Thứ Sáu, 22/11/2024 05:39:43 GMT+7
Lượt xem: 6312

Tin đăng lúc 02-08-2015

Bình Định phát triển làng nghề, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương

Bình Định là một trong những tỉnh có nhiều làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống, hình thành và phát triển từ lâu đời, với nhiều sản phẩm đặc sắc, mang đậm nét văn hóa dân tộc, có giá trị kinh tế cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bình Định phát triển làng nghề, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương
Ảnh minh họa

Thực hiện Quyết định số 786/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định ngày 08/11/2006 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 09/2007/QĐ-UBND ngày 10/5/2007 và Quyết định số 47/2013/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 về việc ban hành Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 13,7 tỷ đồng, nhằm xây dựng hạ tầng, nhà trưng bày sản phẩm, đào tạo nghề, tham gia hội chợ, triển lãm…, với sự nỗ lực triển khai tích cực của Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh, Bình Định đã có thu được nhiều kết quả quan trong trong việc khôi phục và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng tài nguyên ở địa phương, tận dụng thời gian nông nhàn, góp phần thực hiện “Chương trình xây dựng nông thôn mới”.

 

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 50 làng nghề được quy hoạch phát triển (quy hoạch năm 2010 là 38 làng nghề) với 7.285 hộ tham gia sản xuất, chiếm 29% so với tổng số hộ trong làng nghề, giải quyết trên 16.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 14 -24 triệu đồng/lao động/năm. GTSX công nghiệp của các làng nghề chiếm khoảng 5% trong tổng GTSX công nghiệp toàn tỉnh (năm 2006 là 3%). Trong đó, có 38 làng nghề được công nhận đạt tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 131/2005/QĐ-UBND ngày 13/12/2005 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, có 7 vùng nghề có xu hướng phát triển trên địa bàn 2 huyện Hoài Nhơn và Tây Sơn. Địa phương có số làng nghề nhiều nhất và phát triển tốt nhất phải kể đến thị xã An Nhơn với 21 làng nghề, chiếm 42% so tổng số làng nghề toàn tỉnh, có 3.019 hộ, giải quyết 6.894 lao động; bao gồm: 07 làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm (rượu, bún, bánh đậu khuôn, cốm…); 01 làng nghề thủ công mỹ nghệ (tiện gỗ mỹ nghệ); 13 làng nghề sản xuất công cụ, tiêu dùng (nón lá, đan đát, rèn, gốm…) và được công nhận 19/21 làng nghề đạt tiêu chí. Sản phẩm làng nghề rất đa dạng và phong phú như: tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, rượu Bàu Đá, nón ngựa Phú Gia, bún song thằn… Nhiều làng nghề sau khi được công nhận đã phát huy hiệu quả tích cực về số lượng cơ sở như làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu; bún bánh An Thái; bún tươi Ngãi Chánh, nón lá Gò Găng, nón lá Thuận Hạnh…

 

 

Ảnh minh họa

 

Đối với các làng nghề sản phẩm có thị trường tiêu thụ, có sức cạnh tranh, sản xuất ổn định, Tỉnh sẽ hỗ trợ vốn đầu tư công trình bảo vệ môi trường (đối với các cơ sở sản xuất trong làng có gây ô nhiễm môi trường); hỗ trợ xây dựng đường bê tông xi măng và công trình nước sạch (đối với những vùng không có nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt); hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị kỹ thuật tiến bộ vào một số khâu sản xuất chủ yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm;hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho lao động; hỗ trợ xây dựng Website, thương mại điện tử để mua bán trực tuyến, quảng bá giới thiệu sản phẩm, thương hiệu nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển. Khuyến khích thành lập và phát triển các doanh nghiệp đầu mối để hỗ trợ phát triển làng nghề.

 

Trong những năm trước mắt quy hoạch chi tiết xây dựng một số làng nghề tiêu biểu phục vụ du lịch (làng nghề Rượu Bàu Đá, Tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, Nón ngựa Cát Tường). Tổ chức sắp xếp lại sản xuất, đăng ký chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm phù hợp nhu cầu khách tham quan du lịch.

 

Để phấn đấu đến năm 2020 giá trị SXCN từ các làng nghề chiếm khoảng 5,7% giá trị SXCN của tỉnh, thu hút và tạo thêm việc làm mỗi năm khoảng 2.000 - 2.500 lao động; tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm như hải sản khô, rượu Bàu Đá và hàng thủ công mỹ nghệ, trong thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề ban hành tại Quyết định số 47/2013/QĐ-UBND ngày 20/12/2013.

 

Anh Tuấn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang