Theo ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, đến nay, Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Chương trình OCOP được tỉnh Bắc Giang quan tâm phát triển theo chiều sâu, tạo hiệu quả bền vững, thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX phát triển. Chương trình OCOP đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia đăng ký đánh giá, phân hạng.
Năm nay, tỉnh Bắc Giang có 253 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng OCOP; trong đó, có 188 sản phẩm mới, 45 sản phẩm đánh giá lại và 20 sản phẩm nâng hạng sao. Các huyện, thành phố, thị xã đã thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, dự kiến hoàn thành công tác đánh giá đợt 1 năm 2024 trong tháng 7/2024.
Bên cạnh việc đánh giá mới và đánh giá lại sản phẩm OCOP, Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh Bắc Giang ban hành công văn đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm tiềm năng 5 sao cấp quốc gia đối với 2 sản phẩm: Vải thiều Bắc Giang, long nhãn Bắc Giang của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco. Ngoài ra, Chi cục đã phối hợp với UBND các huyện Yên Thế, Lục Ngạn khảo sát đánh giá sản phẩm tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP 5 sao trên địa bàn.
Tận dụng lợi thế của địa phương, HTX Sao Thần Nông đã phát triển, liên kết được vùng sản xuất an toàn lên tới 200ha, cho thu hoạch 2.000 tấn khoai tây, 4.000 tấn dưa hấu mỗi năm
Trao đổi với đại diện Phòng Kinh tế huyện Yên Dũng được biết: Đến nay, huyện Yên Dũng có 24 sản phẩm OCOP. Năm 2024, huyện Yên Dũng có 17 sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phấn đấu có tối thiểu từ 06 - 08 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó có tối thiểu 01 - 02 sản phẩm OCOP năm 2024 gắn với điểm dịch vụ du lịch trải nghiệm nhằm thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch của huyện.
Trong 17 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, có 16 sản phẩm mới gồm: Măng tây Yên Dũng (HTX Rau sạch Yên Dũng); Dưa lưới (HTX CNC Trí Yên); Rượu đông trùng hạ thảo, trà đông trùng hạ thảo HunDu (HTX Nuôi cấy đông trùng hạ thảo Hùng Uyên); Khoai tây Yên Dũng (HTX Sao Thần nông); Bình hút lộc đắp nổi, lộc bình cỡ đại đắp nổi (Doanh nghiệp Gốm sứ Hoàng Vũ); Mắm tép trưng thịt Phương Thảo (cơ sở Nguyễn Thị Phương Thảo); Tinh bột củ sen, củ sen chiên giòn, củ sen tươi, củ sen khô (HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Bảo Ngọc); Mật ong Khe Róc (HTX Nông nghiệp & Dịch vụ Nham Biền); Bánh hạt ngũ cốc, mật ong núi Phượng Hoàng, tinh bột sắn dây ta (HTX Nông nghiệp sạch Thùy Dương). Có 01 sản phẩm đánh giá lại Tương Tiên La (HTX Dịch vụ Sản xuất và Kinh doanh sản phẩm Tương Tiên La).
Nhờ tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm của HTX Sao Thần Nông được nhiều người biết đến, nhiều đối tác tìm đến hợp tác giúp cho sản phẩm tiêu thụ thuận lợi
Chị Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc HTX Sao Thần Nông (huyện Yên Dũng) chia sẻ: HTX đã có 02 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; Khoai tây sao thần nông (năm 2021), Dưa hấu Sao thần nông (năm 2022). HTX liên kết với các hộ nông dân trồng khoảng 150ha khoai tây, cho sản lượng 2.000 tấn/năm; dưa hấu khoảng 50ha, trồng 03 vụ, tương đương 4.000 tấn/năm. Sản phẩm được bán chủ yếu ở trong nước tại các siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn công nghiệp,… Khi tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm được nhiều người biết đến, sức lan tỏa thông tin trên các phương tiện truyền thông nhanh hơn nên đối tác tìm đến mua sản phẩm rất đông. Năm 2024, HTX đăng ký tham gia đánh giá phân hạng OCOP sản phẩm khoai tây Yên Dũng. Đây là loại khoai có củ hình ô van, tròn, vỏ màu vàng, ruột vàng đậm, bở, tơi, thơm ngon, có vị ngọt đặc trưng. Chúng tôi hy vọng, sản phẩm sẽ đạt chứng nhận OCOP để HTX có thêm lợi thế đưa sản phẩm ra thị trường.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Tân Yên cho biết, huyện có 33 sản phẩm OCOP, trong đó 7 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao. Các sản phẩm được chứng nhận đã hoàn thiện bao bì, tem nhãn, chuẩn hóa về chất lượng theo nhu cầu của thị trường. Kéo theo đó, mức độ phát triển và tiêu thụ tương đối tốt. Giá trị sản phẩm được nâng lên hẳn so với thời điểm chưa làm OCOP. Trước khi tham gia Chương trình OCOP, phần đa các cơ sở chưa chuẩn hóa từ quy trình sản xuất đến tiêu chuẩn, chất lượng; bao bì chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Khi được chứng nhận OCOP, các chủ thể đã hoàn chỉnh hơn quy trình sản xuất, kiện toàn bao bì, nâng cao chất lượng nên được người tiêu dùng tin tưởng và yên tâm về chất lượng sản phẩm. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, năm 2024 trên địa bàn huyện đã có 30 sản phẩm đăng ký tham gia sản phẩm OCOP, trong đó đăng ký mới 22 sản phẩm.
HTX Sản xuất & Tiêu thụ Sâm nam Núi Dành xã Liên Chung, huyện Tân Yên tự tin đưa sản phẩm ra thị trường, mở rộng hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm
Tự hào là một trong những đơn vị có sản phẩm đạt OCOP 4 sao, chị Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ Sâm nam Núi Dành (huyện Tân Yên) chia sẻ: Sản phẩm Nụ hoa Sâm nam Núi Dành đã được UBND tỉnh Bắc Giang cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Qua tham gia Chương trình OCOP, HTX đã chuẩn hóa được quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng đến tay người tiêu dùng. HTX đã triển khai nhiều kênh tiêu thụ sản phẩm như các cửa hàng đặc sản vùng miền, các hội chợ thương mại, các kênh bán hàng online, các trạm dừng nghỉ,... Sau khi đạt OCOP, lượng tiêu thụ tăng lên tới 50.000 sản phẩm/năm. Năm 2024, HTX đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm Sâm nam Núi Dành củ tươi. Đây là loại sâm già, có tuổi từ 7-9 năm, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; được đóng gói đẹp, sang trọng, phù hợp với phân khúc thị trường cao cấp. Chúng tôi tin tưởng sản phẩm sẽ được thị trường đón nhận tích cực.
Có thể thấy, Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang đã tạo niềm tin và động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất phát triển. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể OCOP đã có những chuyển biến rõ nét sau khi tham gia đánh giá, phân hạng và đạt OCOP. Giấy chứng nhận OCOP trở thành giấy thông hành, trực tiếp đưa sản phẩm của cơ sở sản xuất đến với người tiêu dùng trong sự yên tâm, tin tưởng.
MN