nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Úc với diện tích 58,3 ha. Ngoài ra, các mã số vùng trồng rau các loại tập trung ở các huyện Yên Dũng, Tân Yên, Hiệp Hòa…
Cam Lục Ngạn chủ yếu có 3 loại gồm: Cam đường canh, cam Vinh và cam V2. Quả cam đường canh chín đỏ đẹp, ăn ngọt lịm; còn cam Vinh hay còn gọi cam lòng vàng có kích thước to hơn, chín vàng, ăn có vị ngọt dịu mát và hương thơm đặc trưng
Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động trồng trọt, như xây dựng bản đồ số hoá các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó đã có 139 vùng sản xuất lúa tập trung, tổng diện tích 18.446 ha; 78 vùng rau, tổng diện tích 7.254 ha; 42 vùng vải, tổng diện tích 21.186 ha; 9 vùng sản xuất cam, tổng diện tích 2.750 ha...
Bên cạnh đó, Bắc Giang là một tỉnh thuộc trung du miền núi Đông Bắc Bộ có nhiều tiềm năng phát triển vùng trồng cây thuốc, đất đai và khí hậu phù hợp với nhiều loài cây trồng, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý xuất xứ từ các nguồn khác nhau. Nhiều loài cây thuốc đã được trồng ở tỉnh như Ba kích, Trà hoa vàng, Đinh Lăng, Nhân Trần, Sâm Nam núi Dành, Sâm cau, Địa liền, Kim tiền thảo,… Hiện, toàn tỉnh có gần 670 ha cây dược liệu lâu năm và hằng năm, tập trung ở các huyện: Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên.
Các huyện, thị xã, cũng thực hiện nhiều chính sách để xây dựng, nhân rộng diện tích trồng cây dược liệu, liên kết sản xuất. Đơn cử như huyện Tân Yên ban hành Đề án “Phát triển sản xuất sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022-2027”. Kết quả đến nay, toàn huyện có 106 ha sâm Nam. Riêng năm 2023, diện tích trồng mới là 34,5 ha (đạt 111,3% kế hoạch đề ra từ đầu năm); giá trị kinh tế đạt hơn 5,2 tỷ đồng/ha/chu kỳ sản xuất. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn hình thành các chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp.
Tạo lợi thế phát triển sản phẩm OCOP
Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có chính sách và nhiều hoạt động hỗ trợ chủ thể xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP tại các vùng nông nghiệp, dược liệu như hỗ trợ chuyển giao công nghệ; cấp nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý; tổ chức cho các chủ thể tham gia hội nghị kết nối cung-cầu, xúc tiến thương mại.
Năm 2024, tỉnh Bắc Giang dự kiến phân bổ khoảng 20,9 tỷ đồng triển khai Chương trình OCOP. Theo đó, mức hỗ trợ đối với các sản phẩm OCOP bao gồm cả các sản phẩm mới, gia hạn, nâng sao thấp nhất là 20 triệu đồng, cao nhất 300 triệu đồng/sản phẩm.
Từ tiềm năng của địa phương cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp đã tạo động lực mạnh mẽ để các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP nâng cao vị thế nông sản, dược liệu tỉnh Bắc Giang.
Sâm nam Núi Dành khô, sản phẩm đạt OCOP 4 sao của HTX Sản xuất & Tiêu thụ Sâm nam Núi Dành (huyện Tân Yên)
Tiêu biểu là huyện Lục Ngan đứng đầu toàn tỉnh với 40 sản phẩm OCOP với những sản phẩm đặc trưng như: Giấm tỏi ớt Kim Ngân; Giấm vải Kim Ngân; Giấm táo Kim Ngân; Giấm táo mèo Kim Ngân; Mỳ Chũ Green; Mỳ gạo Lục Ngạn; Vải thiều Lục Ngạn; Cam ngọt Lục Ngạn,; Bưởi da xanh Hồng Xuân; Cam Vinh Hồng Xuân; Bưởi Diễn Hồng Xuân,…
Huyện Tân Yên có diện tích trồng Sâm nam Núi Dành là 71,5 ha, riêng năm 2022 diện tích trồng mới là 47,5 ha, sản phẩm thu được từ củ sâm khoảng 3,7 tấn, giá bán từ 1,5-2 triệu/kg; Hoa sâm 5,5 tấn, giá bán từ 0,8-1 triệu đồng/kg khô; hiệu quả kinh tế đạt khoảng 6,05 tỷ đồng/ha/chu kỳ sản xuất. Tính đến ngày 30/3/2024, diện tích sâm trên địa bàn huyện cho thu hoạch trên 115ha trong đó có 18ha cho thu hoạch củ còn lại đã và đang cho thu hoạch hoa và lá. Huyện Tân Yên có sản phẩm Sâm nam Núi Dành khô của HTX Sản xuất & Tiêu thụ Sâm nam Núi Dành và Nụ hoa Sâm nam Núi Dành của HTX sản xuất & tiêu thụ Sâm nam Núi Dành Liên Chung đạt OCOP 4 sao.
Bắc Giang là một trong 5 tỉnh đi đầu cả nước về phê duyệt đề án và triển khai thực hiện Chương trình OCOP một cách bài bản, có hệ thống, từ việc bố trí bộ máy quản lý chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành và vận dụng các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, đến hướng dẫn quy trình triển khai, tư vấn sản phẩm, xúc tiến thương mại
Có thể thấy, dư địa để xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang còn rất lớn, nhất là các sản phẩm thảo dược. Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực từ các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất cần chủ động nắm bắt cơ chế chính sách, mạnh dạn đầu tư cơ sở, máy móc, thiết bị, nâng cao chất lượng, tăng cường liên kết,... để tham gia chương trình OCOP, nhằm nâng tầm sản phẩm và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Minh Ngọc