Thứ Sáu, 22/11/2024 08:08:25 GMT+7
Lượt xem: 1791

Tin đăng lúc 30-03-2020

Cần có chính sách phù hợp để đáp ứng đúng đối tượng là doanh nghiệp đang sản xuất CNHT

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 ngành Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định vai trò của ngành Công Thương, đóng góp đến 80% GDP cả nước, “trong bối cảnh toàn cầu tụt dốc, thậm chí có nước lớn cũng không thể tăng trưởng cao, thì thành quả toàn diện của năm 2019 của Việt Nam có sự đóng góp trực tiếp, to lớn của toàn ngành Công Thương”.
Cần có chính sách phù hợp để đáp ứng đúng đối tượng là doanh nghiệp đang sản xuất CNHT
Công nhân Nhà máy Ford Việt Nam đang lắp ráp linh kiện ô tô

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sở dĩ GDP năm 2019 của cả nước tăng trưởng trên 7%, kết quả này có sự đóng góp quan trọng của ngành Công Thương, mà động lực chính cho tăng trưởng kinh tế vẫn là công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng trên 10,5% và thương mại, thể hiện ở sức cầu tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế, tăng 11,9%, đều vượt kế hoạch. Do Bộ Công Thương là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại rất quan trọng và rất phức tạp, nên Thủ tướng nêu ra 5 vấn đề cần lưu ý. Trong đó, “việc tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, để tăng năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu”...

 

Thời gian qua, Nhà nước cũng đã có nhiều cố gắng, định hướng ưu đãi cho các doanh nghiệp hỗ trợ, điển hình là việc dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT.

 

Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… chưa thực sự tiếp cận sát sao với ngành CNHT. Điều này dẫn đến việc phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất nhiều khi còn manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao. Chính vì vậy, việc dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP thay thế “Điều 12. Chính sách ưu đãi đối với dự án sản xuất hoặc tham gia các công đoạn sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển” như một động lực thúc đẩy việc phát triển của các doanh nghiệp. Cụ thể, bản dự thảo đã sửa đổi, bổ sung một số chính sách về ưu đãi thuế; thuế nhập khẩu, ưu đãi về thuê đất, mặt nước; chính sách tín dụng, dự thảo; chính sách cho vay vốn lưu động, dự thảo đề xuất; chính sách hỗ trợ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ: Thách thức lớn nhất vẫn là từ chính sách đến hành động thực tiễn.

 

Mặc dù doanh nghiệp CNHT chủ động tham gia chuỗi cung ứng, nhưng thực tế để phát triển CNHT trong dài hạn doanh nghiệp rất cần chính sách ổn định, xuyên suốt. Có như vậy, doanh nghiệp CNHT mới có điều kiện chủ động căn chỉnh chiến lược phát triển bền vững. Ông Bùi Thanh Nam - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Hà Nội cho biết: Chính sách phải thay đổi theo thực tế. Ví dụ, trong ngành nội địa hóa linh kiện ô tô, có một vấn đề là muốn nội địa hóa linh điện ô tô thì giá của nó phải thấp hơn giá nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Thiết nghĩ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp cần sâu hơn, giúp doanh nghiệp duy trì được các đảm bảo về khấu hao. Bất cứ một doanh nghiệp nào cũng phải đầu tư, tìm kiếm, đào tạo nhân lực, là tiền đề giúp doanh nghiệp tiếp cận được sản phẩm mới, công nghệ mới.

 

 

Trong phân xưởng cắt may tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam

 

Có thể thấy, Nghị định 111 vẫn còn tồn tại một số điểm vướng mắc, bất cập cần thiết phải sửa đổi, bổ sung liên quan đến sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, công nghệ sản xuất sản phẩm CNHT, đối tượng được hưởng ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT, tính đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật. Trước những bất hợp lý đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - đơn vị trực tiếp soạn thảo dự thảo sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP - dự kiến sẽ mở rộng đối tượng ưu đãi của Nghị định này. Theo đó, danh mục sản phẩm CNHT sẽ được mở rộng thành danh mục sản phẩm CNHT và các công nghệ CNHT ưu tiên phát triển. Việc mở rộng này nhằm để chính sách có thể đáp ứng đúng đối tượng là doanh nghiệp đang sản xuất CNHT.

 

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia về nâng cao năng lực hoạch định chính sách, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp trong nước kết nối kinh doanh, đào tạo đội ngũ tư vấn viên... Qua đó, giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Việc phát triển CNHT được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp. Nhìn nhận từ thực tế hiện nay, để CNHT có thể cất cánh trên bản đồ công nghiệp thế giới vẫn cần có sự bắt tay góp sức cùng hành động của doanh nghiệp và Nhà nước, để chính sách có thể lan tỏa hơn nữa đến từng ngành nghề, từng địa phương, góp phần phát triển đất nước.

 

Xuân Hiếu


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang