Không thể phủ nhận, thời gian qua, các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký đầu tư, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Cụ thể, đã có 336 cơ sở sản xuất đăng ký đầu tư vào các CCN với tổng vốn đăng ký 8.038 tỷ đồng. Trong năm 2019 đã nộp ngân sách cho Nhà nước 207 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 19.256 lao động với mức lương bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/một tháng.
Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho hay, công tác phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ, áp dụng khoa học kĩ thuật; góp phần sản xuất thêm nhiều hàng hóa tiêu dùng nội địa và sản phẩm phục vụ xuất khẩu; tạo điều kiện thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư vào phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội của tỉnh nói chung.
Dù có nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên thực tế, việc thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn còn nhiều khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các CCN. Trong đó, công tác đầu tư, phát triển hạ tầng kĩ thuật và thu hút đầu tư thứ cấp vào các CCN trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Do thiếu vốn dẫn đến tình trạng đầu tư xây dựng không đồng bộ, manh mún, chắp vá, đầu tư theo dạng cuốn chiếu, ngoài ra các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển CCN của Bình Định chưa phát huy hiệu quả, do đó khó thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Bên cạnh đó, việc đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi chậm. Trong khi doanh nghiệp lại không được quyền quản lý hoàn toàn mà phải chịu sự chi phối từ đa ngành như Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường… do vậy, tỷ lệ thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng thấp.
Mặt khác, một số địa phương đã quy hoạch nhiều CCN nhằm mục đích để nhận vốn hỗ trợ từ ngân sách, khi nguồn vốn hỗ trợ không cân đối được, dẫn đến việc chưa đầu tư, đầu tư không đồng bộ, hoặc tạm dừng đầu tư trong thời gian dài, làm ảnh hưởng tới quy hoạch chung của CCN và môi trường trong khu vực. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư của một số dự án còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và xây dựng công trình cũng là nguyên nhân gây hạn chế trong thu hút đầu tư.
Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, hiện nay Sở Công Thương Bình Định đang tăng cường các giải pháp nhằm cải tạo lại các CCN để tăng cường thu hút đầu tư. Trong đó, sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển CCN; đảm bảo các điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút doanh nghiệp lấp đầy CCN. Xây dựng cơ chế hỗ trợ các CCN nằm trong thành thị dịch chuyển về nông thôn; thường xuyên cải tiến nội dung và phương pháp thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp thực tiễn, rõ ràng, có đủ những thông tin cần thiết. Quan tâm công tác hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu chuẩn bị, triển khai xây dựng và đưa dự án đi vào hoạt động; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư nhằm rút ngắn thời gian xây dựng, định hướng nhà đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng CCN theo hướng đồng bộ hệ thống hạ tầng kĩ thuật và các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho CCN. Hỗ trợ đầu tư và phát triển các CCN sản xuất sản phẩm hỗ trợ.
Theo Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025 và định hướng đến 2035 toàn tỉnh có 60 CCN với tổng diện tích 1.847,7ha. Tính đến nay có 53 CCN đã quyết định thành lập với tổng diện tích 1.557,3ha. |
Hồng Trường